Cô giáo Việt Nam và những học trò Thái Lan

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TT - Trò chuyện với Nguyễn Thị Lệ Quyên, tôi hiểu vì sao các học sinh Thái Lan lại dành trọn tình cảm cho cô gái Việt Nam 23 tuổi này.

Nguyễn Thị Lệ Quyên (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) chụp ảnh cùng các học sinh của mình tại Trường Banborthong - Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Thị Lệ Quyên (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) chụp ảnh cùng các học sinh của mình tại Trường Banborthong - Ảnh nhân vật cung cấp

Lệ Quyên - nhân vật trong bài viết “Cô giáo, đừng về Việt Nam!” (“Teacher, don’t go Vietnam!” - Tuổi Trẻ ngày 22-8).

Quyên kể khoảng thời gian đầu khi đặt chân đến Trường Banborthong - ngôi trường thuộc khu vực Banborthong, vốn là vùng sâu vùng xa của Thái Lan - ấn tượng đầu tiên là các em học sinh tỏ ra xa lạ và không mấy thân thiện với mình.

“Mấy tuần đầu nhiều em tỏ ra khó chịu với tôi lắm, cả con gái lẫn con trai, nhiều khi chúng trốn học, nằm trên bàn hoặc không chịu chép bài mà ngồi giỡn, những lúc ấy tôi thấy mình bất lực” - Quyên nói.

Dạy học bằng... kẹo

Thương vì hiểu trò

Chính vì hiểu rõ những khó khăn, vất vả của lũ trò nhỏ mà sau nhiều việc đã xảy ra, Quyên không giận hờn hay oán trách mà ngược lại dồn hết tình thương, công sức để chăm lo cho các em.

Cô gái trẻ thậm chí dành hẳn một buổi học để ngồi nghe tâm sự và những dự định tương lai của các em. Nhiều lúc không diễn đạt được ý, cô lấy từ điển tiếng Thái ra dò, rồi tập nói.

Cô gái với bản tính mà mọi người vẫn hay gọi là “thích đương đầu với khó khăn” đã rất nỗ lực để rút ngắn những khoảng cách về cả ngôn ngữ lẫn ứng xử ấy.

Quyên nói cô thấy lo lắng bởi lũ nhỏ hoàn toàn mất căn bản tiếng Anh và lại lười học, trong khi cô không biết tiếng Thái để có thể khuyên nhủ chúng. Thế là “cô giáo” trẻ đành áp dụng cách khá đơn giản nhưng hiệu quả cao: dụ trẻ học bằng... kẹo.

“Học sinh ở đây rất thích kẹo, nên lúc nào đi dạy tôi cũng mang theo một bịch kẹo để “dụ” các em học. Biết học trò thích chơi, tôi tìm đủ tranh ảnh, video clip, thậm chí ngồi vẽ tranh để các em dễ hiểu bài hơn” - Quyên kể lại khoảng thời gian vất vả.

Bên cạnh cố gắng rút ngắn khoảng cách với học sinh, Quyên cũng chủ động liên hệ với các thầy cô trong trường để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em có thái độ học tập kém.

“Đa số tụi nhóc sống cùng ông bà, chứ ba mẹ hoặc ly hôn hoặc đi làm xa trên thành phố nên không có ai quan tâm nhắc nhở. Phần lớn học sinh nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Chúng lái máy cày ra ruộng, tối đi săn thú, rồi sáng vô lớp ngủ gục” - Quyên nói.

Những kỷ niệm còn mãi

Khi chúng tôi liên lạc với Quyên, cô đã lên đường sang Úc du học. Thế nhưng, nhắc lại những kỷ niệm ở vùng quê nghèo Banborthong, trong cách miêu tả đầy hứng khởi của Quyên chúng tôi cảm nhận cô còn yêu nơi này nhiều lắm. Thứ tình cảm mà đi đến bất cứ nơi đâu chắc cũng không thay thế được.

“Mấy bé gái hay chở tôi ra suối bắt ốc, hái xoài, tụi con trai rủ tôi chơi đá banh, bóng chuyền. Riết chơi gì tụi nhỏ cũng rủ tôi. Cả bọn ngồi chọc nhau như bạn bè vậy” - Quyên không ngừng kể về những kỷ niệm giữa cô và bọn nhỏ.

Quyên nói chính từ cái cảnh nghèo khó của Banborthong mà cô biết thương học trò mình hơn, muốn thấu hiểu các em nhiều hơn. Và rồi tự lúc nào mọi suy nghĩ của Quyên đều hướng về ngôi trường nơi có lũ trò nhỏ đang chờ. Lúc nào cô cũng muốn lên trường chơi với tụi nhỏ, chiều nào về sớm còn qua nhà chúng, riết rồi phụ huynh cũng biết mặt.

Ngày chia tay lớp, Quyên nói cô nhận được vô vàn những món quà kỷ niệm, thậm chí từ những học trò cô từng nghĩ rất ghét mình: “Trong giờ học, có cô bé khi tôi yêu cầu đọc bài thì không nghe lời mà ngồi đọc báo, nhìn tôi vẻ rất khó chịu. Vậy mà gần đến cuối ngày, khi mọi người về gần hết, cô bé lấy một con gấu bông từ trong cặp ra lặng lẽ đưa cho tôi”.

Cô gái trẻ nói không quên những ngày gần về, lũ trẻ cứ bám riết lấy cô rồi bập bẹ “Noy miss teacher” (Noy nhớ cô - pv). Và cho đến tận giờ này, bằng vốn tiếng Anh học được từ những ngày may mắn được Quyên giảng dạy, thi thoảng những học sinh vẫn tìm cách bắt liên lạc, gửi cho cô những dòng tin nhắn “I miss you” (Em nhớ cô - pv).

Thấy thừa thãi nếu không làm gì

Nguyễn Thị Lệ Quyên từng theo học ngành kinh tế Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (TP.HCM), hiện đang là du học sinh tại Úc. Quyên rất thích các hoạt động tình nguyện và luôn tìm kiếm nhiều cơ hội để được đóng góp cho xã hội, bởi “không làm được gì, tôi thấy mình trở nên thừa thãi”.

Quyên chia sẻ cô muốn làm những việc có thể thay đổi suy nghĩ của giới trẻ, giúp các bạn định hướng tốt hơn trong cuộc sống.

Năm 2011, Quyên cùng các SV ĐH Ngoại thương thành lập dự án GFOC (Green Future Of Children) với mục đích tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho các học sinh bậc tiểu học.

Sau đó, cô lại tiếp tục “rủ rê” các bạn làm chương trình hướng nghiệp cho các học sinh lớp 12 tại thị xã An Khê ở Gia Lai (quê hương của Quyên - pv).

Quyên cho biết sau khi tốt nghiệp ĐH, tình cờ nhìn thấy apphich chương trình tình nguyện “Sawasdee Thailand project” (Xin chào Thái Lan), cô nộp đơn xin tham dự. “Vượt qua các vòng phỏng vấn, biết mình đã được chọn, tôi mừng muốn khóc” - Quyên cười.

Theo yêu cầu của chương trình, công việc của Quyên là dạy tiếng Anh cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa trong vòng sáu tuần, từ ngày 18-1 đến 1-3-2014. Ngôi trường Quyên làm việc là Trường trung học - tiểu học Banborthong ở tỉnh Chaiyaphum, cách thủ đô Bangkok 10 giờ xe chạy.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp