24/06/2018 05:30 GMT+7

Cố giáo sư Phan Huy Lê, bậc thầy đổi mới nghiên cứu lịch sử

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Với kiến thức lịch sử uyên thâm, Giáo sư Phan Huy Lê đã góp phần tạo ra sự đổi mới trong việc nghiên cứu, đánh giá lại lịch sử bằng cái nhìn khách quan và khoa học, nhất là lịch sử của vương triều Nguyễn.

Cố giáo sư Phan Huy Lê, bậc thầy đổi mới nghiên cứu lịch sử - Ảnh 1.

Giáo sư Phan Huy Lê tại buổi trao Giải thưởng Trần Văn Giàu ở TPHCM năm 2017 - Ảnh: L.Điền

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ cho rằng sự ra đi của Giáo sư Phan Huy Lê để lại vô vàn tiếc nuối cho những người nghiên cứu lịch sử.

Giáo sư là một bậc thầy trong lĩnh vực lịch sử, với vốn kiến thức uyên thâm, ông đã góp phần để tạo ra sự đổi mới trong việc nghiên cứu, đánh giá lại lịch sử bằng cái nhìn khách quan và khoa học, nhất là lịch sử của vương triều Nguyễn.

Trong việc mở mang và khai phá đất phương Nam - một vấn đề lớn của sử học Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê đã có những nhận định chính xác dựa trên nhiều tư liệu khoa học để người học sử biết được quá trình hình thành của vùng đất màu mỡ này, điều mà trong thời gian dài việc nghiên cứu rất sơ lược.

"Đối với lịch sử triều Nguyễn, Giáo sư đã có những đánh giá công tâm về công - tội của các vị vua có tầm ảnh hưởng lớn như vua Gia Long, vua Tự Đức... điều đó tạo nên làn gió mới cho những người yêu thích môn lịch sử...

Trên 20 năm nay, cùng với Hội Khoa Học Lịch sử, Giáo sư Lê đã phối hợp với nhiều tổ chức khác để tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đánh giá lại một số nhân vật được coi là "có vấn đề" như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký...

Đây là những công trình tập hợp được nhiều vấn đề nghiên cứu rất công phu, trí tuệ của rất nhiều nhà khoa học trên cả nước...", nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ.

Khi hay tin Giáo sư Phan Huy Lê qua đời, ông Nguyễn Hạnh - Phó tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay lập tức lục lại những hình ảnh tư liệu về Giáo sư.

Với ông Hạnh, đây cũng là việc hình dung lại trên phương diện công việc, Giáo sư Phan Huy Lê đã để lại rất nhiều ấn tượng trong giới nghiên cứu sử Nam Bộ.

"Tôi vẫn còn tấm hình Giáo sư Phan Huy Lê và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi với nhau tại nhà 16 Tú Xương. Đây là lúc gặp nhau sau hội thảo về Lê Văn Duyệt, hai ông bàn nhau, rồi ông Kiệt sau đó ra Hà Nội, mời Giáo sư Phan Huy Lê đến Hồ Tây để bàn việc tổ chức hội thảo về vương triều Nguyễn. Lúc đó là năm 2000. Và đến năm 2008 thì hội thảo về triều Nguyễn được tổ chức", ông Nguyễn Hạnh kể lại.

"Rồi sau hội thảo triều Nguyễn cũng có nhiều ý kiến khác nhau, riêng Giáo sư Phan Huy Lê có nói với tôi rằng ông làm hội thảo này là theo di nguyện của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm xưa ông Võ Văn Kiệt đi cùng với ông Nguyễn Duy ra, họ gặp nhau và bàn bạn phải làm được hội thảo về triều Nguyễn.

Bây giờ Giáo sư Phan Huy Lê đã đi xa, nhất thời có thể điểm lại về các cột mốc lớn, quan trọng đánh dấu sự gắn bó của ông với Nam Bộ.

Cố giáo sư Phan Huy Lê, bậc thầy đổi mới nghiên cứu lịch sử - Ảnh 2.

Giáo sư Phan Huy Lê tại buổi trao Giải thưởng Trần Văn Giàu ở TPHCM năm 2017 - Ảnh: L.Điền

Đầu tiên là tổng kết hội thảo về Phan Thanh Giản, bản tổng kết này được Giáo sư Trần Văn Giàu đồng ý và rất chia sẻ. Như vậy là góp một phần giải quyết vấn đề Phan Thanh Giản rất quan trọng.

Thứ hai là hội thảo Lê Văn Duyệt, cũng là việc đặt dấu mốc của người đời sau nhìn lại nhân vật lịch sử gắn bó với vùng đất phương Nam này.

Nhưng đáng kể hơn cả là trong việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp hỏi Giáo sư Phan Huy Lê về quá trình mở mang vùng đất phương Nam và những công lao đóng góp của các Chúa Nguyễn cùng vương Triều Nguyễn.

Giáo sư Phan Huy Lê đã trình bày thuyết phục với ông Võ Văn Kiệt, phân tích vị trí và vai trò lịch sử, công lao đóng góp của nhà Nguyễn trong hành trình mở đất phương Nam... trở thành tiền đề để giới sử học trong nước tổ chức hội thảo về vương Triều Nguyễn sau này.

(Hội thảo quốc gia "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN" - diễn ra trong hai ngày 18 và 19-10-2008 tại Thanh Hóa - PV).

Giáo sư Phan Huy Lê còn một kỷ niệm với TP.HCM nữa là vào năm 1998, có một tọa đàm về nhân vật lịch sử Alexandre de Rhodes, lúc bấy giờ có nhiều ý kiến khác nhau và có phần căng thẳng.

Tuy nhiên, ý kiến cuối cùng của Giáo sư Phan Huy Lê là công nhận những đóng góp của Alexandre de Rhodes với quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ. 

Từ những ý kiến này, sau đó, TP.HCM sau đó đã đồng thuận và duy trì tên đường Alexandre de Rhodes như hiện thấy".

phanhuyle_cl-crop

GS Phan Huy Lê

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng.

Hai họ nội, ngoại của Giáo sư Phan Huy Lê có rất nhiều người đỗ đạt, là những trí thức lớn như: Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy...

Cha của Giáo sư Phan Huy Lê là tiến sĩ Nho học Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm.

Năm 1952, chàng thanh niên 18 tuổi Phan Huy Lê rời gia đình ra học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Ông dự định sẽ theo đuổi ngành khoa học tự nhiên khi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh nhận thấy phẩm chất khoa học xã hội ở Phan Huy Lê, đã hướng ông vào học Ban Sử - Địa.

Là người có tố chất thông minh, dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh, chàng sinh viên Phan Huy Lê đã phát huy tài năng của mình.

Năm 1958, khi mới 24 tuổi, Phan Huy Lê được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.

Giáo sư Phan Huy Lê đã không ngừng lao động, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị trong suốt sự nghiệp đồ sộ của mình.

Có thể hình dung toàn bộ trước tác của Giáo sư Phan Huy Lê được chia thành 7 lĩnh vực chủ yếu, với số công trình từ 41 đến 92 (trung bình 58) cho mỗi lĩnh vực.

Nhưng trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho Giáo sư Phan Huy Lê không phải là từng mảng lịch sử cụ thể mà là tổng kết lịch sử đất nước. Ngay từ năm 1959, nghĩa là khi mới bắt tay viết những trang bản thảo đầu tiên, ông đã có một tập bài giảng Lịch sử Việt Nam từ 1406 đến 1858.

Liên tiếp 2 năm sau, ông cho ra mắt Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập II (1960) và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập III (1961), góp phần làm nên tầm vóc của Khoa Lịch sử.

Năm 1971, ông cùng Giáo sư Trần Quốc Vượng viết Lịch sử Việt Nam tập I, được coi là cuốn thông sử đầu tiên của chế độ mới. Trong thời gian này hàng loạt các bài giảng, giáo trình khác về lịch sử Việt Nam ra đời (vào các năm 1966, 1970, 1978...) làm cơ sở cho sự xuất hiện Lịch sử Việt Nam tập I (1983) - một cuốn sách tổng kết lịch sử Việt Nam từ thời kỳ nguyên thuỷ đến thế kỷ thứ X tương đối đầy đủ và cập nhật.

Đặc biệt gần đây, trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách Lịch sử Việt Nam 4 tập, Giáo sư Phan Huy Lê vừa là chủ biên, vừa là tác giả chính của 2 tập I và II, được coi là tổng kết cao nhất về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.

Trân trọng và đề cao kinh nghiệm viết sử truyền thống, nhưng Giáo sư Phan Huy Lê lại chính là người đi tiên phong hiện đại hóa và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới.

Số lượng các công trình tổng kết lịch sử, những bài giảng, giáo trình và các bộ thông sử có tầm khái quát cao của ông vì thế lên đến 41 công trình (chiếm 10,0%), tạo nên sự hoàn hảo và trội vượt trong phẩm chất và tính cách sử học Phan Huy Lê.

Tầm uyên bác trong các công trình Sử học của Giáo sư Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người Thầy, vì theo ông, dạy đại học là dạy kết quả nghiên cứu của chính mình.

Theo website trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Cố giáo sư Phan Huy Lê, bậc thầy đổi mới nghiên cứu lịch sử - Ảnh 5.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê vừa qua đời ở tuổi 84

TTO - Sau ba tuần nằm viện, Giáo sư Phan Huy Lê đã qua đời chiều nay (23-6) tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 84 tuổi.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp