Một tiết học môn sử sôi động của cô Lý Khánh Hoa với học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Hiệp Tân - Ảnh: N.HÙNG
Ông Đinh Bảng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân, nói đồng nghiệp của ông là một giáo viên đặc biệt, là người có năng lực chuyên môn rất tốt. Cô đoạt nhiều giải thưởng đến cấp quốc gia, có cả bằng khen của Thủ tướng.
Những hiện vật ấy là phần dễ thấy để khắc họa nên hình ảnh một cô giáo luôn đem nhiệt huyết nghề, truyền niềm say mê cho các em học tập cũng như bồi dưỡng nhân cách đạo đức, lòng yêu nước cho học sinh tiểu học.
Mình ước mơ làm cô giáo kia mà!
Đa số học sinh trong trường đều xem cô như "thần tượng" khi cô đến với học trò bằng chính trái tim mình. Trái tim ấy đã có lần "tách" cô ra khỏi hàng khi còn hai số thứ tự nữa là đến tên cô đóng học phí, nhập học Trường đại học Luật TP.HCM những năm 2000.
"Mình thích và mơ ước làm cô giáo kia mà!" - lời nhắc nhở ấy bật ra, cô Hoa "tách hàng" và vui vẻ trở về.
"Khoảnh khắc đó nếu trái tim không lên tiếng, chắc tôi đã không có những niềm vui như bây giờ. Được đi dạy là một may mắn nhất cuộc đời tôi" - cô Hoa tâm sự.
Dạy cho học trò hiểu và không phân biệt giàu - nghèo, hơn - kém, cô Hoa thường lấy chính mình ra vì tâm lý các em tiểu học rất ngưỡng mộ cô giáo. Năm ngoái, khi cô chủ nhiệm lớp 5/1, có em B.K. chậm phát triển, học kém, gia đình cũng khó khăn nên các bạn xa lánh.
Cô kể lại: "Thời gian đầu tôi để B.K. ngồi bàn trên một mình. Sau mỗi giờ học, tôi kể chuyện về tình bạn. Kể về chính tôi, xưa cô là con nhà nghèo, bạn bè xa lánh nhưng cô cố gắng phấn đấu, bây giờ cô là cô của các con.
Hơn nữa, những khi bài tập nào dễ tôi ưu tiên hơn cho B.K., tuyên dương khi em làm đúng để xóa dần khoảng cách".
Cuối năm bình bầu học sinh tiến bộ vượt trội do chính lớp đề cử thì chính những em đã từ chối ngồi cạnh lại chọn B.K.. Những tràng vỗ tay, những ánh mắt hòa đồng của các em càng khiến cô có niềm tin dạy cho các em đạo đức, tình thương chính là con đường giáo dục hiệu quả nhất.
"Ca sĩ"...
"Nếu như ca sĩ đứng lên sân khấu say mê ca hát thì khi đến môn lịch sử, tôi tự thấy mình cũng như... ca sĩ vì tôi thích dạy môn lịch sử lắm" - cô Hoa hóm hỉnh nói.
Dạy sử với cô là dạy cho học sinh lòng yêu nước, mà để có điều này thì đầu tiên cô phải truyền cảm hứng, truyền "lửa" cho các em, như chính cô say mê về môn học này.
Vì thế, cô không ngại thiết kế, đầu tư cho những tiết sử, gắn tiết học với thực tế cuộc sống. Ví dụ bài "Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong" (lịch sử lớp 4), trong sách giáo khoa không có bất cứ hình ảnh nào, dạy lý thuyết suông học trò rất chán.
Cô Hoa ra nhà sách tìm mua những cuốn truyện có tranh liên quan nội dung bài học, scan lên máy để mang lên lớp dạy. Rồi cho các em khám phá khu rừng, lên chuyến du thuyền ngược thời gian tìm những mật thư và tất nhiên những mật thư là nội dung có trong bài học.
Càng bí mật, các em càng tò mò khám phá.
"Đầu tư một chút xíu nhưng học trò hứng thú, nên tiết dạy với tôi rất nhẹ nhàng" - cô Hoa phân tích.
Chỉ cần 1-2 tiết thật sự gây ấn tượng với học sinh, đến giờ sử là các em trông mong. Có khi đến giờ toán, các em lại muốn cô dạy sử.
"Yêu thích môn sử thì các em sẽ nhận được giá trị lịch sử mang lại, bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em" - cô Hoa tâm sự.
Ngoài việc đầu tư, một "chiêu" cô Hoa tạo niềm yêu thích môn sử là cho các em nhập vai nhân vật lịch sử.
Chẳng hạn lịch sử lớp 5 có bài "Bình Tây đại nguyên soái", cô kể chuyện cắt khúc và dừng lại, cho học sinh nhập vai Trương Định, đưa ra tình huống nếu học sinh là Trương Định sẽ chọn theo lệnh vua giải tán lực lượng kháng chiến và đi An Giang nhậm chức lãnh binh, hay ở lại cùng nhân dân chống thực dân Pháp?
"Thế là các em xung phong phát biểu, tôi mở dần kết quả, khi biết Trương Định làm theo ý dân ở lại chống Pháp, các em ồ lên sung sướng vì mình giống suy nghĩ nhân vật lịch sử.
Khi các em chọn đáp án, nghĩa là đa số các em ý thức được câu chuyện và có tình cảm cho đất nước, cho dân qua mỗi bài học" - cô Hoa giải thích.
Em Trần Quốc Đại từng là học trò cô Hoa năm học vừa qua nhưng khi xa trường thì với em, cô Hoa vẫn là người tuyệt vời nhất.
Em nói: "Mỗi một ngày vào lớp, trước khi vào bài học thì cô Hoa thường kể cho chúng em những câu chuyện đẹp, tình bạn, tình mẹ, tình quê hương đất nước...
Cô hiền và thương chúng em, em may mắn được học cô năm cuối cấp. Và nhờ cô mà môn sử với em không những nhẹ nhàng mà còn rất hấp dẫn".
Tình thương rất quan trọng
Một kỷ niệm buồn tác động đến cách dạy học của cô đến tận bây giờ, theo cô Hoa, là kỷ niệm gặp ngay thời mới ra trường năm 2003. Năm ấy, cô là chủ nhiệm lớp 1 tại Trường tiểu học Hồ Văn Cường (Q.Tân Phú).
"Học sinh chủ yếu diện tạm trú, phần lớn cha mẹ tất bật mưu sinh nên ít quan tâm con cái. Có một học sinh nam rất nghịch, không ham học nhưng khuôn mặt rất dễ thương, kháu khỉnh.
Tôi mới ra trường nên dạy các em nghịch nhiều lúc cũng hơi buồn bực, nhưng vẫn dìu em để lên lớp. Chưa kịp mừng thì nhận tin em mất vì tắm mưa trượt ngã xuống kênh. Chín tháng dạy em khiến tôi cắn rứt, đau đớn như người mẹ mang nặng đẻ đau.
Sau này gặp những trò nghịch, tôi nghĩ đó là cơ hội cho mình, cơ hội để giáo dục học trò với một tình thương chân thành" - cô Hoa chia sẻ.
"Tình thương mới quan trọng, điểm số chỉ là kết quả. Đạo đức một con người sẽ quyết định hành vi sau này của các em.
Các em tiểu học như tờ giấy trắng, nếu mình quan tâm thật sự, tốt thật sự thì học trò cũng sẽ yêu lấy mình, như thế là mình đã thành công" - cô Hoa tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận