12/09/2019 15:00 GMT+7

Cô giáo Tắk Pổ: 'Đi hái rau rừng với cô nào!', học trò đồng thanh: 'Dạ'

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Sáng dạy trò học trên lớp, chiều phụ đạo cho các em yếu, xong hai cô giáo điểm trường Tắk Pổ cầm rổ vào rừng hái rau, măng rừng, một đám học trò lẽo đẽo theo cô, tiếng cười nói giòn tan cả một góc rừng Ngọc Linh...

Cô giáo Tắk Pổ: Đi hái rau rừng với cô nào!, học trò đồng thanh: Dạ - Ảnh 1.

Tranh thủ lúc chưa vào học, các cô buộc tóc cho học sinh - Ảnh: LÊ TRUNG

Câu chuyện đẹp về hai cô giáo trẻ tổ chức một lễ khai giảng đơn sơ cho các học trò Ca Dong ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã gây xúc động mạnh mẽ. PV Tuổi Trẻ đã đến đây để chứng kiến cảnh dạy và học thật hồn nhiên, trong trẻo của cô trò nơi rẻo cao này.

Cô như mẹ hiền

Điểm trường Tắk Pổ nằm cheo leo trên một đỉnh đồi đầy cỏ may và những hàng cau xanh ngút, lọt thỏm giữa các nóc nhà dưới những tán rừng cổ thụ, núi non điệp trùng. Chiều muộn, bọn trẻ chẳng chịu về nhà mà cứ quấn quýt bên các cô. "Đi hái rau rừng với cô nào!" - cô giáo Trà Thị Thu nói, bọn trẻ đồng thanh: "Dạ"!

Hai cô giáo và một lũ trẻ đi trên những thảm cỏ xanh hướng về phía rừng hái rau. Chiều nào cũng vậy, khung cảnh ấy cứ đều đặn. "Buổi sáng mình dạy chính, chiều thì phụ đạo cho các cháu yếu hơn. Nhà cạnh trường nên lúc nào các em cũng qua đây chơi, có tụi nhỏ bọn mình đỡ buồn hơn. Bọn trẻ ở đây ngoan lắm!" - cô Thu tâm sự.

Bé Nguyễn Thị Nghĩa (lớp mầm non) nói rất quý hai cô giáo. "Ba mẹ cháu đi làm cả ngày, đến tối mới về nên suốt ngày ở trường học và chơi với cô" - Nghĩa nói.

Tối đến, núi Ngọc Linh lạnh tê tái. Điểm trường Tắk Pổ được lắp một giàn pin mặt trời trên mái nhà nhưng dông sét đánh làm hư hỏng mất rồi, các cô phải dùng nến thay, mọi sinh hoạt đều dưới ánh nến tù mù.

"Mấy năm dạy ở vùng cao đã quen với cảnh thiếu điện, thiếu nước sạch này, bây giờ như vậy là cũng quá đỡ rồi" - cô Riah Uối, giáo viên mầm non, bộc bạch. Sau bữa cơm tối, hai cô lại tất bật lấy kéo, giấy màu cắt thành hình để ngày mai trang trí lớp học đẹp hơn.

Cô Thu nói ngôi trường này làm bằng gỗ cũng đã ba năm nay nên lớp học rất cũ kỹ. Được trang trí với nhiều sắc màu, bọn trẻ sẽ cảm thấy thú vị hơn.

Cô giáo Tắk Pổ: Đi hái rau rừng với cô nào!, học trò đồng thanh: Dạ - Ảnh 2.

Học trò trường Tắk Pổ hồn nhiên khi đi hái rau cùng các cô - Ảnh: L.TRUNG

Cô Thu kể mình dạy lớp tiểu học, đây là lớp ghép giữa lớp 1 và lớp 2 với 12 học sinh. Còn cô Uối dạy lớp mầm non với 22 em. "Bọn trẻ hầu hết là người Ca Dong, nói tiếng Việt còn yếu lắm nên việc dạy của bọn mình nặng hơn ở dưới xuôi. Nhưng điểm chung của các cháu là rất ngoan và nghe lời cô" - cô Uối kể.

Anh Hồ Văn Hiếu - trưởng nóc Tắk Pổ - cho biết ở đây có 35 hộ dân người Ca Dong, sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy. Cuộc sống của người dân khó khăn nhiều mặt. "Mình ở đây lâu rồi cũng quen, chỉ thương các cô còn trẻ mà sống cảnh khó khăn, thiếu thốn như thế này" - anh Hiếu nói.

Cần lắm một con đường

Cô Thu nói tuy ở điểm trường còn thiếu nhiều thứ, nhưng việc các cô "ngại" nhất là mỗi lần phải cuốc bộ trên con đường nhỏ chỉ nửa mét với những đồi dốc dựng đứng: "Nói thật lúc mới lên đây đi bộ mấy giờ liền đuối lắm".

Thầy Lê Huy Phương - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập - cho biết điểm trường Tắk Pổ là 1 trong 11 điểm trường lẻ. Lúc trước trường rất tạm bợ, tranh tre vách nứa, từ năm 2016 được dựng lên kiên cố hơn, có hệ thống điện mặt trời.

"Tôi nghe Trường Tắk Pổ sẽ được cộng đồng đóng góp xây dựng mới kiên cố thì mừng lắm. Ngoài ra, cái mà người dân, bọn trẻ và các cô giáo ở đây rất cần là con đường từ trung tâm xã lên Tắk Pổ được mở rộng, lót bêtông. Mỗi lần lên đây thấy cảnh cô giáo phải hì hục đi bộ, leo núi mệt lả người, người dân muốn mua hàng hóa phải cõng bộ thấy xót lắm" - thầy Phương tâm sự.

Sáng 11-9, đoàn công tác của UBND huyện Nam Trà My do ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện - dẫn đầu đã cuốc bộ vào điểm trường Tắk Pổ. Chứng kiến cảnh dạy và học ở đây, ông Bửu bày tỏ sự cảm phục đối với những nỗ lực, cố gắng của cô trò.

"Những ngày qua trên mạng xã hội, báo chí liên tục đăng tải những hình ảnh đẹp về lễ khai giảng đơn sơ mà hồn nhiên, trong trẻo của cô và trò ở điểm trường này, tôi rất xúc động" - ông Bửu tâm sự.

Ngoài việc thăm cô trò, mục đích của ông là khảo sát tuyến đường nối liền bốn xã Trà Cang, Trà Tập, Trà Giang, Trà Leng nhằm kêu gọi tỉnh, trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Ông nói cũng nhờ những hình ảnh khai giảng mà các cô đăng tải để phần nào chính quyền, xã hội thấy được nơi đây cần lắm một con đường.

Có đường thì không riêng điểm trường Tắk Pổ, mà 25 điểm trường khác của bốn xã này sẽ có điều kiện được đầu tư, xây mới. Không phải huyện không có kinh phí để xây các điểm trường lẻ này cho kiên cố, nhưng cái chính yếu là đường sá lên những điểm này quá khó khăn. Mọi vật liệu xây dựng đều phải khiêng vác, cõng lên đây rất vất vả.

"Có đường sẽ có tất cả, điện, nước sạch sẽ dễ dàng được kéo về, nguồn lực đầu tư xây kiên cố các điểm trường, bà con được phát triển kinh tế" - ông Bửu nói thêm.

Nhân dịp này, UBND huyện đã khen thưởng đột xuất cho hai cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uối vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trên địa bàn huyện, đồng thời trao quà cho các em học sinh, trẻ em ở đây nhân dịp Tết Trung thu.

Cô Trà Thị Thu cho biết cảm thấy bất ngờ và rất vui khi được lãnh đạo huyện quan tâm động viên cô trò ở đây. "Tụi tôi sẽ cố gắng hơn nữa" - cô Thu bộc bạch.

"Sự quan tâm của mọi người là động lực cho cô trò"

Trước câu chuyện đẹp về điểm trường của mình đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, các nhà hảo tâm, ngày 11-9, cô giáo Trà Thị Thu - điểm trường Tắk Pổ - đã gửi tới Tuổi Trẻ bức thư tay bày tỏ lòng tri ân.

Trong thư tay, cô Trà Thị Thu cho biết vào ngày khai giảng 5-9, cô trò Tắk Pổ trong quá trình tổ chức khai giảng đã cùng nhau chụp ảnh để làm kỷ niệm, cũng là tạo thêm niềm vui. Khi những bức ảnh về lễ khai giảng cùng câu chuyện về cô trò được Tuổi Trẻ đề cập thì cô trò đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm của bạn đọc khắp cả nước.

Từng ngày ngọt ngào của cô trò Tắk Pổ - Ảnh 3.

Lá thư do cô Trà Thị Thu viết tay

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, cô Trà Thị Thu cho biết những ngày qua, điểm trường tiếp tục được tiếp đón rất nhiều đoàn tới thăm, tặng quà. Khuôn viên nơi cô trò cô thực hiện bộ ảnh ngày khai giảng cũng được các đoàn lấy "bối cảnh" để ghi hình "check in". Nhiều người khi tới đây đã bày tỏ sự xúc động trước ngôi trường đơn sơ trên núi, được trực tiếp "dự giờ" và nói chuyện với cô Trà Thị Thu, cô Riah Uối.

Trong khi đó, chiều 11-9, đoàn công tác của Hội cựu sinh viên Học viện công nghệ AIT tại Việt Nam cùng các nhà hảo tâm đã trực tiếp đến làm việc với báo Tuổi Trẻ để xúc tiến kế hoạch xây điểm trường mới ở Tắk Pổ.

"Tuần tới, anh em chúng tôi sẽ trực tiếp đi bộ lên điểm trường thăm hai cô giáo, nói chuyện với học sinh và kết hợp khảo sát, làm việc với chính quyền địa phương bắt đầu kế hoạch làm trường" - ông Lê Thanh Hảo, chủ tịch hội, thông tin. (THÁI BÁ DŨNG)

Cô giáo Trà Thị Thu: Cô giáo Trà Thị Thu: 'Tắk Pổ cho tôi những trải nghiệm đẹp nhất'

TTO - Trà Thị Thu - cô giáo trên núi Ngọc Linh (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) 'gây bão mạng' những ngày qua - đã nói như vậy khi kể về 5 năm lên với học trò Ca Dong và những ngày đầy kỷ niệm ở Tắk Pổ vừa qua.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp