Cô Loan cùng các học trò - Ảnh: M.Tâm |
Cô Nguyễn Huỳnh Phước An - tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Q.Cái Răng, Cần Thơ) - đã nhận xét như vậy về cô Nguyễn Thị Kim Loan - hiệu trưởng nhà trường.
Kiên trì, tâm lý
Trường có đến 40% học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đông vậy nhưng thấy hầu như cô quan tâm không bỏ sót em nào |
Anh LÂM NHỰT MINH (bí thư Đoàn trường) |
Trông cô Loan trẻ so với tuổi 53 của mình. Cô tâm sự có lẽ do tính cách thích đương đầu với khó khăn nên khiến trong đời dạy học “đụng” hết tốp “dữ dội” này đến băng “dữ dội” khác. Khi nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng Trường Trần Đại Nghĩa, một trường nổi tiếng có nhiều học sinh “quậy”, cô bắt đầu lên kế hoạch “chinh phục”.
Trước hết cô làm cuộc khảo sát, qua đó biết được nhiều em chán học do không hiểu bài và không theo kịp bạn bè. Một số do giận cha mẹ cứ lo kinh doanh không quan tâm đến con cái rồi khi thấy con học sa sút thì la rầy, mắng nhiếc xem con như kẻ vô tích sự. Không ít cha mẹ thấy con phạm lỗi cứ dùng roi quất tới tấp nhằm răn đe nhưng kết quả trẻ ngày càng lì đòn và bất trị.
Một mặt cô đến từng nhà thuyết phục phụ huynh phối hợp với nhà trường trong việc dạy dỗ con. Có phụ huynh cảm ơn nhưng cũng không ít người chửi như hất nước vào mặt. Bất cứ tình huống nào cô cũng không nản, kiên nhẫn thuyết phục theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Dần dà nhiều phụ huynh đã chịu hợp tác với cô.
Mặt khác, cô chuyện trò như một người bạn với các em. Trò học yếu môn gì, cô nhờ giáo viên đứng ra dạy hộ. Bản thân cô cũng đứng ra dạy môn văn. Cô bắt các em phải ngồi học trong phòng ban giám hiệu để mình dễ kiểm soát. Học xong mới được về. Nếu ai có những thay đổi tích cực dù nhỏ cô cũng khen khiến các em phấn khởi, tự hào, hạ bớt cái tôi nổi loạn, nâng dần ưu điểm lên...
Chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Thanh Mến quê ở Cà Mau. Cha mẹ gửi lên học ở Sài Gòn. Mến thi tốt nghiệp sáu môn chỉ 8,5 điểm. Gia đình thấy nếu cứ để con trên Sài Gòn không khéo hỏng cả tương lai nên quyết định đưa em về nhà anh ruột tại Cần Thơ. Biết tiếng cô chuyên trị học sinh cá biệt, người anh đến nhờ cô dạy dỗ giùm. Cô đồng ý với điều kiện giao cho cô toàn quyền.
Chỉ một tuần đầu vô học, chân dung anh chàng lười học lộ ra: đi trễ giờ, trốn học, ngủ gục trong lớp. Để trị tật trốn học, trễ giờ của Mến, cứ 5g30 sáng cô ghé vào nhà buộc Mến phải thức dậy lên xe để cô chở đến lớp. Sau gần một giờ không tìm ra lý do hợp lý, Mến miễn cưỡng đi. Ngồi trên xe, cô hỏi đủ thứ chuyện trên đời. Khi cô trò đã thân thiện, Mến mới tình thiệt thú nhận học không hiểu, thầy cô hỏi bài không biết đường trả lời nên phản ứng lại bằng cách trốn học.
Lúc đó cô mới lên kế hoạch nhờ giáo viên bộ môn phụ đạo những môn yếu, chiều cô bảo Mến ở lại học trong phòng ban giám hiệu, tối đến nhà để cô truy bài. Điểm số Mến dần cải thiện: từ yếu vươn tới trung bình rồi vọt lên khá. Năm đó Mến thi đậu tốt nghiệp và đậu luôn vào trường đại học. Giờ Mến đang giữ chức vụ chủ chốt ở một công ty. Mến xem cô như người mẹ của mình, còn người thân của Mến xem cô là ân nhân...
Cứ vậy, trong suốt mấy chục năm qua, bằng tình thương cùng phương pháp sư phạm mềm dẻo, linh hoạt cộng thêm chuyên môn vững, cô đã uốn nắn không biết bao nhiêu học sinh cá biệt để rồi sau này đa số đều thành đạt, hữu ích cho cộng đồng và xã hội. Tiếng đồn về tài cảm hóa học trò cá biệt của cô ngày càng lan xa nên một số phụ huynh nghe tiếng đã chuyển con em đến trường cô để nhờ cô dạy dỗ.
Trích tiền lương cho học trò nghèo
Tấm gương tiêu biểu Cô Loan là một trong những tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục thành phố. Cô có năng lực chuyên môn rất vững. Ở chức vụ quản lý cô luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, được đồng nghiệp, phụ huynh học sinh quý mến, tin tưởng. Mấy chục năm qua cô đã huy động xã hội cùng tham gia chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn, cũng như cảm hóa, giáo dục những học sinh cá biệt, nhờ đó nhiều thế hệ học trò của cô đã trưởng thành và có nhiều cống hiến cho xã hội. Ông VÕ MINH LỢI (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ) |
Cô cũng rất quan tâm đến những học trò nghèo lại phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ ly hôn, mỗi người lập gia đình mới giao con cho ông bà nuôi dưỡng...
Cô tìm mọi cách giúp đỡ, từ xin nguồn tài trợ đến sắp xếp cho các em nghỉ ngơi miễn phí ở khu bán trú của trường bởi sợ các em nhà xa mấy lượt đi về mất sức lại tốn thời gian. Rồi cô trích tiền lương của mình gửi căngtin lo chuyện ăn uống cho các em.
Chẳng hạn em Hồ Thanh Tiến, cha bệnh nặng, hai mẹ con làm thuê. Do ăn uống thiếu chất, cộng thêm chạy xe đạp bốn lượt đi về nên Tiến thường ngất xỉu tại lớp. Biết được, cô sắp xếp cho Tiến nghỉ ngơi bán trú tại trường. Rồi cô bắt buộc Tiến phải ăn sáng và ăn trưa tại căngtin để có sức khỏe theo đuổi việc học.
Tới ngày thi tốt nghiệp, thi đại học, cô tập hợp các em có hoàn cảnh khó khăn tại nhà mình. Đích thân cô vào bếp lo bữa ăn cho trò. Tới khi các em đậu đại học, cô tiếp tục tìm học bổng ở hội khuyến học, báo chí...
Bà Nguyễn Thị Ngọc - giám thị trường - kể bà nể phục nhất nơi cô hiệu trưởng là cách giải quyết vấn đề một cách quyết đoán, nhanh gọn. Đó là câu chuyện giành lại mạng sống em Huỳnh Hoàng Linh, học sinh lớp 11.
Hoàng Linh học rất khá, hoàn cảnh thật đáng thương. Cha mẹ đi làm thuê xứ người. Linh sống với bà ngoại ở Cần Thơ. Em bị bệnh não bẩm sinh. Lần đó, lớp đang học, Linh bỗng sùi bọt mép, co giật. Cả trường quýnh lên. Cô bình tĩnh liên hệ với học trò của mình là các bác sĩ ở Bệnh viện Cần Thơ, bệnh viện TP.HCM nhờ sắp xếp giùm.
Cô vận động mọi người góp tiền, rồi phân công hai giáo viên theo chăm sóc. Bác sĩ bảo chỉ trễ 5 phút thôi là Linh nguy hiểm tính mạng. Những ngày Linh nằm viện, cô phân công giáo viên luân phiên chăm sóc Linh. Nhờ đó Linh đã qua cơn nguy kịch rồi dần bình phục.
31 năm trong nghề, cô đã tiếp sức không biết bao thế hệ xoay chuyển vận mệnh nghèo khó của mình trở thành người thành đạt, hữu ích cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận