Ngày 16-1, ông Trần Thanh Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) - cho biết cô Sơn Ca là một trong những giáo viên đi đầu trong việc áp dụng chương trình dạy học phổ thông mới, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo.
"Mỗi giáo viên ở trường đều có phương pháp dạy khác nhau, nhưng áp dụng hát cải lương khi dạy như cô Huỳnh Sơn Ca thì quá đặc biệt. Trong tiết học, đôi khi một vài chi tiết nhỏ được lồng ghép nhưng làm không khí học tập trở nên sôi nổi, học sinh thích thú nên tiếp thu bài học rất tốt" - thầy Sơn nhận định.
Lớp học 12X1 của Trường THPT Võ Thị Hồng vang lên lời ca theo giai điệu đờn ca tài tử Nam Bộ trong bài Vầng trăng tri kỷ của soạn giả Minh Đăng. Đó là "đặc trưng" của cô Sơn Ca khi bắt đầu bài dạy Tây Tiến vừa lãng mạn vừa bi tráng, hào hùng.
Cô Sơn Ca hát một đoạn bài Vầng trăng tri kỷ của soạn giả Minh Đăng để khởi động, dẫn dắt học sinh vào bài giảng Tây Tiến - Video: THANH HUYỀN
Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cô Sơn Ca có cha là nhạc công đàn tranh của Đoàn cải lương Hương Tràm.
Nhờ vậy trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy tác phẩm văn học có mối liên kết chặt chẽ với loại hình nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử, nên cô thử nghiệm vận dụng lồng ghép vào bài học và được nhiều học sinh yêu thích, phụ huynh ủng hộ.
Cô Sơn Ca chia sẻ: "Thỉnh thoảng tôi bắt gặp tác phẩm văn học được chuyển thể thành cải lương hay vọng cổ, bài bản tài tử, nhất định tôi sẽ chọn những đoạn phù hợp để ca lên cho cả lớp cùng cảm thụ, chẳng hạn như truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Kiều của Nguyễn Du,…
Như trong Truyện Kiều, ở đoạn mở rộng, khi giảng về số phận truân chuyên và bi kịch của nàng Kiều, tôi ca bài cổ bản Hoạn Thư bắt Thúy Kiều của soạn giả Trần Ngọc Thạch. Cả lớp chăm chú lắng nghe, nắm hết cốt truyện và đứng lên tóm tắt sự việc một cách rành mạch. Thậm chí, có nhiều học sinh còn về nhà tìm đọc hết 3.254 câu Kiều".
Em Lê Kim Xuyến (lớp 12X1) cho biết do đặc thù môn ngữ văn thiên về lý thuyết, nên việc cô Sơn Ca lồng ghép nghệ thuật vào bài sẽ tạo tâm lý thu hút, học sinh không bị chán, dễ nhớ lại bài đã học.
Em Nguyễn Việt Kha (Trường THPT Võ Thị Hồng) bộc bạch thêm tiết học của cô Sơn Ca rất thú vị, "cô không những dạy cho chúng em kiến thức mà còn truyền cho chúng em nguồn cảm hứng học tập mới, chúng em có thêm niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tiết học của cô mang tính chất vừa học vừa chơi nên chúng em dễ hiểu bài, nhớ bài lâu hơn".
Năm 2020, trong lúc học và phấn khích với tiết học cô Sơn Ca hát cải lương dẫn vào bài học Truyện Kiều, đã có học sinh dùng điện thoại quay lại. Ðoạn clip ngắn được đăng lên mạng xã hội và nhận hàng ngàn bình luận tích cực, chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Mọi người khuyến khích, khen ngợi cách đổi mới trong giảng dạy của cô Sơn Ca. Thời điểm ấy, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có quyết định tặng bằng khen cho cô Huỳnh Sơn Ca, về thành tích có tinh thần sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận