Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Những năm trước đây, học sinh của trường ngót nghét nghìn em. Phòng học tương đối đầy đủ nhưng nhà vệ sinh không sạch sẽ. Biên chế của trường chỉ có bảo vệ mà không có tạp vụ nên không ai dọn dẹp. Tình trạng mất vệ sinh ngày càng trầm trọng. Trường đề nghị nhân viên bảo vệ làm thêm việc dọn dẹp vệ sinh và trả thêm phí nhưng nhân viên này cũng làm cầm chừng vì ngại khó. Học sinh phàn nàn nhưng vẫn tiếp tục làm mất vệ sinh thêm, ở các phòng nước lênh láng tràn cả ra ngoài, giấy rác bừa bãi, mùi hôi lan đến các phòng học gần đó...
Xin dọn dẹp khu nhà vệ sinh
Từ câu chuyện của tác giả Nguyễn Hữu Nhân, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp lại cô học trò - cô giáo, nhân vật trong bài viết này. Thật bất ngờ, không chỉ làm tạp vụ suốt thời THCS mà ngay cả khi lên THPT cô học trò ấy vẫn tiếp tục quay về ngôi trường cũ làm tạp vụ để nuôi sống mình. Và bây giờ cô học trò ấy đã trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh mà chúng tôi sẽ giới thiệu trên số báo ngày mai (23-5). Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi. |
Rồi trong buổi họp của hội đồng nhà trường, các thầy cô ngạc nhiên khi ban giám hiệu đọc bản đề nghị xin được nhận dọn dẹp khu nhà vệ sinh. Học sinh này nói rõ sẽ bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ và chỉ nhận bằng đúng số tiền nhà trường chi trả trước đó để thuê người dọn dẹp. Em mong nhà trường đồng ý vì số tiền ấy tuy không nhiều nhưng sẽ giúp em trang trải việc học tập và cuộc sống.
Thầy cô cảm động vì thấy em không nề hà dơ bẩn, nặng nhọc nhưng cũng lo cho em vì lời hứa cứ sau mỗi buổi học em sẽ dành 30 phút để dọn dẹp cho sạch mới về. Là một học sinh giỏi, ngoan, tích cực công tác Đội, nhưng gia đình quá khó khăn nên em được trường thường xuyên giúp đỡ tiền bạc, sách vở... Những khi nhận sự giúp đỡ ấy, em đều bày tỏ sự băn khoăn vì đã làm thầy cô lo lắng, nhất là vì trường còn nhiều bạn cũng khó khăn. Em xin được nhận công việc này như một sự đóng góp cho trường và tự tin nhận lấy số tiền do chính công sức lao động của bản thân. Cuối cùng thầy cô cũng đồng ý với đề nghị của em.
Một vài bạn tỏ ý e dè khi tiếp xúc với em. Nhà trường liền đề nghị thầy cô chủ nhiệm các lớp nói rõ cho học sinh biết em chính là người nhận phần việc làm cho khu nhà vệ sinh sạch sẽ. Thầy cô kêu gọi các bạn có thể giúp em bớt cực nhọc bằng cách tự giác giữ vệ sinh chung. Thế là tình trạng giấy rác quăng bừa bãi được cải thiện. Các em biết sử dụng nước để làm sạch sẽ khi sử dụng công trình phục vụ bản thân. Một vài bạn sau giờ học đã tình nguyện ở lại cùng em làm việc.
Và cô giáo của ngày hôm nay
Năm học cuối cấp cũng qua. Em đã giữ đúng lời hứa làm tốt công việc đã nhận. Hằng tháng khi nhận khoản tiền từ nhà trường, em vui lắm. Em hoàn thành chương trình học và đỗ vào trường THPT của tỉnh. Những năm ở đại học, em vẫn nhận làm thêm nhiều việc khác không kém phần vất vả để tự lo cho mình.
Ra trường, em được nhận về dạy ngay ngôi trường đã theo học THPT. Cô học trò dọn vệ sinh năm xưa giờ đã là một cô giáo vững tay nghề, được phụ huynh thương mến, tin cậy. Khi tôi đến mời em về trường cũ tham gia giao lưu, em vui vẻ nhận lời.
Buổi giao lưu diễn ra với nhiều bất ngờ. Khi các học sinh của tôi tặng hoa cho em, em đã tặng lại cho nhà trường với lời cảm ơn thầy cô đã giúp đỡ tạo việc làm, mà qua đó còn rèn luyện bản lĩnh, nhân cách con người em. Trả lời câu hỏi vì sao khó khăn đến vậy mà vẫn đạt kết quả tốt trong học tập, em chia sẻ với học sinh của trường là phải có quyết tâm, tập trung trên lớp, ôn luyện bất cứ nơi nào, lúc nào. Em kể những lúc dọn vệ sinh năm xưa, em luôn nhẩm lại bài vừa học nên không ngại cực, không ngại dơ mà thuộc bài ngay.
Bây giờ trở thành cô giáo, em không quên quan tâm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây. Em hứa sẵn sàng giúp học sinh ôn tập để kết quả học tập được tốt hơn.
Những thầy cô từng giảng dạy em rất vui. Thành công của em là thành công của tập thể thầy cô với phương pháp giáo dục khoa học gắn kết với tình yêu thương học sinh. Thay vì mỗi tháng mỗi tặng tiền, thầy cô luôn bên em, luôn nhắc nhở em công việc nào cũng quý và chúng ta có thể thay đổi cuộc đời mình nếu biết vươn lên.
Không cầm được nước mắt Cứ tan buổi học, em cặm cụi dọn dẹp nhà vệ sinh như đã nhận với nhà trường. Nhìn em nữ sinh chưa tròn 15 tuổi chăm chỉ với công việc mà không phải ai cũng chấp nhận làm, thầy cô không cầm được nước mắt. Không chỉ dọn sạch rác, khơi lại đường thoát nước, cuối mỗi ngày em gom rác vào hố và đốt sạch sẽ. Khi ngọn lửa tàn, em cẩn thận rưới nước lên đám tro ấy rồi mới về. Khu nhà vệ sinh mỗi ngày mỗi sạch hơn và trong trường em bao giờ cũng là người cuối cùng ra về. |
Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Trần Đắc Luân, Dũng Mạnh (Hà Nội), Kim Thoa (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi), Vĩnh Linh (Kon Tum), Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa), Nguyễn Văn Công, Ngọc Nguyễn (Đồng Nai), Nguyễn Thị Thùy Hương (Bình Dương), Sao Biển, Thái Hoàng, Ngọc Khanh (TP.HCM), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Khánh (An Giang) cùng các tác giả Hồ Tấn Diệm, Bùi Khiết Anh, Nguyễn Lan Anh, M.H., Hoàng Hạc, [email protected]... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email [email protected], hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận