14/08/2015 09:10 GMT+7

Cơ hội của TP.HCM là cơ hội của cả nước

VIỄN SỰ - MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HOA

TT - “TP.HCM đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá. Nếu không làm được thì tiếc lắm! Tiếc cho cả đất nước chứ không chỉ cho TP.HCM”.

Trung tâm TP.HCM đang thay da đổi thịt theo chiều hướng hiện đại, và mọi người còn kỳ vọng phải hơn thế nữa - Ảnh: T.T.D.

Góc nhìn ấy của bà Trần Thanh Bình - phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - cũng là chủ đề chung trong góp ý của nhiều lãnh đạo và đại diện các ban Đảng trung ương, tại buổi góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM ngày 13-8.

Chờ đợi sẽ mất cơ hội

Bà Trần Thanh Bình nói cơ hội của TP.HCM cũng là cơ hội của cả nước, cá nhân bà rất chia sẻ với TP.HCM khi dự thảo báo cáo chính trị của TP.HCM đã rất “quẫy cựa”, nhấn mạnh vấn đề bứt phá, “xé rào” để phát triển hơn nữa, trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á.

“Một cái bánh mà chia đều thì không làm gì được cả, cần phải có động lực, có tính lan tỏa” - bà Bình ví von.

Nói xong, bà Bình quay sang Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ và đề nghị: “Với góc độ của Văn phòng Trung ương Đảng, tôi rất mong muốn Ban Kinh tế trung ương có sự thống nhất, kiến nghị với Bộ Chính trị tìm ra những cơ chế phù hợp cho TP.HCM.

Mong anh Huệ chủ trì, làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư, có kiến nghị bằng văn bản để Văn phòng Trung ương Đảng có điều kiện tổng hợp”.

Từng là phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Minh Trí - phó Ban Nội chính trung ương - cho rằng năng lực của các sở, ngành TP.HCM hiện nay đã đủ sức xem xét, phê duyệt những dự án lớn và trung ương cần mạnh dạn phân cấp cho TP.HCM.

“Trung ương phải tin tưởng, vì cấp cao thì khó thể sâu sát bằng cán bộ cơ sở. Còn cứ chờ đợi sẽ mất cơ hội” - ông Trí nói. Ông cho rằng phải sớm cho TP.HCM cơ chế của một đô thị đặc biệt về thẩm quyền vì đặc thù kinh tế, con người của TP.HCM khác với nhiều địa phương.

“Thời gian qua, trung ương nặng vấn đề quan tâm an sinh xã hội, chia sẻ nghèo khổ mà chưa thật sự quan tâm bứt phá ở những nơi có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Vì có những nơi có đầu tư vào cũng không phát triển được, rất lãng phí. Còn những nơi bỏ vào một đồng mà lời được mười mấy đồng thì phải mạnh dạn cho cơ chế” - ông Trí phân tích.

Theo ông Trí, việc đầu tư có trọng điểm này sẽ không làm thiệt thòi cho các địa phương nghèo, vì nếu TP.HCM được cho cơ chế thì sự phát triển của TP.HCM đủ sức gánh cho nhiều tỉnh nghèo khác.

Thấy đúng thì hãy mạnh dạn

Như một lời “trách”, ông Võ Minh Khương - ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương - nói có những đột phá rất tốt, rất đúng, TP.HCM đã dày công làm nhưng cuối cùng không mạnh dạn hơn nữa, không tranh thủ hơn nữa để vấn đề đó lan tỏa.

Hai việc mà ông Khương muốn nói chính là vấn đề “chính quyền đô thị” và xử lý, dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy.

“Tôi hiểu chuyện này cũng có vướng luật. Nhưng nếu TP.HCM thấy đúng thì phải đeo bám, phải thuyết phục mạnh mẽ hơn nữa. Tất nhiên trách nhiệm là của cả trung ương, nhưng về phía TP.HCM phải nhìn nhận mình đã làm, đã thuyết phục tối đa chưa?” - ông Khương đặt câu hỏi.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Phong - phó Ban Đối ngoại trung ương - nói trong dự thảo báo cáo chính trị TP.HCM vẫn chưa mạnh dạn nói đầy đủ những thành tựu của mình.

Theo ông Phong, không phải riêng cá nhân ông mà đánh giá của Ban Đối ngoại trung ương là “thành tựu của TP.HCM thuyết phục hơn những gì ghi trong dự thảo báo cáo chính trị”.

Ông Phong nói ông nhấn mạnh việc này vì “chất liệu cuộc sống ngồn ngộn như TP.HCM này là nguồn lý luận vô tận cho Đảng, cần phải đúc kết”.

Chia sẻ rất thẳng thắn, ông Phong nói: “Có người hỏi tôi quan tâm nhất gì trước đại hội, tôi nói quan tâm nhất đến lý luận. Chúng ta đang rất lúng túng về lý luận, nhưng chúng ta lại không thừa nhận chuyện này”.

Và theo ông, lý luận đang xuất phát từ việc tổng kết thực tiễn cuộc sống khái quát lên... “Những kiểm điểm của Thành ủy TP.HCM trong báo cáo chính trị này là đóng góp kinh nghiệm lý luận rất lớn, khái quát lên, mở đường cho những chặng tiếp theo” - ông Phong đánh giá.

TP.HCM phải điều phối kinh tế vùng

Đáp lại nhiều ý kiến từ những đại biểu của các ban Đảng trung ương, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nói ông hiểu các lãnh đạo, đại diện của ban Đảng trung ương muốn đặt ra yêu cầu, trọng trách cao hơn với TP.HCM và TP.HCM sẽ tiếp thu tối đa ý kiến.

Về vấn đề động lực phát triển cho TP.HCM, ông Hải nói: “Vừa rồi TP.HCM xin cơ chế về chính quyền đô thị nhưng bây giờ nếu muốn phát triển, tôi nghĩ chính là phát huy được vai trò của vùng kinh tế chứ không chỉ là chính quyền đô thị”.

Ông Hải nói việc 63 tỉnh thành đều có tính độc lập tương đối về kinh tế đã được thừa nhận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là điển hình trong sự độc lập đó khi chỉ chiếm khoảng 20% dân số, 9,2% diện tích đất tự nhiên nhưng chiếm tới 38-39% GDP quốc gia, thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 64%. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cơ chế đặc thù rõ rệt.

Theo ông Lê Thanh Hải, nếu tạo được một cơ chế chính sách, có cơ chế riêng cho cả vùng kinh tế phía Nam, trong đó TP.HCM giữ vai trò đầu tàu thì đó sẽ là động lực rất lớn để phát triển. Từ đó điều phối nguồn nhân lực, phân bổ lực sản xuất mới đạt hiệu quả.

Theo ông Hải, việc giao vai trò điều phối cho TP.HCM để làm động lực phát triển cho cả vùng kinh tế phía Nam đã được TP.HCM kiến nghị từ lâu nhưng vẫn chưa được đồng ý.

“Chính quyền đô thị, trung ương đã quyết vậy rồi thì chấp hành, còn vấn đề này thì sẽ phải suy nghĩ để góp ý kiến” - ông Hải khẳng định.

Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ (ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương):

3 bất cập với kinh tế TP.HCM

Ông Vương Đình Huệ nêu: “Thứ nhất là tính cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng còn hạn chế. Thứ hai là bất cập trong xây dựng và quản lý đô thị.

thứ ba là bất cập thể chế, việc quản trị TP, quản trị doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật như hiện nay thì thật sự là “chiếc áo quá chật”.

Trong năm năm tới cơ hội với TP.HCM là rất nhiều, nhưng thách thức cũng gay gắt chưa từng có. Cơ hội mới nằm trên văn bản và nắm được hay không là do mình, nhưng thách thức là trước. Làm sao thể hiện được trong báo cáo chính trị”.

Theo ông Huệ, để khắc phục thách thức về năng lực cạnh tranh, TP.HCM phải có khởi động một phong trào mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

“Đừng hiểu chỉ có thanh niên, sinh viên mới lập nghiệp thì gọi là khởi nghiệp, mà có thể là bất kỳ ai. Kể cả một thành phố, một tập đoàn đã có hàng trăm năm vẫn gọi là khởi nghiệp khi nó phát triển sang một thị trường mới, sản phẩm mới” - ông Huệ nói.

Công tác cán bộ nhiều khâu TP.HCM làm rất tốt, nhưng làm thế nào đánh giá cán bộ cho chính xác để bố trí đúng vẫn là một khâu khó, còn phải cố gắng nhiều. Với công tác tư tưởng, trong điều kiện mà thông tin nhiều chiều, cơ chế tiếp nhận thông tin của người dân rất phong phú, đa dạng thì giải pháp nào để làm tốt công tác này trong thời gian tới? TP.HCM mong nhận được góp ý

Ông VÕ VĂN THƯỞNG

(Ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)

VIỄN SỰ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp