11/11/2015 09:09 GMT+7

Cô giáo của người Xê Đăng

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG ([email protected])

TT - Ở những ngôi làng vùng cao của xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cô Nông Thị Tuyết, giáo viên Trường tiểu học bán trú xã Đắk Na, được học trò lẫn người dân coi như là người Xê Đăng của làng mình.

Cô giáo Tuyết sắp xếp, ổn định chỗ ngồi cho học trò trong giờ ăn trưa tại trường - Ảnh: B.D.
Cô giáo Tuyết sắp xếp, ổn định chỗ ngồi cho học trò trong giờ ăn trưa tại trường - Ảnh: B.D.

Ngôi trường thuộc diện xa xôi và khó nhất của ngành giáo dục Kon Tum nhưng cô Tuyết là một trong số ít giáo viên nhiều năm liền đứng vào danh sách giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN tuyên dương.

Nỗi ám ảnh ở vùng rốn lũ

Cô Tuyết là người dân tộc Tày, theo bố mẹ lên Tây nguyên lập nghiệp. Cô Tuyết cho biết ngày được bạn dẫn vào trường nhận nhiệm vụ, đường từ trung tâm huyện vào xã Đắk Na như sợi chỉ luồn qua các dãy núi, sáng sớm hai cô giáo đèo nhau trên xe máy nhưng mãi tối mịt mới tới được xã.

Những ngày đầu vào nhận công tác, hình ảnh trường lớp, học trò lem luốc, ngờ nghệch nhưng quý thầy cô giáo như bố mẹ khiến cô giáo trẻ dần quên đi nỗi nhớ nhà và cơ cực. Cô Tuyết nói chỉ mấy tháng đã yêu buôn làng Xê Đăng và cho đến giờ nếu được lựa chọn vẫn tình nguyện ở lại Đắk Na để dạy cho trẻ nghèo.

10 năm làm cô giáo vùng cao ở xã khó khăn nhất của Tu Mơ Rông, cô Tuyết kể rằng nỗi ám ảnh lớn nhất đối với mình và các thầy cô giáo ở Đắk Na là lũ quét. Xã Đắk Na nằm giữa trung tâm và được bao bọc bởi các ngọn núi cao.

Mùa mưa Tây nguyên thật khủng khiếp. Mưa kéo dài hàng tuần và thường xuyên kéo theo những cơn lũ quét đổ về bất ngờ. Mưa lũ thì học sinh không thể đến lớp, thầy cô ở nhà nhìn ra suối lo cho học trò nhưng đôi khi lại xảy ra những tai họa khủng khiếp hơn.

Tháng 10-2009, trong cơn lũ lịch sử của tỉnh Kon Tum, xã Đắk Na đã có hai ngôi làng bị núi lở vùi lấp, nhiều người chết. Trong cơn lũ ấy, Trường tiểu học bán trú xã Đắk Na cũng đã bị một ngọn núi đổ sập và cuốn phăng.

Cô giáo Tuyết giọng run run khi nhớ lại khoảnh khắc đáng sợ ấy: “Mấy hôm đó trời mưa như trút nước, đúng vào dịp thứ hai đầu tuần nên toàn bộ giáo viên ở ngoài huyện chạy xe máy vào nhưng gặp nước lũ cuốn qua các ngầm đá nên không thể vào được. Hôm sau khi các thầy cô vào tới nơi thì thấy trường đã biến mất, chỉ còn lại lớp đất từ núi được dời xuống. Dù mất trường nhưng vẫn... hên vì mưa lũ vào ngày cuối tuần nên các thầy cô không ở lại, nếu không thì...”.

“Người của buôn làng”

Cô giáo Nông Thị Tuyết là người dân tộc Tày nhưng cho đến giờ tự nhận mình đã trở thành “người Xê Đăng” từ lúc nào. Cô Tuyết đùa rằng mình có thể nói được hai “ngoại ngữ” là tiếng Tày, tiếng Xê Đăng.

Chính vì giỏi tiếng Xê Đăng như giỏi tiếng bản địa của mình, cô Tuyết được nhà trường phân công dạy song ngữ: Xê Đăng - Kinh để giúp học trò vùng cao tiếp cận tốt hơn với chương trình học.

Bước vào dạy một ngôi trường mà nơi đó có đến 100% học trò là người Xê Đăng, cô giáo Tuyết kể rằng đã có những ngày tháng ăn vật nằm vạ trong các ngôi làng, vào tận nhà học trò chỉ để... học tiếng. Bà con Xê Đăng thấy cô giáo chiều nào cũng tới, chẳng có việc gì cũng tới, ban đêm rảnh là tới hay thậm chí nhiều lúc theo học trò... lên rẫy thì thương lắm.

Thầy A Mập - hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú Đắk Na - cho biết nhiều gia đình cho con cái nghỉ học từ rất sớm để theo bố mẹ lên nương. Chưa tính đến chuyện chất lượng dạy học, để vận động được học sinh đến lớp đã là một kỳ công của các thầy cô giáo. Vào những ngày làng tổ chức lễ bỏ mả, đâm trâu hay những lúc vào mùa vụ, học sinh ở các ngôi làng vắng biệt hai ba ngày, có khi cả trường chỉ còn lại vài chục học sinh đến lớp.

Những lúc như thế thầy cô giáo đánh xe vào làng ăn ngủ hai ba ngày trời, thuyết phục học sinh ra lớp. Thế nhưng năm nào cũng vậy, các lớp học do cô Nông Thị Tuyết phụ trách luôn duy trì đủ sĩ số.

Có một học trò tên A Thuật nhiều thầy cô vào vận động hàng tuần lễ vẫn chỉ nhận cái lắc đầu: “Mình không đi học nữa, ở nhà đi làm rẫy có tiền hơn”. Trước ca khó này, cô Tuyết được yêu cầu xuống làng. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, ngồi nói chuyện với Y Dái - bà ngoại của A Thuật - mới biết A Thuật muốn bỏ học là do “học không vào”, “cái chữ nằm ngoài tai”. Cô Tuyết đã tìm cách “rỉ tai” và đưa Thuật trở lại trường trong niềm vui của các thầy cô giáo.

Ngoài việc dạy chữ, cô giáo Tuyết nhiều lúc đã trở thành “bác sĩ” của học trò. “Thỉnh thoảng lại có một em đến lớp trong sắc mặt mệt mỏi, xanh xao. Hỏi thì các em nói rằng đi tắm suối về thấy ngứa trong mũi, ho và chảy máu nhiều nhưng không biết bị bệnh gì. Mình nghi ngờ các em tắm suối đã bị con đỉa mén - một loài hút máu nhỏ chỉ bằng cây tăm theo hốc mũi chui vào đường thở nên dùng mẹo lôi ra. Mình dùng hòn đá nóng, có mùi tanh tanh nhử trước mũi, vài phút sau một con đỉa từ trong hốc mũi chui ra trước sự kinh hãi của thầy cô lẫn học trò” - cô Tuyết vui vẻ kể.

Tuyên dương 64 giáo viên

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2015 do Trung ương Hội LHTN VN phối hợp với Bộ Giáo dục - đào tạo và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Đối tượng tuyên dương là 64 giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác ở các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có thành tích trong việc thu hút học sinh con em dân tộc tới trường; có nhiều sáng kiến trong việc giảng dạy, chăm lo cho học sinh được đoàn thể, chính quyền, ngành giáo dục và nhân dân địa phương tuyên dương.

Chi tiết xem tại website www.chiasecungthayco.com.

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp