Một ca viêm tiểu phế quản nặng do nhiễm virút hợp bào hô hấp - Ảnh: XUÂN MAI
Virút hợp bào hô hấp là tác nhân hàng đầu gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em, chiếm 60-70% trường hợp mắc các bệnh lý hô hấp.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên
Virút "lạ" này chính là virút hợp bào hô hấp. Một vài tuần qua, các bệnh viện nhi tại TP.HCM điều trị tích cực cho nhiều ca viêm tiểu phế quản nặng do virút hợp bào hô hấp gây ra.
Phải dùng thiết bị hỗ trợ đường thở
Ngày 26-11, tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, tiếng "tít tít" từ các thiết bị y tế phát ra liên tục, nhiều bệnh nhi phải gắn ống dẫn từ các thiết bị này đến mũi. Một số bệnh nhi còn được các bác sĩ dùng dây vải buộc hai cánh tay rồi nối đến thành giường nhằm cố định các vị trí kim tiêm, tránh xê dịch khi trẻ xoay chuyển.
Bé T.A. (12 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) phải nằm viện hơn 2 tháng qua với các thiết bị hỗ trợ đường thở vì viêm tiểu phế quản, biến chứng viêm phổi nặng. Trong khi trước đó gia đình bé cứ ngỡ bé bị cảm thông thường.
Chị L.T.M.H. (23 tuổi) - mẹ bé T.A. - cho biết lúc phát bệnh bé sốt cao, ho liên tục, thở khò khè, các dấu hiệu này mỗi ngày một trầm trọng. Sau đó, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhập viện tại đây một tháng mà bệnh tình không thuyên giảm. Lo lắng, gia đình đề nghị chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP, tiếp tục điều trị cho bé T.A. hơn 1 tháng qua. Sau hơn 2 tháng dài chống chọi với bệnh viêm tiểu phế quản, hiện sức khỏe bé A. dần ổn định.
Trường hợp bé T. thì đã hơn một tháng kể từ khi chào đời, bé T. phải nằm gần một tháng vì bị viêm tiểu phế quản. Hiện tình trạng bé vẫn còn nặng, phải thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), phải theo dõi sát sao.
Theo thống kê của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP, hiện khoa đang điều trị khoảng 100 bệnh nhi điều trị nội trú, ngoại trú mắc các bệnh lý hô hấp. Trong đó có hơn 20 bệnh nhi nhiễm virút hợp bào hô hấp điều trị nội trú phải thở oxy, thở NCPAP, thậm chí thở máy. So với những tháng trước, số ca trẻ mắc bệnh lý này đã giảm nhưng lại xuất hiện nhiều ca bệnh rất nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), TS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp bệnh viện này - cũng cho biết khoa đang điều trị nhiều bệnh nhi viêm tiểu phế quản dù đang ở thời điểm cuối mùa.
Những ca nhiễm virút hợp bào hô hấp được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: XUÂN MAI
Dễ lây lan và "ưa" trẻ con
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho hay virút hợp bào hô hấp gây bệnh quanh năm, thường bùng phát từ tháng 8 đến tháng11. Chúng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, gây bệnh cả người lớn và trẻ em qua tiếp xúc trực tiếp, chạm phải chất dịch hay hít phải không khí có nhiễm virút.
Triệu chứng khởi điểm khi trẻ nhiễm virút hợp bào hô hấp thường là hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè, sốt nhẹ tới cao... Lúc này, một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi sau 3-5 ngày phát bệnh.
Tuy nhiên, với nhiều trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, tim bẩm sinh, khiếm khuyết miễn dịch hay mắc các bệnh lý thần kinh cơ... thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, dễ chuyển tới các biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện nước, viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, tràn khí màng phổi...
Chưa có văcxin phòng bệnh
Các bác sĩ nhi cho hay, hiện chưa có văcxin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ có thể điều trị các triệu chứng trong suốt quá trình lây nhiễm và mức độ ảnh hưởng của virút đối với hệ hô hấp.
"Virút hợp bào hô hấp không tạo được kháng thể bền vững nên khi trẻ nhiễm virút này thì cũng có thể tái nhiễm trong cùng một mùa hoặc trong các mùa tiếp theo" - bác sĩ Nhiên lưu ý.
Khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm virút hợp bào hô hấp, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, giữ ấm, luôn giữ mũi, họng thông thoáng... Trẻ có thể tự khỏi sau 3-5 ngày phát bệnh nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng "báo hiệu" có thể gây ra các biến chứng.
Nếu trẻ có biểu hiện bỏ bú, nôn ói nhiều, thở rút lõm lồng ngực, thở khó, kém linh hoạt... cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên tránh đưa con tới những nơi tập trung đông người và tiếp xúc với người ho, sốt, sổ mũi; dùng khuỷu tay che miệng khi ho; tránh thói quen hôn, nựng trẻ; khử trùng các bề mặt...
Gọi tên virút "lạ"
Bác sĩ Hồng Nhiên cho biết, virút "lạ" mà những ngày qua mạng xã hội đánh giá "dễ sợ" chính là virút hợp bào hô hấp.
"Từ trước đến nay, virút hợp bào hô hấp thường được người dân gọi là virút gây bệnh viêm tiểu phế quản. Gần đây, khi biết được nguyên nhân chính gây ra viêm tiểu phế quản là do virút hợp bào hô hấp thì người dân mới nhắc đến nhiều về chúng, mặc định là virút lạ" - bác sĩ Nhiên nhận định.
Cẩn thận trời trở lạnh, ô nhiễm không khí
Ngày 27-11-2019 bé Nguyễn Ngọc Q., 3 tuổi, nhà ở phường 1, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, được mẹ đưa đến bác sĩ khám vì bé bị ho khò khè suốt đêm.
Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu Q. bị bệnh viêm tiểu phế quản cấp, bác sĩ cho toa và dặn khi nào thấy cháu thở mệt, co rút lồng ngực nặng thì phải vào bệnh viện ngay. Mẹ cháu lo lắng nói bà rất sợ về đêm, cứ ban đêm là cháu ho và khò khè nhiều hơn, ban ngày thì tự nhiên giảm, không biết tại sao.
Bác sĩ giải thích có thể ban đêm trời trở lạnh và cũng có khả năng buồng ngủ của cháu có nhiều bụi bặm khiến cháu dễ bị dị ứng với thời tiết cũng như môi trường. Phụ huynh nên giữ ấm buổi tối cho cháu, dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng phòng ngủ, không treo quần áo, đừng để đồ chơi trong phòng quá nhiều rất dễ bị bám bụi nhà và bụi trong không khí.
Trong tuần qua thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, lạnh về đêm, ngày xuất hiện mưa rải rác và sương mù, nhiều tỉnh thành bị ô nhiễm không khí nặng, nhiều trẻ ho, bị khò khè, khó thở phải vào các cơ sở y tế khám bệnh, điều trị. Chúng ta phải làm sao để phòng bệnh khò khè cho trẻ?
Khi cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh hoặc bụi khói sẽ kích thích các thụ thể cảm giác ở đường hô hấp, hoạt hóa phản xạ co cơ trơn phế quản gây hẹp phế quản. Đây là một phản xạ bảo vệ của cơ thể trước sự thay đổi đột ngột nhiệt độ không khí bên ngoài, làm hạn chế sự tổn thương niêm mạc phế quản, ngăn cản khí lạnh, bụi, sương mù, các hóa chất có hại khác vào đường thở.
Tuy nhiên ở một số trẻ có cơ địa dị ứng, như bệnh hen suyễn thì bản thân bé có những khiếm khuyết trong cơ chế điều hòa thần kinh tự chủ gây tăng đáp ứng đường dẫn khí quá mức. Trong hệ thần kinh tự chủ thì hệ phó giao cảm giữ vai trò chủ yếu làm co thắt phế quản qua phản xạ phó giao cảm. Phản xạ phó giao cảm sẽ kích thích tế bào thần kinh tiết ra acetylcholine tác động lên các thụ thể muscarinic gây co thắt phế quản, tăng tính thấm thành mạch gây phù nề phế quản, tổn thương niêm mạc phế quản, tạo phản ứng viêm tại chỗ, cuối cùng là bội nhiễm thêm vi trùng hoặc siêu vi trùng ở đường hô hấp, gây nên bệnh suyễn (do dị ứng), viêm tiểu phế quản cấp (do bội nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp).
Để phòng ngừa bé bị khò khè trong mùa lạnh, bà con mình nên giữ ấm cho bé, chú ý các vị trí sau:
1 Giữ ấm phần đầu, đây là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nếu không được ủ ấm, đặc biệt thóp, tai, nên cho bé đội nón vải hoặc len để ủ ấm phần đầu.
2 Giữ ấm vùng cổ, ngực là nơi trực tiếp tiếp xúc với không khí lạnh nên chú ý giữ ấm cho phần này của bé để tránh gió và các bệnh về hô hấp.
3 Vùng tay chân là nơi xa nhất của cơ thể nên máu lưu thông kém, dễ bị co mạch khi trời lạnh, điều này ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm gây co thắt phế quản. Cần cho bé mang bao tay, vớ len thường xuyên. Khi bé ra ngoài trời nên cho bé đi một đôi giày có kèm theo vớ len, hoặc ủng để chân được giữ ấm tốt nhất.
4 Ngoài ra chú ý cho trẻ uống đủ nước, vì mùa lạnh trẻ ít uống nước khiến trẻ dễ mất nước, làm niêm mạc hô hấp bị khô dễ bong tróc gây tổn thương đường hô hấp như viêm họng, chảy máu cam, không tiếp xúc với người ho cảm, tránh chỗ đông người, rửa tay thường xuyên... Dinh dưỡng hợp lý, đủ chất sẽ làm gia tăng sức đề kháng cho trẻ, góp phần làm giảm các bệnh lý đường hô hấp về mùa lạnh.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận