24/11/2016 09:42 GMT+7

Cô giáo làng của bà con ngư dân

MINH AN
MINH AN

TTO - Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền (37 tuổi), với lớp học xóa mù chữ do cô mở ra mỗi tối tại Nhà văn hóa thôn Phương Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền với lớp học miễn phí xóa mù chữ do mình lập ra, dạy các học viên đứng tuổi - Ảnh: MINH ANH
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền với lớp học miễn phí xóa mù chữ do mình lập ra, dạy các học viên đứng tuổi - Ảnh: MINH ANH

Cô Hiền mở lớp dạy chữ miễn phí cho những người cỡ tuổi cha, tuổi mẹ của mình, bằng tất cả nghĩa tình hàng xóm. Người học mà góp tiền bồi dưỡng thì cô giáo kiên quyết từ chối.

Coi học trò như cha mẹ mình

Chúng tôi tìm về ngôi làng nhỏ nằm kề biển và đầm phá Tam Giang, đi sâu vào khu du lịch Tháp Chàm, hỏi về lớp học này, không dân làng nào không biết.

Cứ tối về, gác lại mọi công việc của một ngày tất bật, những bà mẹ tranh thủ ăn vội miếng cơm, rồi sửa soạn cặp sách lên lớp. Với họ, ước muốn đơn giản khi đến với lớp học là để viết được tên mình, học để biết ký tên, thay vì lâu nay làm giấy tờ phải lăn tay; học để hát karaoke, và có người còn đùa rằng học để... viết thư cho người yêu!

Trong căn phòng chừng 40m2, khi trời vừa sập tối cũng là lúc những tiếng đánh vần rôm rả, vui nhộn cũng vừa bắt đầu. Tiếng cô Hiền cao cao: “Mời mấy o, mấy chú nhìn lên bảng đọc theo tui: ngờ a nga huyền ngà, vờ oi voi”. Trong khi cả lớp đang đồng thanh thì đâu đó tiếng phát âm lạc lõng “nà vo” khiến mọi người được một phen cười đã đời. Thì ra người đọc sai chính là học viên lớn tuổi nhất lớp - 64 tuổi Nguyễn Thị Vi.

Bà Vi kể rằng những ngày đầu khi mới đến lớp ai cũng xấu hổ, bởi bị chòm xóm dè bỉu, kêu già rồi còn học làm gì. Nhưng rồi, nhờ những lần cô Hiền xuống tận nhà động viên, bà Vi mới yên lòng để theo học. Sau hơn ba tháng theo lớp, bà có thể viết, đọc được tên mình một cách rành rọt, điều mà bà tưởng chừng không bao giờ làm được.

“Ở lớp có cô Hiền, về nhà nhờ thêm mấy đứa cháu chỉ bày, rảnh khi mô là học đọc, học viết khi đó. Chừ tui tự tin và cảm thấy thoải mái lắm” - bà Vi vui mừng khoe.

Không riêng gì bà Vi, cả lớp có gần 40 học viên thì hầu hết đều bước qua cái tuổi 50. Họ là những phụ nữ nghèo, quanh năm phụ chồng mưu sinh, cuộc sống nhờ con tôm, con cá từ biển. Nhiều lần tiếp xúc với bà con thấy được sự thiệt thòi này, cô Hiền đã quyết tâm mượn hội trường nhà văn hóa để mở lớp và động viên mọi người ra học.

“Họ là những người bà, người mẹ nghèo, chất phác như cha mẹ mình. Khi tui mở lớp thì gia đình và bạn bè phản đối, sợ không ai theo học. Nhưng tui quyết tâm vận động từng người ra học, nói cho họ ý nghĩa, giá trị con chữ” - cô Hiền kể lại.

Từ chối tiền bồi dưỡng

Là cô giáo mầm non nên việc dạy “vỡ lòng” cho bà con ngư dân không mấy khó khăn đối với cô Hiền. Sách vở cho bà con học cũng được cô kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong làng ủng hộ. Vào những dịp lễ lạt, để tạo không khí vui vẻ cho cả lớp, cô Hiền cũng tổ chức sinh hoạt, vui chơi, mua bánh kẹo, liên hoan.

Không khí của một lớp học thực thụ dần được hình thành, có quy định giờ học, dò bài, kiểm tra bài cũ... Các học viên phân công lẫn nhau, người học nhanh bày người học chậm, ngồi xen kẽ kèm cặp nhau. Cứ thế, con chữ lôi kéo họ một cách mãnh liệt, ai ai cũng chăm chú học. Để phục vụ cho việc học thật tốt, nhiều bà, mẹ còn đem theo máy quạt, đèn học cá nhân.

Dưới cặp kính cận, học viên Trương Thị Gái (63 tuổi) nắn nót từng nét chữ với ánh mắt chăm chú. Dứt nét bút, bà kể rằng ngày xưa bà có theo lớp bình dân học vụ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, việc học đứt gánh giữa đường.

Khi nghe tin có lớp học miễn phí, được con cháu ủng hộ, bà Gái gác lại việc buôn bán trước 6g chiều để ra với lớp. “Xưa yêu nhau không biết chữ nên đâu biết viết thư từ chi mô. Giờ thì biết chữ, ước chi được yêu lại mà viết vài dòng chắc lãng mạn lắm” - bà Gái vừa dứt câu nói đùa, cũng là lúc cả lớp cười sặc sụa.

Nhìn những “học trò” cỡ tuổi cha, tuổi mẹ của mình học hành hăng say, mọi mệt nhọc của cô Hiền như tan biến. Cô Hiền cho biết ban đầu việc học rất khó khăn, mọi người ai cũng gặp khó khăn từ cách cầm viết cho đến cách phát âm. Phần nữa do ai cũng lớn tuổi nên tiếp thu chậm, dễ quên, dễ lộn...

“Nhưng trên hết, niềm đam mê và khát khao chinh phục con chữ của các bà, các mẹ đã vượt qua được những khó khăn. Nhìn mọi người viết được, đọc được mà lòng tui hạnh phúc lắm” - cô Hiền tâm sự.

Thương cô Hiền vất vả, lo chỉ bảng, cầm tay cho từng người, thế là các bà, các mẹ trong lớp học gom góp ít tiền với ý định... bồi dưỡng cô. Hay tin, cô Hiền lập tức phản đối và từ chối thẳng thừng. “Mọi người ai cũng buồn vì tui từ chối. Nhưng khi tui nói tui mở lớp là để dạy bằng tất cả tấm lòng như dạy cho cha mẹ, người thân của mình thì ai cũng thấy thoải mái, nhẹ nhàng” - cô Hiền giải thích.

Dạy bằng cả tấm lòng

Ông Phạm Tăng Đoàn, chủ tịch UBND xã Phú Diên, vui mừng cho biết từ ngày lớp học được mở ra, nhiều bà con trong làng đã đọc, viết thành thạo, thuận tiện trong mọi việc hằng ngày. Hay tin, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện cũng đề nghị hỗ trợ tài liệu, sách vở cho lớp học.

Nói về cô Hiền, ông Đoàn bày tỏ lòng thán phục, cảm kích trước tấm lòng của một cô giáo trẻ, một người con của quê hương, luôn vì bà con, lối xóm mà không ngần ngại giờ giấc, khó khăn cho bản thân mình.

“Cô dạy bằng tình thương, niềm đam mê và trên hết là bằng cả tấm lòng của mình dành cho mọi người” - ông Đoàn nói.

MINH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp