Kỳ nghỉ hè của gia đình là lúc cha mẹ tạo cơ hội để con thực hành những nguyên tắc chi tiêu tài chính - Ảnh: NHẬT HUY
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia về tài chính cá nhân, tác giả của quyển sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam - để tìm ra lời giải cho bài toán trên.
Cần "xóa mù" cho người lớn trước
* Theo quan sát của ông, đâu là một vài thái độ sai mà phụ huynh thường mắc phải khi con hỏi về tiền bạc?
- Ở những gia đình có điều kiện, một vấn đề tôi thường thấy là sự nuông chiều quá mức. Câu cửa miệng của những vị phụ huynh này thường là: "Chỉ cần con ngoan, học giỏi, tiền bạc cứ để ba mẹ lo, con cần gì thì ba mẹ đều có thể đáp ứng". Thế nhưng chính thái độ này của phụ huynh sẽ khiến cho con không hiểu về giá trị của đồng tiền, và vì thế không có thái độ đúng về tiền bạc.
Còn ở những gia đình không quá khá giả, cách ứng xử của phụ huynh có thể khiến cho con cảm thấy đồng tiền kiếm được là cực kỳ khó khăn, khiến con sợ đến mức không dám tiêu xài. Những đứa trẻ này khi lớn lên rất dễ sống lối sống tằn tiện quá mức và luôn bất an khi nghĩ về tiền bạc.
* Có nhiều phụ huynh cũng muốn chia sẻ với con nhưng lại không biết nên bắt đầu thế nào, ông nghĩ sao về vấn đề này, phải chăng tiền bạc vốn dĩ luôn là câu chuyện khó chia sẻ?
- Đúng vậy, tiền bạc vốn luôn là vấn đề khó chia sẻ. Có một luồng quan niệm cũ cho rằng dạy con sớm về tiền, cho con tiếp xúc sớm với tiền thì sẽ làm cho con hư. Mà điều này thì rất nguy hiểm, vì khi cha mẹ ngại dạy hoặc không biết cách dạy, con sẽ tự học. Có thể con sẽ tự học đúng nhưng có thể con sẽ học sai.
Thông thường, người nghèo thì thường có mặc cảm chính mình còn không đủ tiền nên cũng không muốn nói với con về việc ấy, còn người giàu lại không muốn cho con biết vì sợ con sẽ ỷ lại vào điều kiện gia đình. Mỗi bậc phụ huynh lại có một lý do để cảm thấy ngại khác nhau khi con hỏi về tiền bạc.
Thế nhưng cũng có một thực tế là hiểu biết về tài chính của người Việt nhìn chung còn khá thấp, việc này cũng khiến cho các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc dạy con. Do vậy, cần "xóa mù" cho người lớn trước, rồi mới đến "xóa mù" cho trẻ em. Cha mẹ cần phải nỗ lực "xóa mù" về kiến thức tài chính cho chính mình trước.
"Lọ học phí", "lọ quà vặt"
* Dưới góc nhìn của một chuyên gia về tài chính cá nhân, anh nghĩ đâu là giải pháp mang tính lâu dài cho vấn đề này?
- Bên cạnh việc bản thân phụ huynh và người trẻ cần chủ động học hỏi, tôi cho rằng các trường học cũng cần đưa kiến thức về quản lý tài chính cá nhân vào chương trình đào tạo. Rất tiếc, cho đến nay chương trình giáo dục của chúng ta vẫn chưa có một môn học chính thức nào dạy các em học sinh về tài chính, về thường thức kinh tế.
Tất nhiên, trong những năm đầu đời của trẻ, việc nhận được sự giáo dục từ gia đình vẫn đóng một vai trò rất quan trọng. Trẻ con từ 6 tuổi đã bắt đầu biết giữa cha và mẹ ai nhiều tiền hơn rồi, khi ấy chúng ta đã có thể bắt đầu dạy đứa trẻ những chuyện cơ bản nhất.
Với những đứa trẻ hay vòi vĩnh cha mẹ phải mua nhiều thứ thì dạy con về sự đánh đổi, chẳng hạn như con muốn mua máy chơi game này thì năm sau mới có thể mua giày, ngân sách của con chỉ được một trong hai thứ. Dạy cho con phải lựa chọn chứ không nên lúc nào cũng chiều theo ý muốn của con.
* Khi đứa trẻ còn sống chung với ba mẹ, đâu là những điều tưởng rằng đơn giản nhất, nhưng cũng quan trọng nhất về tiền bạc mà anh cho là các bậc cha mẹ đều nên dạy cho con?
- Giáo dục đơn giản nhất mà cha mẹ có thể làm là giúp con quản lý tiền con tiêu dùng mỗi ngày bằng cách chia cho con những cái lọ ở mức cơ bản, hướng dẫn con tiền này thì dùng vào việc gì, lọ nào để đóng học phí và lọ nào cho việc mua quà vặt. Nếu con muốn mua sắm điều gì, hãy dạy con biết tiết kiệm để đạt được mục tiêu đó.
Việc này cũng sẽ giúp cho con hiểu rằng tiền không là vô hạn, muốn có tiền thì phải lao động làm ra tiền. Con còn nhỏ chưa làm ra tiền thì phải tiết kiệm, phải sử dụng tiền đúng cách.
Khi trẻ lớn hơn thì hãy dạy trẻ phân biệt giữa cái cần và cái muốn: cái mình muốn thì rất nhiều, nhưng tất nhiên mình sẽ không đủ tiền để mua hết cái mình muốn. Để có thể dạy con điều này, bản thân cha mẹ cũng phải là một tấm gương, không thể nói với con rằng con cần cố gắng nhưng cha mẹ lại tiêu xài hoang phí, ví dụ cha thì nhậu, cà phê quá nhiều, mẹ thì mua sắm quá nhiều những thứ không cần thiết.
Khi con 13-14 tuổi, có thể bắt đầu dạy con việc làm kế hoạch ngân sách, phân bổ chi tiêu. Chẳng hạn hè này gia đình đi chơi thì có thể cho con phụ quản lý ngân sách. Bằng cách đó sẽ giúp con có trách nhiệm, có thái độ đúng đắn hơn với tiền bạc.
Bắt đầu từ kiến thức cơ bản
* Gần đây, việc chứng khoán và đầu tư được đưa vào sách giáo khoa toán lớp 10 mới (thuộc bộ Kết nối với tri thức) đang được dư luận rất quan tâm, ông có nghĩ đây là một tín hiệu tốt trong chuyện giáo dục con trẻ về quản lý tài chính ở Việt Nam?
- Đây là tín hiệu tốt, thế nhưng trước khi cho học sinh giải những bài tập về chứng khoán hay đầu tư, chúng ta phải cung cấp cho các bạn trẻ kiến thức nền, kiến thức cơ bản. Ví dụ như chứng khoán là gì. Lợi ích của chứng khoán đối với nền kinh tế và người dân.
Tại sao chúng ta lại đầu tư chứng khoán. Những lợi ích và rủi ro gì khi đầu tư chứng khoán. Nếu chúng ta không cung cấp kiến thức cơ bản đó cho bạn trẻ mà chỉ cho bạn trẻ làm toán, tính toán chứng khoán thì lợi bất cập hại.
Con tự học về chi tiêu, nguy hiểm gì?
Niềm vui sum họp gia đình ngày hè cũng là cơ hội để cho trẻ trải nghiệm làm việc nhà, chăm sóc em cũng như quản lý chi tiêu tài chính - Ảnh: NH.H.
Nguy hiểm ở chỗ khi lớn lên con có thể có thái độ sai về tiền bạc và không biết cách quản lý tiền. Một suy nghĩ phổ biến của người trẻ là tiền khó kiếm, còn cách quản lý và sử dụng dễ mà, ai cũng có thể làm được, cũng quản lý tốt. Thực ra việc quản lý, sử dụng, tiết kiệm và đầu tư một cách đúng đắn cũng không hề đơn giản.
Người trẻ thường nghĩ rằng lương tôi thấp thì để dành cũng chẳng được bao nhiêu nên thôi cứ xài hết. Sai lầm đó dẫn đến các bạn trẻ không tích lũy và sinh trưởng tiền từ những ngày còn trẻ.
Hầu hết những người trẻ không hiểu rõ quy trình tài chính cá nhân: kiếm tiền với công suất cao nhất, tiết kiệm trước khi sử dụng, phải giữ được tiền và quan trọng là đầu tư để tiền tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu tài chính cá nhân. Rất nhiều bạn trẻ còn chưa biết đặt cho mình mục tiêu tài chính cá nhân một cách chi tiết, rõ ràng.
Ông Lâm Minh Chánh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận