23/07/2018 10:31 GMT+7

Cơ hội để ngành giáo dục thay đổi

Đại biểu quốc hội, TS LÊ THANH VÂN
Đại biểu quốc hội, TS LÊ THANH VÂN

TTO - Điều người dân mong muốn lúc này chính là sự dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan đến kỳ thi THPT năm nay, đại biểu Quốc hội - TS Lê Thanh Vân ý kiến.

Cơ hội để ngành giáo dục thay đổi - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi môn ngữ văn kỳ 2018 tại điểm thi trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ

Từ xưa đến nay, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, bởi giáo dục tạo ra sản phẩm đặc biệt. Đó là phẩm hạnh, nhận thức và hành vi của con người.

Một nền giáo dục lấy hướng thiện làm căn bản, lấy lợi ích dân tộc làm nền tảng, lấy khai phóng tư duy làm phương pháp sẽ tạo ra những cá nhân biết tự trọng, biết liêm sỉ; biết tự hào, bảo vệ và phát huy các giá trị ngàn đời của dân tộc; biết kế thừa, khai thác, phát triển các giá trị tinh hoa của nhân loại bằng tư duy khoa học để xây dựng và kiến thiết đất nước.

Tiếc rằng nhiều năm qua, đã có không ít lần cải cách, đổi mới giáo dục với nguồn lực không nhỏ nhưng hiệu quả không cao, thậm chí tụt hậu so với chính quá khứ, chứ chưa nói đến hiện tại và tương lai.

Kết quả bất thường của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 bắt đầu từ Hà Giang, đã và đang có dấu hiệu lan rộng ra các địa phương khác cho thấy nhiều kẽ hở trong chế độ thi tuyển hiện nay chưa được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Rõ ràng, những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi THPT năm nay là một nỗi lo rất lớn, không thể không khắc phục triệt để, bởi đó là tấm gương tày liếp mà không biết đến bao giờ mới có thể gột sạch.

Hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi lần này nhất định phải được trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật. Nhưng, sửa chữa những sai lầm từ cơ chế, chính sách để ngăn chặn mọi sai lầm mới là kỳ vọng của người dân lúc này.

"Phương pháp trắc nghiệm là một phương pháp khoa học, nhưng không phải trong hoàn cảnh nào cũng đúng, nhất là khi tính tự giác, độ liêm sỉ, thói "ngáo danh" trong xã hội ta đang ở mức báo động và không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục"

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

"Nhân vô thập toàn". Một cá nhân cũng có thể từng mắc sai lầm, nhưng nhận ra sai lầm, coi đó là bài học nhớ đời để sửa chữa mới thực là giá trị cốt lõi của nhận thức tiến bộ và lòng quả cảm. Một cơ quan, tổ chức cũng vậy!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm", "có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa".

Trở lại với kỳ thi THPT năm nay, những hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng biết, có thể bắt nguồn từ những sai lầm. Đó có thể là sai lầm trong lựa chọn phương pháp chưa thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta, sai lầm trong cơ chế kiểm soát hành vi công vụ của cán bộ, sai lầm trong dự báo tình hình tiêu cực có thể nảy sinh...

Từ đó, điều người dân mong muốn lúc này chính là sự dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan đến kỳ thi THPT năm nay, đặc biệt trong đó có trách nhiệm của ngành giáo dục.

Và chính từ hậu quả ấy, ngành giáo dục có rút ra bài học nào không, có coi là cơ hội để thay đổi không? Câu hỏi ấy đang được mọi người hướng về tư lệnh ngành giáo dục: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!

Giải pháp nào cũng phải lấy sự nghiêm minh làm đầu

Câu chuyện kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương có dấu hiệu gian lận dường như xã hội lại phải thêm lần nữa mất đi niềm tin vào cơ chế của kỳ thi vốn dĩ mang trong mình trọng trách lớn lao này. Không hẹn mà gặp, nhiều ý kiến cùng bày tỏ quan điểm nhìn nhận lại cách thức thi cử hiện nay của Bộ GD-ĐT với hàng loạt câu hỏi được đặt ra.

Bàn về giải pháp để thay đổi thực trạng thi cử là công việc nhất thiết chúng ta phải làm, nhất là trong hoàn cảnh của hiện tại. Tuy vậy, cần ý thức rõ bất kỳ giải pháp nào rồi cũng sẽ phải thay đổi do sự thay đổi của cục diện vấn đề. Thế nên, điều cốt lõi của giải pháp phải là tinh thần trách nhiệm đối với giáo dục, sự hổ thẹn và lương tâm đối với giáo dục. Thi trắc nghiệm hay tự luận, có thể hôm nay là tối ưu nhưng ngày mai đã trở thành lạc hậu. Đề do sở ra hay do bộ ra, kỳ thi do trường ĐH hay các tỉnh thành tổ chức đều trở nên không có ý nghĩa nếu chúng ta buông lỏng công tác quản lý, mà sâu xa hơn là nếu chúng ta không có được ý thức và trách nhiệm đối với giáo dục. Giải pháp tốt, người trong cuộc làm tốt nhưng xã hội vẫn trọng bằng cấp, vẫn có các động thái tạo áp lực để xảy ra tiêu cực nhằm tư lợi thì giáo dục liệu có chống đỡ nổi?

Thế nên, ý thức và trách nhiệm đối với giáo dục phải được tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, phải được hình thành trong nhân cách của mỗi cá nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải được răn đe bởi những hình phạt thích đáng của pháp luật. Một xã hội tôn trọng giáo dục thì giáo dục mới có thể trong sáng mà tồn tại.

Trần Xuân Tiến

Kỳ thi THPT quốc gia: có cần thiết?

TTO - Vụ tiêu cực trong chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và dấy lên hàng loạt nghi vấn tiêu cực tại các tỉnh phía Bắc cho thấy câu chuyện tổ chức thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cần phải xem xét lại.

Đại biểu quốc hội, TS LÊ THANH VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp