Cơ hội tiềm năng và hấp dẫn với nhà đầu tư là khẳng định của các chuyên gia và địa phương khi trao đổi với chúng tôi về kế hoạch vừa được TP.HCM công bố.
Ông HOÀNG TÙNG (chủ tịch UBND TP Thủ Đức):
Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn từ TOD
Trên địa bàn TP Thủ Đức có quy hoạch 10 tuyến giao thông công cộng quy mô lớn (metro/đường sắt nhẹ; kết nối với mạng lưới chung của TP.HCM), với khoảng 110 nhà ga (15 nhà ga đôi - giao nhau của hai tuyến giao thông công cộng trở lên).
Các khu vực định hướng phát triển TOD là phạm vi 400m quanh ga đơn và 800m quanh ga đôi.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, TP Thủ Đức sẽ tập trung phát triển TOD dọc tuyến metro số 1, tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, Phạm Văn Đồng.
Trong đó, đặc biệt tập trung phát triển xung quanh nhà ga của tuyến metro số 1, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 12-2024. Bước đầu, tuyến metro số 1 vận hành sẽ đem lại hình ảnh mới mẻ và hiện đại cho TP Thủ Đức.
Các nhà ga Thảo Điền và An Phú sẽ phát huy tác dụng ngay khi tiệm cận nhà ga đã đều là các cụm công trình cao tầng và thương mại dịch vụ quy mô lớn.
Các khu vực nhà ga khác sẽ phát triển tổ hợp đô thị hỗn hợp mật độ cao, gồm các khu chung cư, thương mại dịch vụ, văn phòng làm việc kết nối vào ga và các không gian công cộng, công viên cây xanh và quảng trường công cộng.
Việc áp dụng mô hình TOD tại TP Thủ Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân, đồng thời mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn.
Ông David Jackson (tổng giám đốc Avison Young Việt Nam):
TOD góp phần tạo nên các cụm đô thị vệ tinh
Mô hình TOD đặt mục tiêu kiến tạo các đô thị năng động và đáng sống bằng cách tập trung việc làm, nhà ở, dịch vụ và tiện ích dọc các tuyến đường sắt đô thị (MRT) hay xe buýt nhanh (BRT).
Các dự án phát triển hoặc tái phát triển theo mô hình TOD được quy hoạch theo hướng đa chức năng, kết hợp nhà ở, không gian thương mại (văn phòng, bán lẻ) và địa điểm giải trí để thu hút cư dân, người làm việc, khách mua sắm lẫn khách vãng lai.
Một mặt, TOD thúc đẩy người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, gia tăng nhu cầu sử dụng, từ đó có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, thông qua mô hình TOD, các chủ đầu tư bất động sản có thể ước tính quy mô dân số, lưu lượng giao thông, lượt khách hàng cũng như tiềm năng phát triển của khu vực.
Ví dụ về mô hình TOD hiệu quả gần Việt Nam là tại Singapore, đảo quốc này đã tích hợp phát triển giao thông đô thị với thiết kế và quy hoạch không gian, tạo thành một cụm các khu đô thị vệ tinh bao quanh vùng lõi trung tâm, với mạng lưới đường sắt nối các khu đô thị này với các khu công nghiệp và trung tâm TP.
Hay như Metro Vancouver (Canada) là một ví dụ khi các dự án TOD phức hợp quy mô lớn hội tụ đủ nhiều sẽ tạo thành "đô thị khép kín", TP bên trong TP.
Chính quyền và nhà phát triển bất động sản đã tái phát triển quỹ đất thành các cụm phức hợp khép kín mật độ cao gồm nhà ở, bán lẻ, văn phòng và không gian công cộng... kết nối với các nút giao thông công cộng.
Nhờ vậy Metro Vancouver có khả năng cung cấp chỗ ở cho hàng triệu cư dân mới mỗi năm.
Là một trong những giải pháp phát triển đô thị bền vững, mô hình TOD đang được Hà Nội và TP.HCM ứng dụng với ưu tiên xây dựng các tuyến đường sắt đô thị để đảm bảo nhu cầu đi lại và giải quyết ùn tắc giao thông.
Để hiện thực hóa những điều đã đề cập ở trên, cần có kế hoạch và triển khai đồng bộ, cần có dự báo kỹ lưỡng về doanh thu và cam kết dài hạn để kêu gọi sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản, nhà đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đơn vị cung cấp công nghệ, đơn vị vận hành...
Phát triển TOD đúng cách đòi hỏi tầm nhìn rõ ràng và quy hoạch dài hạn, mức độ phối hợp cao giữa các bên và sự nhất quán trong mọi bước triển khai.
Trong đó, lồng ghép mô hình TOD trong phát triển dự án bất động sản có thể tạo ra những cộng đồng bền vững, cân bằng lợi ích giữa con người, môi trường và nền kinh tế.
Lãnh đạo một trong những dự án Green TOD đầu tiên của TP.HCM cho biết với vị trí của dự án và việc kết nối trên sẽ tạo ra thuận lợi lớn cho cư dân nội khu dự án trong việc di chuyển đến ga metro số 1 và ngược lại.
Điều này giúp tạo nên hiệu quả kép trong việc kích thích việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng xanh là các tàu điện, giảm xe cá nhân (xe máy, ô tô) để bớt tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải.
Và cũng tăng mạnh lượng khách di chuyển trên tàu điện giúp nhanh thu hồi vốn của ngành tàu điện, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người dân.
Bên cạnh cung ứng lượng lớn căn hộ đáp ứng nhu cầu thực, các dự án Green TOD tại khu vực này sẽ góp phần tạo lối sống hiện đại cho cư dân trẻ TP cũng như giúp tăng cường hoạt động thương mại dịch vụ sân ga, thêm nhiều nguồn thu ngân sách, thu hút du lịch quốc tế, tăng cường việc kết nối các trường đại học, các trung tâm văn hóa thể thao dọc tuyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận