Tinh thần chiến đấu là “vũ khí” quan trọng của đội tuyển Việt Nam trước mỗi trận đấu - Nguồn ảnh: AFC
Liệu có cơ hội nào cho tuyển Việt Nam trong bảng đấu này? Đội bóng mạnh nhất bảng B chắc chắn là Nhật Bản. Samurai Xanh (biệt danh của Nhật Bản) là vị khách quen của sân chơi World Cup kể từ năm 1998 cho tới nay.
Các đối thủ đều đáng gờm
Ở bất kỳ giai đoạn nào, tuyển Nhật Bản cũng sở hữu lực lượng đáng nể, có trình độ kỹ và chiến thuật cũng như tâm lý vững vàng. Bên cạnh đó, sức sáng tạo của đội bóng xứ Mặt trời mọc với những nhân tố đang ngày một khẳng định mình ở trời Âu chính là khác biệt so với phần còn lại của bảng B.
Những cái tên đang thi đấu ở châu Âu như Ritsu Doan (PSV Eindhoven), Takumi Minamino (Liverpool) hay Takefusa Kubo (Mallorca)... giúp Nhật Bản sở hữu hàng công mạnh bậc nhất châu Á. Với việc lọt đến bán kết Olympic Tokyo 2020 cũng phần nào cho thấy, các cầu thủ trẻ Nhật Bản đang tiến bộ rất nhanh chóng.
Đội tuyển Nhật Bản được đánh giá cao nhất ở bảng B - Nguồn ảnh: AFC
Sau Nhật Bản phải kể đến tuyển Úc. Đoàn quân của HLV Graham Arnold quy tụ đến 14 cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu trong đợt triệu tập gần nhất.
Điểm mạnh của họ là sở hữu thể hình vượt trội, đặc biệt với trung vệ Harry Souttar có chiều cao 2m. Nhờ vậy, hàng phòng ngự của Socceroos dễ dàng hóa giải những tình huống bóng bổng.
Tiếp theo là Saudi Arabia - đội bóng mạnh hàng đầu Tây Á. Từ năm 1994 đến nay, Saudi Arabia có 5 lần góp mặt ở World Cup. Dù 100% cầu thủ được triệu tập đợt này đều đang chơi trong nước nhưng đội bóng của HLV Herve Renard vẫn được đánh giá rất cao.
Tuyển Úc với ưu thế thể hình - Nguồn ảnh: AFC
Trong khi đó, hai đối thủ còn lại là Trung Quốc và Oman cũng không thể xem thường. Trung Quốc nhập tịch 7 cầu thủ và đang dồn toàn lực để chuẩn bị cho vòng loại cuối. Các cầu thủ Oman cũng có bước chuẩn vị hoàn hảo khi sang châu Âu tập huấn. Đội nào cũng quyết tâm có mặt ở World Cup 2022.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Theo BLV Ngô Quang Tùng, tuyển Việt Nam có thể chờ đợi vào vị trí thứ 3, tương đương suất đá play-off với đội còn lại ở bảng A. Đội thắng sẽ đá thêm một vòng play-off nữa để tranh vé dự chung kết World Cup.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các cầu thủ phải chơi với hơn 100% khả năng, có chiến thuật hợp lý và sự tính toán cẩn trọng trong từng trận đấu cụ thể.
Đội tuyển Việt Nam đã ở một vị thế khác tại bóng đá châu lục - Nguồn ảnh: AFC
Yếu tố đầu tiên ủng hộ tuyển Việt Nam là tinh thần thoải mái, không áp lực, không lo âu. Sự góp mặt của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup - khu vực châu Á vốn đã là một kỳ tích. Thế nên, các cầu thủ sẽ chơi bóng với tâm thế cống hiến hết sức có thể.
Yếu tố thứ hai là bản lĩnh trong các trận lớn. Dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam không còn là đội dễ bị "bắt nạt". Tại Asian Cup 2019, đoàn quân áo đỏ chơi kiên cường trước Iraq và Iran, chỉ thua 1 bàn duy nhất trong thế trận ngang ngửa với Nhật Bản ở tứ kết.
Còn tại vòng loại thứ 2, tuyển Việt Nam bị UAE dẫn tới 3 bàn, nhưng vùng lên thi đấu kiên cường trong 20 phút cuối để gỡ lại 2 bàn. Điều này khiến đối thủ lo sợ đến giây cuối cùng.
Trận đấu đầu tiên của tuyển Việt Nam sẽ là chuyến làm khách trên sân của Saudi Arabia
Sau cùng, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp tuyển Việt Nam làm nên trái ngọt. Các cầu thủ đã được tập trung từ đầu tháng 8, được rèn kỹ - chiến thuật bài bản và nghiên cứu đối thủ kỹ càng về nhiều khía cạnh.
Vòng loại cuối cùng World Cup 2022 là cơ hội lớn để tuyển Việt Nam trải nghiệm những trận đấu chuyên môn cao nhất khu vực châu Á. Dù kết quả có ra sao thì những kinh nghiệm có được sẽ giúp cho đội tuyển Việt Nam phát triển thêm nhiều về tư duy cũng như bản lĩnh chơi bóng.
Herbalife - Nhà tài trợ chính thức cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam - hân hạnh là Nhà tài trợ phát sóng các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup - khu vực châu Á trên các kênh VTV5 và VTV6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận