Trên nóc căn phòng tắm ấy là cái "chuồng cu" dựng tạm - nơi ở của bốn người trong gia đình Ngân.
Trong cái "chuồng cu" bé tẹo, bố mẹ vẫn dành chỗ kê góc học tập cho Ngân - Ảnh: VŨ THỦY
Tất cả vì con
"Trước hai vợ chồng cũng ra mướn nhà ở nhưng rồi chồng thất nghiệp, tôi đau bệnh nên xin về đây ở với gia đình chồng cho bớt tiền nhà. Nhà chồng cũng chật chội, đành tận dụng cái nóc nhà tắm bên ngoài để dựng tạm cái nhà ", chị Nguyễn Thị Điệp (40 tuổi), mẹ bé Ngân chia sẻ.
Gọi là "căn nhà" nhưng hai vách tường là mượn từ hai căn nhà hàng xóm, hai vách còn lại, chồng chị xin tôn cũ, xin ván về quây lại, trông lụp xụp như muốn sập xuống đến nơi.
Chồng làm hồ, công việc bữa mưa, bữa nắng nên mặc dù bị ung thư buồng trứng, từng phải phẫu thuật điều trị, sức khỏe rất yếu, chị Điệp vẫn cố gắng tự nấu sữa đậu nành rồi đem ra bán trước hẻm để kiếm tiền nuôi hai cô con gái đi học.
Trong căn chuồng cu vỏn vẹn vài mét vuông ấy, hai góc nhà đã kê hai cái bàn học tập - là quà tặng học sinh giỏi của trường của hai cô con gái, chỉ còn vừa vặn một khoảng trống để trải nệm ngủ cho ba người. Đứa con gái lớn của chị phải sang ngủ nhờ nhà nội.
Chị Điệp thương Ngân bởi vì con sinh ra đã phận con nhà nghèo, lại mắc thêm tật hở hàm ếch. Sau 4 lần phẫu thuật chữa hở hàm ếch thì con lại bị ảnh hưởng trí nhớ, bác sĩ khuyên gia đình cố gắng cho con học đến đâu hay đến đó.
"Nó học trước quên sau nhưng vẫn cố gắng hết sức, cho đi chơi cũng không dám đi. Mà năm nào con cũng học sinh giỏi. Con ham học vậy nên mình phải cố, đâu có dám nghỉ bán ngày nào. Bữa nào mệt quá thì nấu mang ra hẻm nhờ các dì đứng bán giùm", chị Điệp kể.
Nghị lực của Duy
Gia cảnh cũng khó khăn, phải sống nhờ trong căn nhà bé tẹo của ông bà nội, vợ chồng chị Phạm Thị Giang (43 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) ngày ngày vẫn cố gắng làm lụng, chắt chiu nuôi hai con ăn học.
Anh em Đức Duy cùng với bố mẹ ở trong căn nhà bé tẹo của ông bà - Ảnh: VŨ THỦY
"Tôi bán đậu hũ ở chợ Trần Hữu Trang, mỗi ngày được hơn trăm ngàn, chồng thì làm phụ bếp ở mấy quán ăn nên thu nhập bấp bênh lắm. Nhưng hai đứa nhỏ không đi học thì tương lai không biết phải làm sao. Đành ráng hết sức", chị bảo.
Chị kể thêm về cậu con trai và cô con gái có khuôn mặt hơi khác thường vì mắc chứng bệnh Down bẩm sinh. "Hai đứa đều phát hiện bệnh lúc được vài tháng tuổi. Vợ chồng tôi đau buồn lắm nhưng sinh con ra rồi, phải lo lắng cho con. Đó là trách nhiệm của người làm cha mẹ", chị bảo.
Cậu bé Trần Đức Duy (sinh năm 2014), con trai đầu tiên của chị dù nhận thức kém, chậm hơn các bạn rất nhiều nhưng cậu bé đã học đến lớp 7. Em gái Duy cũng học đến lớp 4. Mấy năm liền, hai anh em toàn học lại sách vở xin từ những nhà xung quanh.
Duy đang là học sinh lớp 7/13 trường THCS Ngô Tất Ngố (phường 10, quận Phú Nhuận), tháng 8 tới là vào lớp 8. "Con thích học về máy tính. Nhiều khi học bài khó con cũng đau đầu lắm, con cũng chậm hơn các bạn nhưng con phải cố gắng thôi", Duy bảo.
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận