Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc chuẩn bị cho kỳ thi.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng còn rất nhiều việc cần lưu ý khi chỉ còn hơn một tuần nữa diễn ra kỳ thi. Trong đó, bộ trưởng lưu ý việc duy trì kết nối thông suốt giữa ban chỉ đạo thi các tỉnh và bộ để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
Tính bảo mật, an toàn cho đề thi, bài thi và việc lường trước những khó khăn phát sinh để hỗ trợ thí sinh có thể đến trường thi an toàn là các nội dung bộ trưởng mong muốn các địa phương không chủ quan, tăng cường các phương án dự phòng để xử lý tốt nhất.
Gần 8.000 cán bộ, giảng viên đại học giám sát thi tốt nghiệp THPT
Ông Nguyễn Đức Cường, chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết bộ đã huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên trường đại học làm công tác thanh tra để giám sát các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức các đoàn thanh tra trước, trong và sau kỳ thi. Tuy nhiên, bộ khẳng định trách nhiệm tổ chức kỳ thi bao gồm cả việc thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi vẫn do địa phương chủ động triển khai. "Không bỏ qua một khâu nào của kỳ thi không được thanh, kiểm tra" - ông Cường lưu ý với địa phương.
Ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh các địa phương phải đặc biệt lưu ý các khâu: in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi.
Trong đó, cần thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị thiết bị, nhân lực, phân công và quy trách nhiệm ở các vị trí công việc. Tại các khu vực nhạy cảm này phải có sự tham gia của cán bộ an ninh và bố trí camera 24/24 giờ.
Các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua đều chú trọng kiểm tra địa điểm, cách thức chuẩn bị triển khai ở các khâu in sao, bảo quản đề thi, bài thi và yêu cầu chấn chỉnh những sai sót, sơ hở có thể xảy ra rủi ro, để bảo mật đề thi, bài thi.
Trước đó, theo ông Chương, có ba phần mềm quan trọng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có cán bộ A03, A05, A06 - Bộ Công an. Đó là các phần mềm đăng ký dự thi, phần mềm hỗ trợ hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu 63 tỉnh, thành phải thiết lập đường dây nóng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để tiếp nhận, thông tin những việc phát sinh, đặc biệt giải quyết những vấn đề liên quan tới quyền lợi thí sinh.
Hiện tượng tấn công mạng nhằm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT gia tăng
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, phó cục trưởng Cục A05 - Bộ Công an, cho biết có hiện tượng tấn công mạng nhằm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT gia tăng.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương rà soát để chấn chỉnh những sơ hở. Đặc biệt, ngăn chặn kịp thời phát tán thông tin sai lệch trên những cộng đồng mạng có nhiều phụ huynh, học sinh tham gia, những hội nhóm bán, phát tán thiết bị gian lận thi cử (ghi âm, ghi hình).
"Hiện có rất nhiều trang rao bán thiết bị nhằm gian lận thi cử, Bộ Công an đang tiếp tục rà soát, xử lý. Nhưng qua việc này, chúng tôi thấy nguy cơ gian lận thi cử vẫn cao. Vì thế các điểm thi phải tiếp tục bố trí điểm để tư trang của thí sinh cách tối thiểu 25m" - ông Mạnh lưu ý.
Ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - kiến nghị bộ tiếp tục quy định hoặc gợi ý danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi vì nếu năng lực của giám thị khó phát hiện thiết bị tinh vi cài đặt trong máy tính cầm tay.
Ông Cương cũng xin ý kiến về quy định máy trợ thính cho thí sinh khiếm thính cần kiểm soát như thế nào để đảm bảo không bị lợi dụng để gian lận thi cử.
Lo mất điện, mưa bão, phòng chống cháy nổ
Việc chống cháy nổ, dự phòng sự cố về điện được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý ngay đầu hội nghị. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý việc này ở các điểm in sao đề thi, bảo quản đề, bài thi.
Ông Trần Thế Cương cho biết Hà Nội bố trí máy phát điện dự phòng ở tất cả các điểm thi để phòng ngừa sự cố mất điện trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Với trên 102.000 thí sinh dự thi năm nay, trong đó có gần 4.000 thí sinh tự do, vì thế áp lực rất lớn trong mọi khâu chuẩn bị. Trong đó chuẩn bị thiết bị dự phòng mất điện ở các điểm thi cũng là việc lớn phải giải quyết.
Về vấn đề y tế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương cần có "kịch bản" để chăm sóc sức khỏe cho thí sinh khi cần thiết, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra thảm họa, dịch bệnh...
Ông Vương Ánh Dương, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khuyến cáo nhiều tai nạn đối với thí sinh xảy ra trên đường đi thi và ngoài cổng trường thi. Vì thế mong muốn các địa phương lưu ý phòng ngừa. Ông Dương cũng cho biết mặc dù dịch COVID-19 đã kiểm soát được nhưng vẫn cần dự phòng lây lan dịch diện rộng trong kỳ thi.
Việc bảo đảm để học sinh đến trường thi an toàn ở các địa bàn chia cắt trong mùa mưa bão được một số tỉnh miền núi quan tâm.
Đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết dự kiến phải đưa thí sinh đến điểm thi trước 1-2 ngày để đảm bảo không gặp sự cố trên đường đi. Đại diện tỉnh Sơn La cho biết đã huy động tất cả lực lượng vào việc chăm sóc, nấu ăn cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được tập trung về các điểm trung tâm.
Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh tự do có 37.841, chiếm 3,69% tổng số thí sinh. Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp có 47.769, chiếm 4,66% tổng số thí sinh. Thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học có 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh. Thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh có 943.340, chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Trong số thí sinh đăng ký dự thi, số đăng ký thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52% tổng số thí sinh. Số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 55,30% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ: 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh (Hà Nội: 16.133; TP.HCM: 10.020). Cả nước có 2.273 điểm thi, với 44.661 phòng thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận