Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đồng thời, các nơi cần sớm hình thành các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức các đợt thi tuyển trong năm.
* GS.TSKH Bùi Văn Ga (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Nên thành lập trung tâm khảo thí độc lập
Ngay cả với kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của Luật giáo dục mới không bao hàm mục tiêu lấy kết quả tuyển sinh đại học, nên nếu chỉ dựa vào điểm của kỳ thi này để xét tuyển là không phù hợp. Về lâu dài, các trường cần phải tính đến việc chủ động có phương án xét kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Theo tôi, cả nước chỉ cần thành lập hai trung tâm khảo thí độc lập phía Bắc tại Hà Nội và phía Nam tại TP.HCM để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực.
Trên nguyên tắc, ĐH Đà Nẵng cũng có thể tự xây dựng đề thi và tổ chức thi tuyển sinh riêng, nhưng nếu thí sinh dự thi chỉ lấy kết quả vào ĐH Đà Nẵng thì rất thiệt thòi cho các em. Trong khi hiện nay nếu thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, có thể sử dụng kết quả xét tuyển vào hàng chục trường khác nữa.
Vì vậy, tốt nhất các trường ĐH cần góp sức cùng nhau để có hệ thống đánh giá năng lực hiệu quả dựa trên nền tảng kỳ thi đã được hai ĐH quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) xây dựng, từ đó có thêm nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển là điều hợp lý nhất. Làm như vậy vừa tốt cho các trường cũng thuận lợi cho thí sinh.
* PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Mỗi trường tự thi riêng sẽ rất tốn kém
Sự thay đổi của kỳ thi THPT năm nay vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để trường ĐH nhìn lại công tác tuyển sinh, thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ ĐH. Hiện nay, dù chưa có sự xếp hạng chính thức các trường ĐH ở nước ta nhưng thực tế cũng có sự phân tầng tương đối.
Các trường tốp dưới lâu nay vẫn tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ là chính nên tính chất kỳ thi thay đổi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Các trường tốp trên sẽ chủ động tổ chức hoặc tham gia sử dụng kết quả thi riêng trước sự thay đổi này. Tuy nhiên, nếu mỗi trường đều tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của trường mình thì sẽ vô cùng vất vả và tốn kém.
Theo tôi, các ĐH hàng đầu của hai miền đất nước, cụ thể là hai ĐH quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) phải chủ động đứng ra làm nòng cốt trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh, từ đó các trường sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay đã ổn rồi, cần tiếp tục cải tiến liên tục. Còn ĐH Quốc gia Hà Nội cần xem xét lại kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ công tác xét tuyển như trước đây từng làm.
* TS Nguyễn Quốc Chính (giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM):
Thi năng lực đang được nhiều học sinh lựa chọn
Năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực phục vụ cho công tác tuyển sinh, với hơn 40% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, với việc năm nay không còn kỳ thi "2 trong 1" mà chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT nên chắc chắn các trường sẽ dành thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.
Đến nay, có khoảng 60.000 thí sinh và hơn 50 trường ĐH đăng ký tuyển sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020. Hình thức tuyển sinh thông qua kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đang được nhiều học sinh lựa chọn, với số lượng tăng nhiều lần so với năm trước.
Với kế hoạch chuẩn bị và triển khai cẩn trọng và khoa học, trong 3 năm qua ĐH Quốc gia TP.HCM đã tập trung xây dựng ngân hàng đề thi với số lượng lớn, chất lượng cao, theo quy trình xây dựng chặt chẽ với đội ngũ các chuyên gia đến từ các đơn vị thành viên, sở GD-ĐT và các trường THPT.
Năm 2020, ngân hàng đề thi tiếp tục được củng cố và bổ sung. Việc quản lý ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi, chấm thi, đánh giá câu hỏi đều được thực hiện với hệ thống phần mềm chuyên dụng, tương đương với các tổ chức đánh giá uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận