Cô Nguyệt (cầm hoa đứng giữa) với sinh viên cử tuyển tốt nghiệp khóa 41 Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi vẫn thường nói với các em rằng trong học tập các em nên nhìn lên để phấn đấu cho bằng bạn bằng bè, nhưng trong cuộc sống các em nên nhìn xuống xem có ai thiếu thốn hơn mình không, nghèo hơn mình không, ăn đói hơn mình không. Không có lý do gì để các em không chia đôi phần của mình cho bạn. Và thật tuyệt vời, các em luôn sẵn sàng làm điều đó |
Cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt |
Khi đó Mai đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Y Thái Nguyên. Bố là thương binh hạng nặng nằm liệt giường, mẹ Mai - người phụ nữ trụ cột của gia đình - đột ngột qua đời sau một cơn bệnh đã làm Mai chới với.
Lời động viên quý giá
Sự ra đi của mẹ cộng với hoàn cảnh khó khăn của gia đình làm Mai suy sụp. Buổi chiều tháng 5-2004, lúc mẹ Mai vừa mất được 10 ngày, một thanh niên lạ đến ký túc xá tìm, trao cho Mai lá thư cùng 50.000 đồng và bảo “của cô Nguyệt gửi cho em”. “Cô Nguyệt là ai, tại sao lại biết em?”.
Người sinh viên trên Mai một khóa bảo: “Cô Nguyệt là giáo viên dưới Hà Nội hay giúp đỡ sinh viên nghèo. Một người bạn kể cho anh nghe về hoàn cảnh của em và anh kể lại cho cô nghe. Vì vậy cô nhờ anh chuyển cho em cái này”. Mai mở lá thư ngắn của người lạ ra đọc.
Lá thư viết: “Cô đã nghe qua câu chuyện của em. Cô mất mẹ từ lúc 10 tuổi nên cô hiểu những mất mát mà em đang phải trải qua lúc này. Em hãy mạnh mẽ lên. Nếu quá khó khăn về tài chính thì hãy viết thư cho cô”...
Sự ấm áp từ lá thư đã làm Mai xúc động. “Tự dưng giữa những ngày xám xịt tôi lại thấy cuộc đời mình lóe lên một tia sáng. Tôi thấy mình có một điểm tựa tinh thần” - bác sĩ Mai kể lại.
Tối hôm ấy, Mai viết cho cô Nguyệt lá thư dài năm trang giấy. Khi nhận được thư, cô Nguyệt gọi điện thoại cho Mai. Biết hoàn cảnh của Mai, cô Nguyệt đã xin hỗ trợ từ bạn bè để giúp Mai ăn học.
Từ đó, suốt hai năm cuối đại học, hằng tháng Mai đều nhận được số tiền 200.000 đồng, sau đó tăng lên 300.000 đồng. Số tiền nhỏ ấy đã giúp Mai đi qua những ngày khó khăn của thời sinh viên để yên tâm học hành và trở thành một bác sĩ.
Cũng từ đó trở đi, Mai trở thành cầu nối giữa cô Nguyệt với rất nhiều sinh viên khác. Biết sinh viên nào khó khăn, Mai lại giới thiệu cho cô Nguyệt. Mai giúp các bạn chuyển thư đến cô rồi mỗi tháng lại nhận tiền của cô gửi lên cho các bạn.
Mười năm trôi qua, Mai vẫn nhắc về cô Nguyệt bằng tất cả sự trân trọng: “Bố tôi ốm phải về cấp cứu ở Hà Nội, cô sang thăm, mua cả chiếc cassette tặng để bố nghe cho đỡ buồn. Cô cứ như một bà tiên xuất hiện trong cuộc sống của tôi. Cô dung dị và gần gũi. Có lúc tôi nghĩ mối quan hệ của hai cô trò giống như tiền duyên từ kiếp trước...”.
Sự sẻ chia từ những tấm lòng
“Bà tiên” trong câu chuyện của bác sĩ Lâm Thùy Mai chính là cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt (60 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội). Suốt 18 năm qua, cô Nguyệt là cầu nối giữa những người có tấm lòng với các sinh viên nghèo.
“Năm 1996, trong giờ dạy Anh văn cho khối cử tuyển, tôi thấy một sinh viên nằm gục đầu xuống bàn, gọi mãi cũng không dậy dù giờ dạy của tôi luôn rất sôi động. Tôi giận lắm. Lúc ra chơi, tôi hỏi lớp trưởng xem sinh viên ấy bị làm sao. Câu trả lời của lớp trưởng khiến tôi nhói lòng là bạn ấy đói mấy ngày không có gì ăn.
Mỗi tối trước khi đi ngủ chỉ ăn một gói mì để lót dạ” - cô Nguyệt kể lại. Câu chuyện ấy cứ ám ảnh cô mãi. Vốn là giáo viên dạy thêm tiếng Việt cho các đại sứ và gia đình họ tại Hà Nội, cô có rất nhiều bạn bè là người nước ngoài.
18 năm và 1.000 sinh viên 18 năm qua, hơn 1.000 sinh viên nhận hỗ trợ từ chương trình của cô Nguyệt, giờ đã ra trường và không ít người thành đạt. Có những sinh viên nhận hỗ trợ suốt bốn năm đại học. Cũng có sinh viên vào năm 3, năm 4 thì kiếm được việc làm thêm, các bạn tự nguyện nhường phần của mình cho sinh viên năm nhất có hoàn cảnh khó khăn hơn. Lý giải về cách làm của mình, cô Nguyệt bảo: “Tôi không phải làm từ thiện, cũng không phải trao học bổng. Tôi chỉ là người làm cầu nối, chia sẻ câu chuyện của các em với những người bạn. Bạn bè của tôi tin tưởng, chia sẻ và đồng cảm với tôi thì giúp các em. Số tiền ít ỏi tôi gửi mỗi tháng cho các em trang trải việc ăn uống, sinh hoạt để ấm bụng mà tiếp tục việc học hành”. |
Trong giờ dạy tiếng Việt, cô đem câu chuyện của mình kể cho một học viên. Người ấy không tin, đòi cô Nguyệt dẫn vào tận lớp.
Là chuyên gia dinh dưỡng, khi vào lớp gặp các sinh viên hệ cử tuyển, người bạn của cô thốt lên: “Sinh viên lớp này đều bị suy dinh dưỡng cả”. Sau hôm đó, người bạn của cô quyên góp được 306 USD và giao cho cô Nguyệt để chia cho các em. Số tiền ấy được cô Nguyệt mua thức ăn, áo ấm, chăn ấm... cho các sinh viên nghèo.
Và cũng từ đó, chương trình hỗ trợ cho sinh viên nghèo mặc nhiên được hình thành. Sinh viên khó khăn cứ giới thiệu nhau viết thư cho cô.
Mỗi lần nhận được thư và tờ khai của các em, cô lại đem từng câu chuyện chia sẻ với bạn bè. Họ phần lớn là gia đình của các đại sứ, thành viên các tổ chức phi chính phủ đang ở Hà Nội.
Những bàn tay được nối dài, người có điều kiện thì mỗi tháng gửi tiền nuôi năm sinh viên, người ít điều kiện hơn thì cùng bạn bè nuôi 1-2 em. Số tiền này được chuyển đến cô Nguyệt để gửi cho các em.
Đều đặn mỗi tháng, sinh viên nào được xét nhận hỗ trợ sẽ được gửi 150.000 đồng (năm 1996). Số tiền ấy dần tăng lên 300.000 đồng và thời điểm hiện tại là 600.000 đồng/tháng/bạn.
Một nguyên tắc của cô Nguyệt là mỗi tháng nhận tiền hỗ trợ, sinh viên phải viết thư cảm ơn người đã trợ cấp cho mình. Cô bảo việc làm ấy nhắc nhở các bạn biết thể hiện lòng trân quý đối với người giúp đỡ mình.
“Đó cũng là cách tôi rèn cho sinh viên kỹ năng viết tiếng Anh, vì đa số người hỗ trợ là người nước ngoài. Viết thư cũng là thông điệp rằng tiền của người gửi đã được chuyển đến người nhận một cách rõ ràng, minh bạch” - cô Nguyệt nói.
Lời cảm ơn trở lại
Nguyễn Tiến Dũng - chàng sinh viên nghèo của đất Quảng Bình nắng gió ngày nào giờ đã là thạc sĩ, giảng viên Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2000, Dũng về thủ đô nhập học mang nặng nỗi lo. Bố mất sớm, mẹ ở quê với gánh cháo rong không nuôi nổi mấy anh em ăn học. Biết chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo, Dũng viết thư cho cô Nguyệt.
Và suốt bốn năm đại học, hằng tháng Dũng đều nhận được tiền hỗ trợ đều đặn. “Ngày ấy cơm sinh viên chỉ có 1.200 đồng một bữa. Số tiền hỗ trợ mỗi tháng đủ để tôi ăn uống mà không bị đói. Tôi vượt qua quãng đời khó khăn ấy và thành đạt như ngày hôm nay là nhờ có cô Nguyệt. Nếu không có cô hỗ trợ về vật chất và tinh thần thì tôi không thể nào có được ngày hôm nay” - Dũng nói.
Cũng như nhiều sinh viên khác của cô Nguyệt, từ khi có việc làm ổn định, Dũng đã quay lại hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do cô Nguyệt làm cầu nối. Suốt bốn năm đại học, Dũng viết thư cảm ơn người đã hỗ trợ mình và giờ đây hằng tháng anh đều nhận được thư của các sinh viên gửi lại.
“Nhận được những lá thư đầy bỡ ngỡ của các em như mình ngày xưa từng viết, tôi thấy thật ấm áp. Những cảm xúc mà nếu không xuất phát từ sự sẻ chia của cô Nguyệt, tôi không thể nào cảm nhận được” - Dũng chia sẻ.
Nhiều sinh viên vẫn gọi cô Nguyệt là “mẹ Nguyệt”. 18 năm qua, cô Nguyệt đã có hơn 1.000 đứa con trưởng thành và sống trên mọi miền đất nước. Chỉ có điều những đứa con ấy chưa bao giờ tặng được cho cô giáo của mình dù chỉ một bông hoa hay món quà nhỏ nhân dịp 20-11.
“Mang hoa hay quà đến là mẹ Nguyệt mắng và đuổi về ngay. Mẹ nói rằng cô hỗ trợ cho các em để các em ăn học chứ không phải để các em mua những thứ linh tinh” - bác sĩ Lâm Thùy Mai nói.
Không nhận hoa, quà của các học trò nghèo nhưng cô Nguyệt bảo cô có một hạnh phúc lớn lao mà không ai có được. Đó là chứng kiến các em sinh viên trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội.
Và vì vậy, ở tuổi 60, cô Nguyệt vẫn miệt mài với những hồ sơ, tờ khai, email của các sinh viên nghèo rồi lại đi tìm, xin hỗ trợ để không bạn nào phải dang dở với giảng đường đại học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận