12/06/2020 09:41 GMT+7

Cơ hội cho sản xuất nội địa

NGUYỄN THIỆN NHÂN (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM)
NGUYỄN THIỆN NHÂN (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM)

TTO - Việc giảm nhập khẩu một số nguyên liệu, vật tư cần thiết do các cơ sở sản xuất nước ngoài phải tạm dừng do dịch COVID-19 sẽ là cơ hội cho sản xuất trong nước. Về lâu dài, kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn.

Cơ hội cho sản xuất nội địa - Ảnh 1.

Trong thời gian dịch COVID-19, Công ty TNHH Lập Phúc, Q.7, TP.HCM vẫn giữ chân 170 nhân công khi duy trì công việc bình thường nhờ các đơn hàng từ Mỹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như vậy trong bài viết về diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và kiến nghị 9 giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam. Do đó, ông Nhân cho rằng ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch khẩn trương phối hợp với từng nước nhằm chuẩn bị, khuyến khích phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại hai chiều và du lịch một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng nước.

Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát huy vai trò tích cực của quan hệ kinh tế với nước ngoài của Việt Nam, biến dự báo phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch nêu trên thành hiện thực và có thể cải thiện hơn. Tuổi Trẻ xin lược trích đăng bài viết này.

Chuẩn bị cho kết nối đầu tư, giao thương

Trong 17 quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế và du lịch quan trọng nhất của Việt Nam (chiếm 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về du lịch nước ngoài), có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhu cầu xuất nhập khẩu và khả năng người dân đi du lịch nước ngoài ở các nước này giảm mạnh so với năm 2019, chừng nào các nước này chưa trở lại trạng thái bình thường mới và an toàn dịch COVID-19.

Trong 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất này, có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ an toàn dịch vào tháng 6 đến tháng 8-2020 (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đức, Úc, quần đảo Virgin thuộc Anh và Samoa). 

Trong 7 quốc gia thuộc nhóm 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất nhưng đến nay vẫn chưa an toàn dịch (Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hà Lan và Nga), cần theo dõi chặt chẽ kết quả chống dịch COVID-19. Khi các quốc gia này an toàn, Việt Nam phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch với họ được sớm nhất và thận trọng, an toàn dịch.

Đầu tháng 6-2020, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác đầu tư chiếm tổng cộng khoảng 90% giá trị đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vào năm 2019, có 8/10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020 gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Nhật, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) và Thái Lan.

Dự báo từ tháng 6 đến tháng 12-2020, có 8/10 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ an toàn về dịch COVID-19 và có thể xúc tiến đầu tư lại vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa, Thái Lan. 

Trong năm 2020, dự báo tổng vốn đầu tư nước ngoài có thể phục hồi, đạt khoảng 70% tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019. Có 8/14 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể phục hồi thương mại hai chiều với Việt Nam và dự báo tổng giá trị thương mại trong năm 2020 sẽ bằng khoảng 85% tổng giá trị thương mại tại Việt Nam năm 2019.

Dịch COVID-19 đã làm tê liệt ngành du lịch của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020, có 5/8 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ an toàn dịch COVID-19 và có thể phục hồi khách du lịch đến Việt Nam gồm: Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan và Thái Lan với số lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2020 dự báo có thể phục hồi bằng 40% (hơn 7 triệu lượt khách) tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.

Với vai trò chủ tịch Asean năm 2020, Việt Nam có thể phối hợp với các nước tiến hành các hoạt động chung tại 6 nước: Campuchia, Brunei, Việt Nam, Thái Lan, Lào và Myanmar từ tháng 6-2020. Tuy nhiên, khi tham gia các hoạt động trên, đại biểu từ các nước Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines cần được kiểm tra tình trạng sức khỏe, đảm bảo không bị nhiễm, trước khi tham dự các hoạt động chung.

Cơ hội cho sản xuất nội địa - Ảnh 2.

Du khách tham quan TP.HCM tháng 3-2020 - Ảnh: Q.Đ.

Thời cơ gia tăng sản xuất trong nước

Qua phân tích và dự báo bước đầu ở trên, nhiều khả năng trong năm 2020, đầu tư nước ngoài sẽ giảm khoảng 30% so với năm 2019, thương mại quốc tế giảm khoảng 15% và lượng khách du lịch quốc tế giảm khoảng 60%, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 và năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh (ngày 14-4-2020, IMF đưa ra dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 tăng khoảng 2,7%).

Do nhu cầu nhập khẩu của thế giới, của các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam giảm đáng kể, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu không thể sử dụng hết năng lực sản xuất đã đầu tư phải tạm ngưng sản xuất, thậm chí đóng cửa, thu nhập của người lao động sẽ giảm và một bộ phận lao động sẽ không có việc làm kéo dài. Khi đó, sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm, các đơn vị sản xuất và dịch vụ trong nước cũng không thể phục hồi như trước khi có dịch COVID-19 toàn cầu.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, việc giảm nhập khẩu một số nguyên liệu, vật tư cần cho sản xuất trong nước, do các cơ sở sản xuất nước ngoài phải dừng khi nước này còn dịch, cũng là cơ hội cho phát triển các cơ sở sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu này. Về lâu dài sẽ làm cho kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn, tăng chuỗi giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc thu nhập của lao động trong nước và của nước ngoài giảm trong năm 2020 - 2021, dẫn đến áp lực cung cấp các giải pháp cho sản xuất và dịch vụ có chi phí thấp hơn sẽ tăng, để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể cạnh tranh thắng lợi. Đây là cơ hội để các giải pháp sản xuất, dịch vụ áp dụng các công nghệ 4.0 phát triển và cơ hội để đưa ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới.

Do đó, ngay trong giai đoạn hiện nay, 2020 - 2021, cần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị các giải pháp và sản phẩm để người Việt, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường trong nước và quốc tế với tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025.

______________________________________

(*): tít chính và tít phụ do báo Tuổi Trẻ đặt

9 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2021

1 Hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp và người lao động để cuối năm 2020 số doanh nghiệp phải phá sản không quá 15% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động tháng 12-2019 (các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào).

2 Có kế hoạch cụ thể, thiết thực với từng nước từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2021 để tận dụng cơ hội phục hồi đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và du lịch nước ngoài của 17 nước và vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

3 Khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu với lợi thế về nhân lực (chi phí lao động không cao, chất lượng lao động được nâng cao) và công nghệ 4.0 do người Việt Nam tạo ra.

4 Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành phong trào "Khởi nghiệp sáng tạo - cơ hội cho Việt Nam phát triển 2021 - 2025 - 2030".

5 Thay đổi cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát huy cao nhất tác dụng của đầu tư công và đầu tư tư nhân (có một luật để sửa các mâu thuẫn, chồng chéo, giữa các luật thuộc 3 lĩnh vực nói trên).

6 Triển khai chương trình quốc gia "Số hóa tài nguyên kinh tế và hạ tầng xã hội Việt Nam 2020 - 2023" làm cơ sở chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế sang kinh tế số từ năm 2024.

7 Triển khai cuộc vận động toàn xã hội "Tiết kiệm để phát triển sản xuất và ổn định xã hội 2020 - 2021".

8 Giám sát chặt chẽ các thị trường và chi ngân sách, kiềm chế, giữ vững lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội.

9 Phát huy truyền thống văn hóa của Việt Nam - Nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ, hợp tác để mọi người nghèo, thu nhập thấp được hỗ trợ, không để người dân, gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

Toàn văn bài viết của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, mời bạn đọc xem TẠI ĐÂY

Gần 60% doanh nghiệp FDI tại TP.HCM báo lỗ triền miên, lỗ nhưng mở rộng sản xuất Gần 60% doanh nghiệp FDI tại TP.HCM báo lỗ triền miên, lỗ nhưng mở rộng sản xuất

TTO - Theo Kiểm toán Nhà nước, 50% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ. TP.HCM có tới gần 60% doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Thực tế này gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.

NGUYỄN THIỆN NHÂN (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp