06/03/2016 09:10 GMT+7

Cô giáo đặc biệt của Palestine

D.KIM THOA (tổng hợp từ Dailysabah, Globalteacherprize, Palestinechronicle) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (tổng hợp từ Dailysabah, Globalteacherprize, Palestinechronicle) ([email protected])

TT - Phương pháp giáo dục học mà chơi, nhấn mạnh quan điểm không bạo lực đã đưa một giáo viên sống tại khu trại tị nạn Palestine lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi giáo viên giỏi toàn cầu.

Cô giáo Hanan Al-Hroub bên các học trò của mình - Ảnh: Globalteacherprize
Cô giáo Hanan Al-Hroub bên các học trò của mình - Ảnh: Globalteacherprize

Giữa tháng 2 vừa qua, giáo sư người Anh Stephen Hawking đã công bố danh sách 10 giáo viên lọt vào chung khảo cuộc thi giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2016 - Global Teacher’s Prize của Quỹ Valley Park có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Đây là cuộc thi diễn ra hằng năm nhằm chọn và tôn vinh một giáo viên xuất sắc đã có đóng góp nổi bật nhất trong lĩnh vực giảng dạy của thế giới. Người thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng trị giá 1 triệu USD tại lễ trao giải diễn ra trong tháng 3 năm nay. Hiện kết quả cuộc thi vẫn chưa công bố.

Trong số 10 người đã vượt qua khoảng 8.000 thí sinh tranh tài có cô Hanan Al-Hroub, một giáo viên 43 tuổi người Palestine sống tại khu trại tị nạn Dheisheh, phía nam Bethlehem, Palestine.

Cô giáo Hanan được tôn vinh vì phương pháp giảng dạy chú trọng vấn đề không bạo lực, dùng phương pháp học mà chơi. Không chỉ dạy kiến thức, cô còn bảo ban, hướng dẫn hành vi ứng xử của những học trò vốn bị ảnh hưởng xấu vì bạo lực xảy ra tại những khu vực bị Israel chiếm đóng.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của Hãng thông tấn Anadolu, cô Hanan cho biết: “Sự chiếm đóng của người Israel đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu tới hành vi ứng xử của con cái chúng tôi. Với phương pháp giáo dục của mình, tôi đã tìm cách giải quyết vấn đề đó và đã tạo ra được một thế hệ (trẻ em) mới hòa bình và hợp tác hơn”.

Cô Hanan sinh trưởng trong một trại tị nạn ở Bethlehem. Ở đó, cô thường xuyên phải đối mặt với những hành vi bạo lực. Cô trở thành giáo viên tiểu học sau lần các con cô bị khủng hoảng trầm trọng vì phải chứng kiến một vụ xả súng khi đang trên đường đi học về.

Ý tưởng về phương pháp giáo dục không bạo lực đến với cô Hanan sau lần chồng cô bị lực lượng quân đội Israel bắn tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây.

Cô nhớ lại: “Chồng tôi bị thương. Những người lính Israel đã bỏ mặc anh ấy bị mất máu cho tới chết. Sự việc này đã khiến các con tôi bị sốc”.

Chính những trải nghiệm cá nhân trong các cuộc gặp gỡ, tư vấn để trao đổi về hành vi ứng xử của con mình, về sự phát triển cũng như học hành của chúng trong các năm tháng tiếp theo đã khiến cô Hanan thấy mình cần phải giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự, những học trò cần một cách giáo dục đặc biệt ở trường.

Với quá nhiều trẻ em “có vấn đề” trong nước, các lớp học ở Palestine có thể xem là những môi trường căng thẳng nhất. Cô Hanan ra sức bảo vệ quan điểm “Nói không với bạo lực” và áp dụng cách giáo dục học trò đặc biệt do cô xây dựng và đề ra chi tiết trong cuốn sách Chúng ta chơi và học (We play and learn) của cô.

Theo đó, cô tập trung phát triển sự tin cậy, tôn trọng, trung thực và tình yêu thương với các học trò, nhấn mạnh tầm quan trọng của học vấn. Cô khuyến khích các em hợp tác với nhau, quan tâm tới nhu cầu riêng của mỗi người và tưởng thưởng xứng đáng những hành vi tích cực của học trò.

Theo Bộ Giáo dục Palestine, ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza có khoảng 44.000 giáo viên. Với phương pháp giáo dục đó, cô Hanan đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng bạo lực học đường vốn thường xuyên xảy ra trước đó.

Cách dạy của cô cũng đã lan truyền cảm hứng tới các đồng nghiệp, khiến họ xem xét lại phương pháp đào tạo của mình, cách quản lý lớp học cũng như những hình phạt họ đang áp dụng với học sinh.

Cô Hanan cho biết cô hi vọng sẽ giành được giải thưởng này để có thể đưa tên tuổi đất nước mình lên bản đồ thế giới.

Cô nói: “Chiến thắng này sẽ gửi đi một thông điệp rằng giáo viên Palestine có thể vượt qua mọi khó khăn. Tôi muốn nói rằng một chiến thắng cho phương pháp giảng dạy của tôi cũng là một chiến thắng cho đất nước Palestine”.

 

D.KIM THOA (tổng hợp từ Dailysabah, Globalteacherprize, Palestinechronicle) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp