06/02/2025 10:31 GMT+7

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch

Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 1.

Nằm trong danh sách 8 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỉ USD trong năm 2024, với kim ngạch đạt gần 23 tỉ USD, ngành da giày được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025 - Ảnh: T.T.D.

Đó là nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những định hướng xuất khẩu trong năm 2025 trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đối diện với nhiều rủi ro. 

Ông Diên nói: Cùng với những thách thức không thể tránh khỏi, những căng thẳng thương mại toàn cầu cũng có thể mang lại cơ hội cho VN trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn ...

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

* Trong năm 2025, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột tại nhiều khu vực, các nước gia tăng chính sách bảo hộ... Theo ông, xuất khẩu VN có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực như năm 2024?

- Quả thật, các nước phát triển ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. 

Ngoài ra, những căng thẳng chính trị tại một số khu vực, căng thẳng trong thương mại toàn cầu... cũng làm giá cước vận chuyển container tăng mạnh.

VN cũng đứng trước thách thức cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu

Tuy vậy, trước nguy cơ xung đột thương mại lan rộng khi Mỹ nâng thuế, có thể tạo thuận lợi cho VN trong đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để thay thế một số nhà cung cấp vào thị trường Mỹ. 

Song chúng ta cũng cần lưu ý đến nguy cơ về việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của VN nếu thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ... trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của VN phục hồi chậm.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỉ USD trong năm 2024, tăng 14,3%, sẽ tạo đà cho năm 2025. 

Bởi doanh nghiệp VN đã chủ động khai thác có hiệu quả sự phục hồi của thị trường và các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới...

* Vậy những ngành hàng xuất khẩu nào sẽ nắm vai trò chủ lực và yêu cầu đổi mới ra sao để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh?

- Nhóm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế. 

Với nhóm hàng nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và phát triển bền vững.

Lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ cũng sẽ tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu. Đây là ngành mà VN có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu, năng lực chế biến và giá trị gia tăng lớn. 

Các sản phẩm gỗ của VN cũng có thể đáp ứng tốt nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các ngành xuất khẩu xanh, khi các nước ngày càng coi trọng yếu tố bền vững và trách nhiệm với môi trường. 

Ngoài ra, bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, trong đó tích hợp các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải.

Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ triển khai các giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm trên cơ sở thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, đáp ứng yêu cầu về môi trường...

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 3.

* Đã có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Bộ Công Thương sẽ làm những gì để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để khai mở các thị trường mới, thưa ông?

- Cùng với việc đàm phán ký kết các FTA, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các FTA. Đó là việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội nghị và tư vấn cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp hiểu rõ các tiêu chuẩn và yêu cầu của các thị trường trong khuôn khổ các FTA, từ đó tăng cường xuất khẩu bền vững.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, môi trường và phát triển bền vững. 

Các chương trình kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Việc áp dụng công nghệ mới, tự động hóa quy trình sản xuất và quản lý thông qua các nền tảng kỹ thuật số không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao năng suất lao động, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng và tiến độ giao hàng…

* Ông Cao Hữu Hiếu (tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN):

Xuất khẩu dệt may sẽ khởi sắc hơn

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 4.

Dự báo thị trường của nhiều tổ chức thế giới cho hay dù năm 2025 còn nhiều khó khăn song tình hình dệt may sẽ có chiều hướng tốt hơn. Dù vậy, chúng ta vẫn phải chờ xem các động thái tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách đánh thuế, để đánh giá những tác động tới hoạt động xuất khẩu của VN.

Đặc biệt, chúng ta cũng phải hết sức khéo léo về ứng xử khi một loạt nhà đầu tư Trung Quốc dịch chuyển và tăng cường mở rộng nhà máy VN để tránh thuế.

Tuy nhiên, sự thay đổi nội lực có vai trò lớn, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong điều hành sản xuất. Phải nói rằng với kết quả kim ngạch đạt được năm 2024 là 44 tỉ USD nhưng chủ yếu là doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp VN chiếm thị phần không cao.

Và nếu các doanh nghiệp Việt không đầu tư xuất xứ nguyên liệu, chắc chắn lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà VN ký kết sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp FDI.

Không phải chúng tôi không quan tâm đầu tư nguyên liệu vải mà rất khó phát triển, đặc biệt khi quy định môi trường càng ngày càng khắt khe hơn, đầu tư lớn và nguồn nhân lực dệt nhuộm càng ngày càng khan hiếm.

* Bà Đỗ Thị Thúy Hương (ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN):

Nhiều cơ hội cho ngành điện tử, công nghiệp

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 4.

Ngành công nghiệp điện tử đã có một năm đạt kết quả tích cực với sức tăng trưởng quay trở lại, giá trị xuất khẩu đạt gần 127 tỉ USD, tiếp tục đứng đầu trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Giá trị gia tăng doanh nghiệp nội cũng ngày càng tăng.

Đơn cử như với Samsung, đã có 250 doanh nghiệp VN là nhà cung ứng cho tập đoàn này, trong đó có 150 doanh nghiệp cấp 1, cho thấy vị thế của doanh nghiệp VN đã nâng lên đáng kể từ 2016 khi chưa có doanh nghiệp VN nào là nhà cung ứng cho tập đoàn này.

Nhiều doanh nghiệp khác là nhà cung ứng đầu chuỗi cho Cannon, Foxcomm... tạo nên mạng lưới chuỗi cung ứng với nhiều doanh nghiệp nội địa...

Đến nay, đơn hàng của doanh nghiệp cũng tích cực trở lại, có doanh nghiệp sản xuất ba ca và đơn hàng kín hết cả năm.

Điều này cho thấy sức tăng trưởng ngành điện tử nói riêng và ngành công nghiệp nói chung đã có sự phục hồi, dù chưa được mong muốn nhưng đó là điểm sáng và tăng trưởng tốt trong khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp và có nhiều biến động khó lường, VN là điểm sáng thu hút chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ.

Những cam kết của Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn như Qualcomm đầu tư lĩnh vực đóng gói chip, hay Nvidia cam kết hỗ trợ đào tạo nhân lực...

Cơ hội đón đầu các xu hướng chuyển dịch - Ảnh 6.Nguy cơ chiến tranh thương mại tác động xuất khẩu ra sao?

Xuất khẩu sẽ có nguy cơ bị tác động bởi cuộc chiến thương mại và chính sách áp thuế của chính quyền Mỹ, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp