"Tôi quá bất ngờ! Trong suốt 23 năm đi dạy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến có một ngày giáo viên phải lâm vào cảnh như cô giáo ở Tuyên Quang. Thật đau lòng!" - thầy Trương Minh Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, cảm thán.
Đạo đức xuống cấp
Cô Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM - cho biết cô cảm thấy tổn thương cho nghề giáo: "Tôi thấy nhói lòng sau khi xem những thông tin liên quan. Sự việc chính là một hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận học sinh.
Nội tình của nhà trường và của lớp học đó như thế nào chúng ta chưa rõ hết. Nhưng những việc làm và lời nói của các em học sinh lớp 7 đối với giáo viên như thế là không thể chấp nhận được".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng các cơ quan quản lý cần tìm hiểu rõ ngọn ngành tại sao học sinh lại vô lễ, hỗn hào và hành hung cô giáo của mình.
"Tôi không thể ngờ học sinh bây giờ lại có thể đối xử tồi tệ với giáo viên của mình như vậy. Có thể cô giáo đã làm gì đó khiến các em không thích và bức xúc. Nhưng dù như thế nào thì việc học sinh nhốt cô giáo trong phòng, tác động vật lý lên cô, nói tục với cô... là đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng.
Chưa kể, cô giáo còn là người lớn tuổi hơn các em, là giáo viên đứng lớp giảng dạy các em. Tinh thần tôn sư trọng đạo của các em ở đâu?" - cô Võ Thị Hậu, giáo viên môn giáo dục kinh tế và pháp luật Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM, nêu ý kiến.
Một giáo viên môn văn ở quận 12 còn phản ảnh: "Không chỉ một sự việc ở Tuyên Quang mà trước đây liên tiếp các sự việc phụ huynh hành hung giáo viên, phụ huynh làm nhục giáo viên, học sinh đánh giáo viên bị thương... cho thấy nghề giáo đang là nghề nguy hiểm hiện nay.
Ở ngay trong môi trường học đường, khi giáo viên đang được Nhà nước giao trọng trách "trồng người" thì chúng tôi vẫn có thể gặp phải những tình huống bất ngờ gây tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác".
Nhà giáo cần làm gì?
Cô Võ Thị Hậu đưa ra đề xuất: "Khi giáo viên và học sinh có vấn đề bất ổn, không hài lòng về nhau thì chính giáo viên phải giải tỏa ngay những bất ổn ấy. Nếu không giải quyết được thì chúng ta sẽ mời giáo viên chủ nhiệm lớp cùng hỗ trợ. Nếu mối quan hệ thầy - trò vẫn chưa được cải thiện thì giáo viên cần báo cáo và nhờ sự giúp đỡ từ ban giám hiệu nhà trường.
Tôi nghĩ rằng phương án tốt nhất là không để cho mối quan hệ thầy trò bị đẩy lên đỉnh điểm của sự căng thẳng và mâu thuẫn. Bởi học sinh THCS lớn thì chưa lớn mà nhỏ thì cũng không còn nhỏ. Các em dễ bốc đồng, thích thể hiện, muốn chứng minh cái tôi... rất có thể học sinh sẽ có những hành động, lời nói bộc phát khiến giáo viên bị tổn thương".
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT ở TP.HCM thắc mắc là vai trò quản lý của ban giám hiệu nhà trường ở đâu mà lại để cho sự việc diễn ra một cách đáng tiếc như trên.
"Đáng lẽ khi biết sự việc bất ổn, hơn ai hết hiệu trưởng nhà trường phải cùng giáo viên giải quyết vấn đề, không để cho giáo viên cô đơn, loay hoay trong mớ bòng bong phải giảng dạy đạt chất lượng nhưng học sinh quậy phá, không nghe lời..." - hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM nêu ý kiến.
Một mình ngành giáo dục không thể giải quyết
Theo tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không phải đến bây giờ mà các sự việc đau lòng trong ngành giáo dục đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân thì đã được nói rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo, trên các phương tiện truyền thông. Đó là do đạo đức xuống cấp; nhiều trường lo dạy chữ hơn dạy người; do bệnh thành tích trong giáo dục...
Từ thực trạng trên, việc chấn chỉnh không thể một mình ngành giáo dục có thể giải quyết được. Thời gian qua đã có rất nhiều giáo viên bỏ nghề như chúng ta đã biết. Việc trò đánh thầy, phụ huynh đánh thầy cô giáo rồi thầy giáo đánh nhau... không còn là chuyện cá biệt nữa mà phải được xem là vấn nạn.
Vấn nạn này cần được giải quyết từ cả ba phía: nhà trường - gia đình - xã hội. Khi mà lương giáo viên chưa được cải thiện, khi mà việc đổi mới giáo dục đang trong giai đoạn chuyển tiếp như hiện nay quan điểm đúng nhưng điều kiện thực hiện ở chỗ này chỗ kia vẫn còn nhiều vấn đề khiến người thầy giáo bị "bó tay, bó chân" dẫn đến chán nản, buông xuôi. Khi phụ huynh coi thường, không tôn trọng thầy cô giáo của con mình thì làm sao dạy con phải kính trọng thầy cô?
Môn chính - môn phụ
Do bệnh thành tích mà người ta phân biệt môn chính - môn phụ. Trong câu chuyện ở Tuyên Quang, cô giáo dạy môn âm nhạc - môn học mà nhiều người cho là môn phụ. Mà môn phụ thì có thể học sinh không coi trọng giờ học của cô. Mặt khác, người dạy môn phụ cũng có thể có tâm lý bản thân mình không có giá trị khi giảng dạy môn phụ.
Đó cũng là một trong những lý do khiến ngành âm nhạc trong trường sư phạm khó tuyển sinh. Thực tế do nhu cầu nên một số trường phải tuyển giáo viên đôi khi không phải là người đã tốt nghiệp trường sư phạm.
Trong tình trạng như hiện nay, cũng sẽ có trường hợp không thể tìm được việc nào tốt hơn, người ta mới đi dạy trong trường phổ thông. Tức là bất đắc dĩ mới đi dạy. Thế thì khó đòi hỏi những giáo viên này phải yêu nghề, yêu trẻ, có kỹ năng sư phạm...
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng
Bạn có ý kiến gì trước vụ việc nhóm học sinh nhốt, chửi bới, ném dép vào cô giáo? Theo bạn cần làm gì để không còn chuyện đau lòng thế này xảy ra? Ngành giáo dục, nhà trường, gia đình... nên làm gì? Mời bạn gửi ý kiến ở ô Bình luận, hoặc email đến địa chỉ: [email protected]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận