Tại Bệnh viện Đa khoa trung ương tỉnh Thái Nguyên, qua hình ảnh chụp CT não, các bác sĩ xác định ông P. không đột quỵ. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy trên não có tổn thương cũ và mới, nghi ngờ trong não ông P. có ký sinh trùng đóng kén.
Ông P. được chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, Hà Nội). Tại đây, ông P. được các bác sĩ chẩn đoán mắc sán não.
Ông P. cho hay vào thời điểm co giật, ông và gia đình đều nghĩ ông bị đột quỵ. "Tôi may mắn không bị đột quỵ, nhưng lại có sán trong não. Tôi không hiểu tại sao ăn vào miệng mà sán lại bò lên não được. Trước đó, tôi cũng thỉnh thoảng có ăn tiết canh lợn, vịt nhà làm", ông P. nói.
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, ông P. đã điều trị đợt thứ 3 do bệnh viện tuyến dưới chuyển lên nghi ngờ sán lợn tấn công vào não, khi chụp phim hình ảnh thấy có tổn thương sán não ở giai đoạn hoạt động.
Theo bác sĩ Hải, bệnh nhân nhiễm sán não thường có triệu chứng đau đầu, co giật… Bệnh sán não là bệnh do ấu trùng sán lợn gây ra. Sán lợn có 2 thể: sán ký sinh trong não và sán ký sinh dưới cơ.
Khi mắc sán lợn ký sinh dưới cơ có thể gặp một số triệu chứng, như xuất hiện nang nhỏ nằm dưới da, sờ vào thì di động và không gây đau.
Nghiêm trọng hơn khi sán ký sinh trong não có thể gặp phải những cơn động kinh nặng nhẹ, những triệu chứng như mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động bất thường,…
Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân không có triệu chứng, khi gặp tai nạn giao thông đi chụp CT mới tình cờ phát hiện.
"Nguyên nhân mắc bệnh là do ăn phải ấu trùng sán lợn từ thói quen ăn thịt lợn chưa được nấu chín, nem chạo hoặc thịt nướng chưa chín kỹ, tiết canh.
Biện pháp duy nhất để phòng tránh bệnh là giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như giữ môi trường sống sạch sẽ; ăn uống hợp vệ sinh; không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh, thịt lợn tái; không ăn thịt lợn gạo.
Đặc biệt, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần; luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun sán định kỳ.
Khi thấy có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ..., hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận