20/11/2019 13:59 GMT+7

Cô học trò 'đầu gấu' truyền cảm hứng sứ mệnh người thầy

VĨNH HÀ  thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Bám đuôi xe container khi đi học, cầm đầu lũ đầu gấu quậy phá... Gặp một cô giáo ở trung tâm tiếng Anh, Trần Khánh Ngọc dần thay đổi, cô thi sư phạm rồi trở thành người truyền cảm hứng 'sứ mệnh người thầy'...

Cô học trò đầu gấu truyền cảm hứng sứ mệnh người thầy - Ảnh 1.

Giáo viên tham gia các khóa học để dạy học tích cực do cô Ngọc đảm nhiệm - Ảnh: K.N.

TS Trần Khánh Ngọc là người sáng lập chương trình Dạy học tích cực, thu hút trên 65.000 giáo viên tham gia. Ít ai biết Trần Khánh Ngọc từng là… một học sinh cá biệt. Rồi cô nhận ra "sứ mệnh người thầy".

Chính vì thế, phần đầu tiên của chương trình là "Sứ mệnh người thầy". Tiếp đến là nhiều khóa học nhằm truyền cảm hứng về tình yêu đối với nghề dạy học. Từ đây nhiều nhóm giáo viên ở các địa phương lập các nhóm dạy học tích cực của từng môn học.

"Sứ mệnh người thầy", nếu hiểu thật đúng thì đó là điều thiêng liêng mà mỗi nhà giáo cần ghi nhớ khi bước chân vào nghề. Điều đó sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, vất vả, áp lực.

TS TRẦN KHÁNH NGỌC

Tôi sợ cô giáo thất vọng...

* Trong một hội thảo về giáo dục đạo đức học sinh, cô đã kể mình từng là một học sinh cá biệt...

- Đúng là tôi từng như thế. Tôi nghịch ngợm, trốn học và từng có ý định bỏ nhà đi bụi đời. Tôi cũng từng vài lần có ý định tự tử. Đó là thời kỳ cha mẹ tôi thường xuyên cãi nhau. Mỗi khi gặp cảnh đó, tôi chán nản, không thích học hành.

Chán nản kéo dài khiến tôi tự xếp mình vào hàng học sinh cá biệt. Hằng ngày đến trường bằng xe đạp, nhưng tôi thường đầu têu việc bám theo đuôi xe container chạy trên đường. Đó là việc rất nguy hiểm và không phải đứa con gái nào cũng dám làm. 

Tôi chơi những trò chơi của con trai và sách duy nhất tôi đọc khi đó là truyện chưởng. Tôi mơ tưởng đến những "bí kíp võ công" và ước mơ đó để lại trên chân tay tôi rất nhiều vết sẹo.

* Vậy điều gì khiến cô thay đổi?

- Năm tôi học lớp 7, tôi gặp một cô giáo, cô ấy thay đổi đời tôi và sau này.

* Cô giáo đó hẳn rất đặc biệt?

- Cô chỉ là giáo viên dạy ở trung tâm tiếng Anh thôi. Tôi đi học thêm tiếng Anh đơn giản là để đỡ phải nghe cha mẹ cãi nhau ở nhà. Nhưng cô đã khiến tôi chú ý vì trong khi dạy, cô rất hay kể chuyện. Cô kể những chuyện ở ngoài đời sống và kể về nhiều trích đoạn trong các tác phẩm văn học. Có những câu chuyện giản dị nhưng cảm động đã thu hút sự chú ý của tôi.

Dần dần, không biết từ lúc nào, tôi thấy cô gần gũi, tôi dễ dàng cởi mở với cô. Cái mà tôi không cảm nhận được ở nơi khác thì cô lại cho tôi. Đó là sự tin tưởng, sự thương yêu chân thành. 

Tôi bắt đầu thấy xấu hổ với cô khi nghĩ mình là đứa học sinh cá biệt ở trường. Tôi sợ cô thất vọng khi biết tôi cầm đầu lũ đầu gấu quậy phá. Và tôi bắt đầu "sự nghiệp học hành nghiêm chỉnh" của mình từ đó.

Men say của sự dấn thân

* Từng được tuyển thẳng vào 3 trường ĐH, trong đó có trường y nhưng cô lại chọn nghề sư phạm. Lựa chọn này có liên quan gì đến ký ức đẹp đẽ về những người thầy của mình không?

- Hồi đó, tôi đoạt giải nhì quốc gia môn sinh học nên được tuyển thẳng và được quyền chọn trường. Có nhiều yếu tố tác động đến việc chọn nghề, trong đó có cả lý do tôi là con nhà nghèo, học sư phạm thì phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình lúc ấy. Nhưng đúng là ký ức đẹp đẽ về thầy cô, nhất là người thầy đầu tiên thay đổi đời tôi đã khiến tôi có thêm động lực, niềm tin theo đuổi nghề giáo.

Cho đến bây giờ, đối với tôi, nghề giáo không chỉ là nghề dạy học để kiếm cơm. Tôi hiểu được vai trò quan trọng của thầy cô giáo như thế nào trong cuộc đời một đứa trẻ. 

Từ câu chuyện của bản thân mình, tôi nghĩ người thầy tốt có thể giúp xã hội giảm bớt đi một tên cướp và tăng thêm một công dân có ích. Hơn thế, người thầy có khả năng truyền cảm hứng sẽ làm lan tỏa mạnh mẽ vô cùng những điều tốt đẹp.

* Một tiến sĩ theo đuổi phương pháp dạy học tích cực bây giờ có gì liên quan tới cô học sinh cá biệt được "truyền cảm hứng" ngày nào không?

- Vào trường ĐH sư phạm, tôi học ngành sinh học và được giữ lại trường làm giảng viên nhưng đề tài nghiên cứu sinh của tôi lại là phương pháp dạy học. 

Bước vào con đường làm thầy, điều luôn khiến tôi trăn trở cho tới bây giờ là nghề giáo không thể chỉ là công việc cặm cụi dạy kiến thức cho học sinh. Sứ mệnh của người thầy phải là việc truyền cảm hứng, mang đến cho học sinh năng lượng tích cực để các em bước vào cuộc đời.

Tôi luôn nghĩ một lúc nào đó tôi phải kể câu chuyện cuộc đời mình, kể về những người thầy đã thay đổi đời mình. Và tôi ấp ủ một hoài bão phải xây dựng một khóa học về sứ mệnh người thầy, phải làm sao tạo nên một cộng đồng những người thầy theo đuổi việc dạy học tích cực.

* Cô có thể chia sẻ "bí quyết" làm thay đổi các đồng nghiệp?

- Trong các khóa học tôi thiết kế, khóa học đầu tiên là "Sứ mệnh người thầy". Rất nhiều thầy cô chỉ nghĩ mình phải cố gắng để dạy thế nào cho học sinh đỗ đạt cao. Một số khác cho rằng nghề dạy học cũng chỉ là nghề kiếm cơm. 

Nhưng nếu các thầy cô hiểu vai trò quan trọng của mình đối với các thế hệ học sinh thì họ sẽ yêu mến nghề này, thấy mình có ích, sẽ biết đến hạnh phúc khi mình thay đổi ai đó, mình đem lại điều gì tốt đẹp cho ai đó. Nó như một thứ men say mà ai thử dấn thân vào mới cảm nhận được.

"Tôi bắt đầu tin tình yêu thương có thể giáo dục được những đứa trẻ khó dạy nhất. Từ ngày gặp cô Khánh Ngọc, tôi thực sự bận rộn. Bận rộn vì luôn trăn trở, thổn thức… Tôi bắt đầu thấy niềm vui khi đến trường, muốn được đến trường. Tôi đã mất 15 năm tuổi nghề trong sự nhàm chán và bây giờ mới như bắt đầu".

(Trích thư của cô giáo Lê Thị Hiền, TP.HCM)

Có những người thầy không cầm phấn... Có những người thầy không cầm phấn...

TTO - Ngày 20-11, cô giáo về hưu mang bó hoa rất đẹp đến nhà anh thanh niên hướng dẫn mình trong lớp trị liệu. Anh lúng túng vì chưa từng nghĩ mình là thầy...

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp