05/10/2023 06:10 GMT+7

Cơ hội gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt

CHÍ TUỆ
và 1 tác giả khác

Cơ hội gỡ "thẻ vàng" thủy sản vẫn còn nhưng rất hẹp nên cả hệ thống phải vào cuộc. Nếu không gỡ được "thẻ vàng" trong năm nay, phải 1-2 năm nữa mới có thể làm được bởi châu Âu bầu cử chính quyền mới vào tháng 4-2024, phải làm việc lại từ đầu.

Tàu tuần tra của bộ đội biên phòng kiểm tra tàu cá để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp - Ảnh: Đ.HÀ

Tàu tuần tra của bộ đội biên phòng kiểm tra tàu cá để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp - Ảnh: Đ.HÀ

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khẳng định như vậy khi trao đổi về nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) trong thời gian qua, trước thời điểm đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các yêu cầu về IUU từ ngày 10 đến 18-10.

Đây là lần thứ tư EC đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị về chống đánh bắt IUU, nhằm đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Nhiều nỗ lực trong chống IUU

Ông Dương Văn Cường, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết chiều 29-9, Bộ NN&PTNT đã họp trực tuyến với đoàn công tác của EC để trao đổi một số nội dung, báo cáo trước tình hình trước khi đoàn EC sang kiểm tra.

"Việc gỡ thẻ vàng hay không hay kết quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào đợt thanh tra trực tiếp tại Việt Nam tới đây" - ông Cường nói.

Sau lần kiểm tra của EC vào tháng 10-2022, trong một năm qua, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 4 cuộc họp, trực tiếp đến các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Bộ NN&PTNT cũng tổ chức nhiều chuyến kiểm tra, hướng dẫn các địa phương ven biển.

"28 địa phương ven biển và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực rất nhiều trong chống khai thác IUU. Vấn đề không chỉ là gỡ thẻ vàng EC mà vì thực thi pháp luật về thủy sản ở Việt Nam để phù hợp thông lệ quốc tế và cũng như phát triển nghề cá bền vững", ông Cường khẳng định.

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết vướng mắc lớn nhất trong chống IUU đến nay là vẫn còn tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. 

Dù tình trạng này đã giảm rất nhiều so với những năm trước, nhưng các nước xung quanh như Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đều không muốn có tàu khai thác bất hợp pháp.

"Trong khi đó, EC khẳng định nếu còn tàu vi phạm sẽ không gỡ thẻ vàng. EC có rút thẻ vàng lần này hay không còn phụ thuộc quá trình thanh tra. Khi EC kiểm tra, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể từng trường hợp vi phạm để EC trao đổi lại với các nước xung quanh" - ông Luân nói.

Cũng theo ông Luân, Việt Nam đã có Luật Thủy sản, nghị định 42 và nghị định 26 quy định cụ thể về xử phạt các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, nhiều địa phương chủ yếu chỉ mới dừng ở mức nhắc nhở, bắt ký cam kết không tái phạm mà chưa cương quyết xử phạt, dẫn đến có những trường hợp vi phạm nhiều lần.

"Quyết tâm của trung ương là rất lớn, chủ trương chính sách cũng như quy phạm xử lý ở trung ương về IUU cơ bản đã hoàn thiện, vấn đề còn lại là ở quá trình thực thi tại các địa phương. Thế nhưng có nơi làm tốt, cương quyết xử phạt; có nơi không cương quyết, ngại va chạm" - ông Luân chia sẻ.

Kiểm soát từ đánh bắt, chế biến đến xuất khẩu...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Ban chỉ đạo IUU đã họp, lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 của đoàn thanh tra EC, trong đó tập trung vào những việc quan trọng mà EC khuyến nghị.

Đó là hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định số 26-2019 và nghị định số 42-2019) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo từng địa phương quản lý các đội tàu, như gắn định vị, kiểm soát lượng hải sản đánh bắt và truy xuất nguồn gốc chi tiết từ cảng cá, kho, nhà máy chế biến cho đến khi xuất khẩu. Đặc biệt không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đây là những việc rất cụ thể để cho thấy rằng từ đợt kiểm tra thứ ba của EC sang đợt kiểm tra thứ tư, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị.

Ngoài ra, theo ông Tiến, từng địa phương phải cụ thể hóa các vụ xử lý vi phạm hành chính, đã xử lý bao nhiêu vụ, bao nhiêu tiền, bao nhiêu vụ chưa xử lý sẽ phải xử lý dứt điểm trước khi đoàn thanh tra EC sang.

Liên quan đến 7 tấn cá kiếm của một số doanh nghiệp vi phạm IUU, cơ quan chức năng đã xử lý 2 cảng cá, phạt hơn 16 triệu đồng và cấm xuất khẩu đi châu Âu trong vòng 2 tháng.

Cũng theo ông Tiến, cơ hội gỡ "thẻ vàng" vẫn còn nhưng cơ hội rất hẹp nên phải quyết tâm cao để giải quyết. Bởi nếu năm nay không gỡ được "thẻ vàng", tháng 4-2024 châu Âu bầu cử chính quyền mới, phải 1-2 năm sau mới có thể tháo gỡ được.

"Không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với EC rằng chúng ta đã làm được việc rất khó này, không còn tàu vi phạm nữa", ông Tiến khẳng định.

Ngoài ra theo ông Tiến, Việt Nam đã thực hiện rất nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính, trong đó vụ xử phạt các doanh nghiệp liên quan đến 7 tấn cá kiếm là một ví dụ.

"Đây là những điều chúng ta có thể chứng minh với EC về sự chuyển biến tích cực tiếp theo và với quyết tâm cao đã đạt được những kết quả rõ rệt, rất hy vọng chúng ta sẽ gỡ được thẻ vàng trong đợt thanh tra lần thứ tư này" - ông Tiến nói.

Nhiều chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Quang Hùng, cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết sau gần 6 năm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" đối với IUU, đến nay Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện, đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU.

Việt Nam đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ trung ương đến địa phương, tài khoản cơ sở dữ liệu được cung cấp cho các lực lượng chức năng và cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá.

Đến nay có trên 97,65% tàu cá hoạt động vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, đã kiểm soát theo chuỗi từ sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Các nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát theo quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ trung ương đến địa phương nhằm tạo dữ liệu tổng hợp phục vụ công tác thực thi pháp luật.

Với hàng loạt giải pháp được triển khai đồng bộ, việc tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo "thẻ vàng".

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng xử phạt 2.111 vụ vi phạm các quy định khai thác IUU với số tiền hơn 44 tỉ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh: Đ.H.

Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài - Ảnh: Đ.H.

Ngày 4-10, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sau một thời gian dài nỗ lực, phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, đến nay tỉnh này đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay các tàu cá tại địa phương này đều không vi phạm, cho thấy ý thức của các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân có chuyển biến rõ rệt so với những năm trước.

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết trước đó địa phương này đã điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá của địa phương khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Những vụ việc xử lý đều được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác vi phạm khuyến nghị của EU. Đến nay phát hiện xử phạt vi phạm hành chính hơn 50 tàu cá vi phạm, với mức phạt gần 600 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quyết liệt đấu tranh, xử lý hơn 50 tàu cá vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng. Tỉ lệ ngư dân chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã tăng gấp nhiều lần so với các năm trước.

Cũng theo vị này, việc giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được cải thiện rõ rệt, cụ thể. Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng và vận hành hai trung tâm theo dõi 24/7 dữ liệu giám sát hành trình tàu cá.

"Các địa phương cũng thành lập tổ phản ứng nhanh kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin dữ liệu tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển", vị này cho biết thêm.

Cuối tháng 10-2022 EC đến kiểm tra, cơ hội để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" thủy hải sảnCuối tháng 10-2022 EC đến kiểm tra, cơ hội để Việt Nam gỡ 'thẻ vàng' thủy hải sản

TTO - Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết cuối tháng 10-2022, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng thủy sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp