Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM (phải) và ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho cô Đoàn Phúc Linh Tâm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Với cô, niềm hạnh phúc là nhìn thấy học trò không nản chí mà luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mỗi ngày.
Cô Đoàn Phúc Linh Tâm là một trong 12 thầy cô được UBND TP.HCM trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa vào ngày 2-12. Đây là giải thưởng đầu tiên mà TP.HCM dành riêng để tôn vinh các giáo viên, cán bộ quản lý đang công tác tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Từ rớt đại học đến thạc sĩ
Sinh trưởng tại Hà Nội, Linh Tâm từ nhỏ mang niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật múa dân gian. Đầu những năm 2000, cô quyết định "Nam tiến" vào học tại Trường trung cấp Múa TP.HCM, ấp ủ ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Muốn được như thế, cô vạch ra con đường sẽ không ngừng học hỏi.
Hoàn thành bậc trung cấp, cô Tâm "đánh cược" thi vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với mong muốn có thêm môi trường trau dồi chuyên môn.
Tuy nhiên, điểm thi khối C của cô khi đó dù đã sát nút điểm chuẩn vẫn chưa đủ cho cô tấm vé vào giảng đường. Năm sau, cô quyết tâm chinh phục cánh cửa đại học một lần nữa nhưng vẫn chưa thể mỉm cười với kết quả.
Vậy là cô chọn đi "đường vòng", học chuyên ngành múa hệ cao đẳng. Cô chia sẻ: "Tôi vừa học, vừa làm. Tôi tự nhủ với bản thân từ trước rằng học là hành trình dài cả đời, không phải ngày một ngày hai. Vì thế, tôi cứ làm, cứ học, cứ rèn luyện mỗi ngày".
Sau 20 năm theo nghề, cô Tâm giờ đã trở thành một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực múa dân gian. Cô đã lấy luôn bằng thạc sĩ, trở thành giảng viên dìu dắt những thế hệ đàn em ở ngôi trường năm xưa - Trường trung cấp Múa TP.HCM. Đến năm 2021, cô được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.
"Với những giáo viên dạy nghề như tôi, việc vừa làm nghề vừa giảng dạy vừa học hỏi là một điều không thể khác được. Khi đi học, tôi may mắn được học với nhiều thầy cô giỏi. Khi làm nghề, tôi học được từ đồng nghiệp.
Khi đi dạy, tôi học từ chính sinh viên. Người đứng trên bục giảng không ngừng nâng cao bản thân thì mới có thể truyền đạt cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng hay và mới mẻ nhất" - cô Tâm nói.
Cô Đoàn Phúc Linh Tâm (thứ hai từ phải qua) cùng đồng nghiệp trong ngày nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để học trò "làm được việc"
Bạn Huyền Trang - hiện là sinh viên năm cuối tại Trường trung cấp Múa TP.HCM - rất tâm đắc với sự kỹ lưỡng của cô Tâm trong từng tiết học.
Mỗi động tác múa trong các học phần được cô chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ cho mỗi người. Cô thường nhắn nhủ khi học nghề, đặc biệt những nghề liên quan đến nghệ thuật, muốn thành công thì 99% sẽ nhờ vào sự khổ luyện.
Còn bạn Minh Quyên - sinh viên năm cuối tại Trường trung cấp Múa TP.HCM - cho biết bạn ấn tượng với sự dày công chuẩn bị cho bài giảng của cô Tâm.
Thay vì chỉ thị phạm rồi cho học trò tập lại là xong, cô còn giải thích cặn kẽ nguồn gốc của từng động tác trong mỗi điệu múa, có khi lấy từ chính đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam. "Cô dạy chúng mình sự kiên nhẫn và chỉ có kiên trì hành động mỗi ngày mới có thể tạo ra kết quả tốt" - Quyên nói.
Động lực mà cô Tâm mang đến cho các sinh viên đã giúp cho không ít bạn trẻ dũng cảm theo đuổi ước mơ. Trước đây, một bạn nữ rất yêu thích múa nhưng không có năng khiếu đã đến gặp cô Tâm để xin lời khuyên.
Cô Tâm đã nói rằng nếu bạn thực sự đam mê và muốn trở thành một diễn viên múa giỏi mà không có năng khiếu thì hãy luyện tập gấp 10 lần các bạn khác. Người ta tập 10 lần cho một động tác, còn mình hãy tập 100 lần.
"Khi bạn ấy ra trường đã tiến bộ rất nhiều. 2 năm sau, tôi làm giám khảo ở một cuộc thi múa toàn quốc và gặp bạn đến tham dự. Các giám khảo ngồi cùng tôi đã đánh giá rất cao thí sinh này và bạn đã nhận được một giải thưởng mơ ước. Đó là niềm hạnh phúc của người giáo viên! Bạn trẻ ấy đã không nản chí mà luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mỗi ngày" - cô Tâm nói.
Để con "tự lập với ước mơ"
Nhìn lại chặng hành trình đã qua, cô Tâm cho rằng một trong những điều may mắn mình nhận được là sự động viên từ gia đình. Bố mẹ không hề thúc ép cô phải học theo những ngành "hot" mà chấp thuận từ đầu cho cô theo đuổi sự nghiệp múa.
Họ cũng không tạo áp lực khi cô bắt đầu bằng hệ trung cấp, khi rớt đại học, mà luôn đồng hành cùng cô.
Cô chia sẻ: "Bố mẹ tin tưởng hoàn toàn vào tôi, tôn trọng quyết định của tôi. Nhờ vậy, tôi luôn tự tin và tự lập với ước mơ của mình". Cô Tâm cho rằng ngày nay phụ huynh cũng nên đặt niềm tin vào con cái có thể lựa chọn những ngành học, bậc học phù hợp, miễn là đúng với đam mê của con.
Quan tâm đến chất lượng giáo viên trường nghề
Tại buổi lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chia sẻ giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng phát triển kinh tế khi đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM có 371 cơ sở, hằng năm cung cứng cho thị trường lao động 125.000 người.
Ông Đức đề nghị lãnh đạo các cơ quan chủ quản, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Ông cho rằng hằng năm các trường cần có kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận