Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh - nơi đang “đau đầu” về bài toán vốn - Ảnh: N.AN
Công nghiệp ôtô và nhiều ngành khác khó phát triển nếu không có CNHT. Nhưng nhiều doanh nghiệp CNHT "đi đến lại đi về" khi tìm hiểu các chính sách ưu đãi.
Bỏ cuộc vì thủ tục
Trở thành nhà cung cấp linh kiện cho một hãng ôtô nước ngoài tại VN, anh Tuấn - giám đốc một doanh nghiệp sản xuất chi tiết xương ghế ngồi ôtô tại Vĩnh Phúc - kể lại khi biết có thông tin hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện, anh đã trực tiếp đến Sở Công thương thành phố để tìm hiểu các thủ tục nhằm xin được hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ xe hơi vẫn còn rất nhiều khó khăn
Thế nhưng đến vài lần, yêu cầu thủ tục phức tạp, anh Tuấn chán nản bỏ cuộc. Với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc, nên anh Tuấn cho hay cần dành để làm những việc khác có ích hơn.
Cũng là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, với sản phẩm chủ lực là khuôn mẫu nhựa, linh kiện cơ khí có độ chính xác cao làm linh kiện cho ôtô, xe máy và máy in, anh Nguyễn Văn Tuân - tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh - cho biết đã nhận được một số hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thị trường, tìm khách hàng, cải tiến năng suất...
Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ mà doanh nghiệp cần nhất là vốn thì vẫn luôn là bài toán đau đầu. Khi nghe tin có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với mức lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 7%/năm, anh Tuân tìm hiểu cơ hội để nộp hồ sơ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là "đang tạm dừng triển khai".
Theo anh Tuân, đa số các doanh nghiệp phụ trợ mới khởi nghiệp đều không có nhiều tiền, nên chủ yếu phải mua máy móc, trang thiết bị cũ. Vì vậy, tỉ lệ hư hỏng cao, độ chính xác thấp. "Mua mỗi chiếc máy hiện đại chi phí khoảng 100.000 USD, vận hành cả dây chuyền không thể chỉ vài ba chiếc máy. Không tiếp cận được vốn ưu đãi, rất khó có tiền đầu tư" - anh Tuân nói.
Chờ Nhà nước tháo rào cản
Trực tiếp đi tìm hiểu nhu cầu vay vốn sản xuất từ Quỹ hỗ trợ DNNVV, phóng viên Tuổi Trẻ nhận được xác nhận từ một cán bộ có thẩm quyền của quỹ này là: việc giải ngân cho vay đang được tạm dừng.
Lý do là Luật hỗ trợ DNNVV mới được ban hành, nên mới đây nghị định 39/2019 về tổ chức hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV mới được ban hành. Theo đó, việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp không như giai đoạn trước mà sẽ có trọng điểm.
Cơ quan này đang xây dựng văn bản hướng dẫn, với chính sách hỗ trợ trọng tâm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị... Bên cạnh các tiêu chí bắt buộc như quy mô vốn, lao động, doanh nghiệp phải có vốn đối ứng tối thiểu là 20-30%.
Bên cạnh khó khăn về vốn, việc tiếp cận đất đai để xây dựng nhà xưởng với DNNVV cũng khó khăn. Một doanh nghiệp phụ trợ tại Hà Nội chia sẻ để tìm mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất thực sự gặp rất nhiều rủi ro, có thể dễ dàng bị cắt hợp đồng thuê, chi phí cao.
Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện sản xuất CNHT vẫn chưa phát triển, năng lực của doanh nghiệp Việt còn hạn chế nên đa số các linh phụ kiện đều phải nhập khẩu. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất sản phẩm, như với chiếc ôtô ở Việt Nam, còn cao hơn so với các nước trong khu vực.
"Cần có sự vào cuộc của các cấp nhiều hơn và phải làm thực tế. Không phải là ta không có chính sách ưu đãi, có quỹ, có tiền hỗ trợ... Vấn đề là doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận" - bà Tuệ Anh nói và cho rằng trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được thì phải có bên thứ ba bảo lãnh, giảm các thủ tục, quy trình đang có vấn đề như hiện nay.
Ông Boo Ho Lee (chuyên gia Hiệp hội cơ quan hợp tác đầu tư vật liệu & linh kiện Hàn Quốc - KITIA):
Xác định rõ ai chịu trách nhiệm hỗ trợ
Nhiều công ty sản xuất linh kiện ban đầu không có nhiều lợi nhuận. Chúng tôi thấy phải nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, nên thúc đẩy đưa ra luật đặc biệt về vật liệu linh kiện. Luật nêu rõ định nghĩa CNHT là gì, khoanh vùng các kỹ thuật cần phát triển và hỗ trợ, điều kiện gì và xác định rõ ai sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ.
Thông thường doanh nghiệp sẽ vay vốn từ ngân hàng. Nhưng nhiều doanh nghiệp không có đủ tài sản thế chấp nên sẽ không mượn được tiền. Luật quy định dự án nào được thẩm định hiệu quả sẽ nhận tiền đầu tư do chính phủ huy động, từ nhà đầu tư thiên thần, cá nhân có tiền đầu tư hoặc các quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, để thu hút được tiền này rất khó, ban đầu chính phủ sẽ hỗ trợ và dùng tiền đi đầu tư. Khi có tích lũy và có dự án thành công sẽ kêu gọi các quỹ hoặc cá nhân đầu tư vào. Nếu thành công thì trả lại bằng cổ phần, cổ phiếu chứ không có khái niệm đầu tư lấy lãi.
Quy mô quỹ đầu tư này tại Hàn Quốc năm 2009 tăng lên 800 tỉ won và năm 2018 là 3.400 tỉ won (65.000 tỉ đồng).
Khoản đầu tư này sẽ tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển và không hoàn lại nếu dự án tốt, có công nghệ kỹ thuật. Việc thẩm định dự án sẽ do các học giả, chuyên gia kỹ thuật đánh giá trên các tiêu chí cụ thể, không có chuyện chi tiền hoa hồng để được nhận tiền.
Tỉ lệ đầu tư thành công, thương mại hóa của chúng tôi trước đây đạt khoảng 43%, nay đã tăng lên mức gần 65%. Để đánh giá hiệu quả kinh doanh, mỗi năm doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra 4 lần.
N.An (từ Hàn Quốc)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận