“Tôi mong xã hội quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh nhiều hơn nữa chứ không chỉ dạy về kiến thức. Như vậy, sau này các em mới trở thành người vừa có tài vừa có đức |
||
Cô Trần Thị Năm |
Chiều muộn 19-10, cô Trần Thị Năm - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Siêu (huyện Bến Lức, Long An) - trở về sau khi tham dự Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội.
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, vẫn còn xúc động, cô Năm nói: “Tôi cảm thấy thật hãnh diện khi được chọn là Nhà giáo ưu tú trong đợt này. Tôi sẽ luôn cố gắng, phấn đấu hơn nữa để đem lại những gì hay nhất, tốt nhất cho ngành giáo dục”.
Đã 34 năm cống hiến cho ngành, cô Năm tâm nguyện giáo dục không chỉ dạy học sinh giỏi kiến thức mà còn phải giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước. Với tâm nguyện ấy, khi về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Siêu (năm 2009 khi trường mới thành lập), cô Năm đã xây dựng “Vườn hồng tuổi thơ” ở sân trường để những tiết học của học sinh trở nên sinh động hơn.
“Vườn hồng tuổi thơ nhà trường làm bốn giai đoạn gồm: Nhà sàn Bác Hồ, Trường Sa - Hoàng Sa, Chuyện xưa tích cũ và Vườn thú. Hiện Vườn hồng tuổi thơ đã hoàn thành ba giai đoạn” - cô Năm kể.
Giáo viên hướng dẫn cho các em học sinh về ngôi nhà sàn của Bác Hồ tại Trường Nguyễn Văn Siêu trong một tiết học giáo dục ngoài giờ - Ảnh: Hữu Khoa |
Về ý tưởng xây dựng mô phỏng nhà sàn Bác Hồ trong sân trường, cô hiệu trưởng chia sẻ: “Tôi đi tham quan thấy nhà sàn Bác Hồ đẹp quá. Tôi cũng muốn làm một cái như vậy trong sân trường để giáo dục học sinh hiểu rõ hơn về con người, sự nghiệp và công lao của Bác với đất nước”. Nhà sàn đã hoàn thành năm 2012 với đầy đủ vườn hoa, ao cá của Bác.
Đặc biệt, bàn bằng mây Bác hay ngồi làm việc, cô Năm lặn lội lên TP.HCM mua một cái “giống y chang” về đặt trong nhà. Rồi khi người con trai đi Hà Nội, cô cũng gửi mua một cái nón cối kiểu Bác hay đội về cho học sinh xem.
Làm nhà sàn của Bác xong chưa lâu, cô Năm lại bắt tay “đưa” Hoàng Sa - Trường Sa đến sân trường. “Nghe thời sự, tôi thấu hiểu hơn về chủ quyền của đất nước mình.
Rồi tôi bắt đầu sưu tập tài liệu, sách vở về Trường Sa - Hoàng Sa. Nhưng tôi nghĩ, để hướng dẫn học sinh trên sách vở các em sẽ không hình dung rõ.
Tôi dành ra hai tuần để suy nghĩ, nghiên cứu lịch sử như chủ quyền của hai quần đảo trên từ đời vua nào, các cột mốc chính của lịch sử ra sao. Tìm hiểu xong, tôi nhờ họa sĩ về vẽ lại rồi dựng luôn cột mốc cho học sinh dễ hình dung” - cô Năm kể thêm.
Điều đặc biệt, chi phí để xây dựng những công trình trên từ nguồn xã hội hóa cô Năm vận động được từ các mạnh thường quân.
“Trước mỗi năm học, tôi đều lên kế hoạch những việc sẽ làm trong năm trình đại hội cha mẹ học sinh thông qua. Khi phụ huynh đã đồng ý, tôi sẽ đi vận động các mạnh thường quân. Làm xong, tôi sẽ công khai, minh bạch. Nhiều người thấy việc tôi làm có ý nghĩa với học sinh nên ủng hộ” - cô Năm nói.
Vườn hồng tuổi thơ hiện là nơi học tập yêu thích của học sinh trong trường. Có những em học sinh khối 4, 5 khi coi Hoàng Sa, Trường Sa, thấy đảo Lý Sơn cũng tự giác đến thư viện tìm hiểu thêm để làm giàu kiến thức cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận