09/04/2020 13:46 GMT+7

Cơ hội đổi mới giáo dục: Nút thắt thi cử, đánh giá

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Nhiều trường cho biết họ hoàn toàn có thể thực hiện được việc rà soát tinh giản, nhưng vì lo 'tinh giản vào nội dung sẽ thi' nên không ai dám 'tự cắt gọt'.

Cơ hội đổi mới giáo dục: Nút thắt thi cử, đánh giá - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, trong giờ học môn vật lý theo phương pháp đổi mới dạy và học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bộ GD-ĐT đã giải tỏa băn khoăn lớn của các trường khi khẳng định phần được giảm tải không dạy hoặc chỉ khuyến khích đọc thêm, học thêm sẽ không thi. Đó chỉ là giải pháp tình thế, những tín hiệu đổi mới chỉ có thể bền vững khi có thay đổi dài hơi về thi cử.

"Chỉ đổi mới được phương pháp dạy học ở các lớp 10, 11, còn với lớp 12 thì tuyệt nhiên không dám "sáng tạo". Việc tinh giản nội dung cũng vậy, trừ khi bộ quyết thì mới làm, còn giáo viên dù thấy không cần thiết hoặc có những nội dung có thể cho học sinh tự đọc thêm, dồn tiết, giảm tiết để dành thời gian ôn tập nhưng cũng không dám cắt. Vì nếu lỡ có nội dung chủ động cắt giảm mà rơi vào đề thi, học sinh thiệt thòi, nhà trường cũng ảnh hưởng" - hiệu trưởng một trường THPT chia sẻ.

Khó đổi mới vì lo thi

Tâm lý "chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp" phổ biến đối với nhiều trường trung học khi xây dựng kế hoạch cho học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12). Nhiều giáo viên cho biết các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiệm cận với chương trình giáo dục mới đều chỉ diễn ra ở các lớp đầu và giữa cấp học.

"Chúng tôi có nhiều sáng tạo trong cách tổ chức dạy học đối với học sinh lớp 10, 11, còn ở lớp 12 thì vẫn phải tập trung dạy bám sát kiến thức cơ bản theo cách truyền thống, bám sát cấu trúc đề thi được Bộ GD-ĐT công bố, đảm bảo cho học sinh đủ kiến thức để thi đạt hiệu quả" - một giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cho biết.

Theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), dù cố gắng có những đổi mới trong dạy học nhưng một mục tiêu mà các thầy cô giáo phải tính đến vẫn là chuẩn bị cho học sinh bước vào kỳ thi đạt hiệu quả. Vì thế đối với lớp cuối cấp, những gì để trang bị tốt nhất cho học sinh đi thi sẽ được tập trung.

Trở lại câu chuyện "giảm tải", một số hiệu trưởng ở Hà Nội cho biết họ hoàn toàn có thể thực hiện được việc rà soát tinh giản, nhưng vì lo "tinh giản vào nội dung sẽ thi" nên không ai dám "tự cắt gọt".

"Chúng tôi thực hiện tự chủ kế hoạch dạy học mấy năm rồi. Việc điều chỉnh nội dung dạy học một cách linh hoạt, tổ chức dạy học theo chuyên đề, tích hợp liên môn hay tổ chức các hoạt động ngoài không gian lớp học chúng tôi đều đã làm và làm được. 

Nhưng việc kiểm tra, đánh giá nói chung và thi THPT quốc gia vẫn duy trì như hiện nay thì các trường đều phải tập trung lo cho học sinh cuối cấp học để đảm bảo thi tốt" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, nói.

Cũng theo cô Nhiếp, mặc dù rất hiểu giáo dục phổ thông chú trọng việc "dạy người", có nghĩa giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh, nhưng vì vấn đề thi cử mà các nhà trường vấp phải rào cản từ chính phụ huynh học sinh. Bởi vậy càng ở các lớp cuối cấp, những hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới càng gặp khó khăn.

Khó khăn từ phía giáo viên

"Cách đây vài năm, Sở GD-ĐT TP.HCM có tập huấn và chỉ đạo chính thức về đổi mới kiểm tra - đánh giá học sinh theo hướng đánh giá năng lực. Quận chúng tôi đã yêu cầu mỗi trường THCS phải xây dựng quy chế kiểm tra - đánh giá học sinh trường mình. 

Trong đó, các đề kiểm tra định kỳ phải biên soạn theo ma trận 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao; nội dung các câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tế" - ông Phan Văn Quang, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết.

Nhưng thời gian đầu, khá nhiều giáo viên phản ứng với việc đổi mới này. Hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM phân tích: "Giáo viên ngại biên soạn đề kiểm tra theo kiểu mới vì mất nhiều thời gian tìm tòi ngữ liệu, đầu tư câu hỏi sao cho vừa kiểm tra được kiến thức - kỹ năng theo chuẩn chương trình, vừa phát triển được năng lực học sinh".

Một số giáo viên cho câu hỏi thực tế nhưng trong thực tế không xảy ra vấn đề, sự kiện đó thì cũng không thể chấp nhận. Mặt khác, khi đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thì bắt buộc thầy cô giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều giáo viên không muốn thay đổi vì họ phải đi học thêm về công nghệ thông tin, học bồi dưỡng nghiệp vụ…

Đề thi thay đổi, dạy học cũng thay đổi

Lãnh đạo một trường THPT ở TP.HCM nhận định các trường THCS tại TP.HCM có nhiều thuận lợi hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như cách kiểm tra - đánh giá. Lý do vì đề thi tuyển sinh lớp 10 do Sở GD-ĐT TP.HCM ra được đổi mới mạnh mẽ, còn đề thi THPT quốc gia thì đổi mới chậm hơn, do đó "vẫn phải dạy theo hướng thi gì học nấy".

Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học

Theo ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, việc đánh giá học sinh tiểu học tới đây vẫn theo tinh thần của thông tư 30 và 22, không cho điểm, chỉ nhận xét, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh. Chỉ có các bài kiểm tra định kỳ, cuối kỳ mới cho điểm.

Trong tháng 4-2020, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi bổ sung thông tư 30 và 22, theo đó sẽ điều chỉnh việc đánh giá để đúng với tinh thần đổi mới giáo dục, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tinh giản chương trình: Cơ hội đổi mới giáo dục Tinh giản chương trình: Cơ hội đổi mới giáo dục

TTO - Ưu điểm của lần tinh giản này hoàn toàn có thể duy trì và thực hiện ở các năm tiếp theo, tạo đà để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tiệm cận dần với chương trình mới.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp