Trường THPT Long Thới (TP.HCM) - nơi cô Châu công tác - Ảnh: P.NG.
Mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online sau khi bị đình chỉ dạy và chuyển sang làm công tác văn phòng, nói với giọng bức xúc: "Một tuần sau khi sự việc xảy ra, nhà trường tổ chức họp hội đồng vào chiều 20-3 nhưng tôi và ban giám hiệu đã không tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, tôi và hiệu trưởng cũng không tìm được tiếng nói chung. Tôi đọc hai bài báo viết về vụ việc. Tôi cũng không muốn đọc, nhưng bạn tôi gọi điện thoại nói “trên báo viết hiệu trưởng đã làm việc với cô và học sinh, cô đã thừa nhận mình có hành vi ném vở và bài kiểm tra của học sinh xuống đất”.
Tôi liền nhắn tin cho hiệu trưởng thắc mắc sao thầy lại trả lời phỏng vấn rằng tôi thừa nhận quăng tập học sinh. Tin nhắn được đánh dấu đã xem nhưng thầy không trả lời".
* Như vậy, qua làm việc với nhà trường, cô đã không thừa nhận mình có hành vi quăng tập học sinh?
- Chắc chắn, trong bản tường trình gửi hiệu trưởng tôi đã khẳng định rằng tôi hoàn toàn không quăng tập hay ném bài kiểm tra của học sinh. Khi đó tôi không giận giữ, không nổi nóng, tôi không có một lý do gì để hành động như vậy cả.
* Thưa cô, vậy cụ thể sự việc diễn ra như thế nào?
- Đầu giờ kiểm tra của lớp 10A4, tôi thu giấy làm bài của các em để ký tên nhằm kiểm tra xem các em có “phao” công thức vào đấy không, sau đó phát lại cho các em làm bài.
Kết thúc giờ, học sinh thu bài theo cột chỗ ngồi. Khi kiểm tra số lượng, tôi phát hiện một xấp nhập 2 đề nên yêu cầu tổ nào thu sai thì lên tách lại và một học sinh nào đó đã lên lấy xấp bài rồi chia thành hai đề nộp lại. Tôi thu bài xong liền ra khỏi lớp, không hề có vấn đề gì để quăng bài kiểm tra của các em cả.
Tôi cũng không hề ném vở học sinh. Gần đến thi giữa kỳ 2, tôi chỉnh đốn lại tác phong học tập của các em. Do lớp trưởng góp ý rằng một số học sinh không chép bài, nên tôi đã thông báo với lớp là sẽ kiểm tra tập bài học đại số của các em.
Ngày đầu kiểm 22 quyển có 3 em chưa chép đủ, ngày thứ hai kiểm tiếp 22 tập thì có 6 học sinh chưa chép đủ. Tôi đã yêu cầu các em mượn tập của những bạn chép đủ và lên bục giảng kế bàn giáo viên để chép tiếp những phần còn thiếu.
Riêng một em học sinh chép bài chậm ngồi bàn một nên tôi cho phép em đó ngồi tại chỗ để chép. Vì em chép khá chậm nên tôi nói trước lớp nếu không chép kịp tại lớp em có thể mang về nhà chép tiếp, khi nào xong thì nộp cho cô. Tôi không thúc ép em đó phải chép đủ trên lớp, không giận dữ gì với em và các em còn lại cả.
Tôi yêu cầu các em còn lại ngồi gần bục giảng ngay vị trí cô dễ nhìn thấy và yêu cầu chép tại chỗ. Tôi chuyển tập cho các em chép xong trong khoảng 10 phút, tôi không hề quăng tập của em học sinh nào.
* Cô thấy như thế nào trước cách xử lý của ban giám hiệu nhà trường?
- Tôi rất buồn vì bị quyết định đình chỉ dạy khi mọi việc chưa rõ ràng. Thực lòng việc dạy dỗ là điều tôi chưa bao giờ muốn buông. Tôi làm tốt nhất là việc dạy học.
* Vậy hiện tại cô mong muốn điều gì?
- Trước mắt tôi sẽ viết đơn khiếu nại gửi đến hiệu trưởng nhà trường và Sở GD-ĐT TP.HCM để hủy quyết định ngừng giảng dạy, chuyển sang làm công tác văn phòng.
Tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và thanh tra sở về làm việc độc lập để tôi được trực tiếp trình bày, được lên tiếng nói vì một số thay đổi trong những ngày qua.
Trước đó, cô hiệu phó họp và thông báo lớp 10A4 ý kiến “hỏi bài cô Châu không giảng”. Tôi biết ý kiến này là đánh vào sự việc cũ của tôi vào năm học trước. Đến chiều 20-3, họp hội đồng, thầy hiệu trưởng thông tin lại là không có ý kiến đó.
Cũng trong buổi họp này, hiệu phó đọc biên bản có đoạn: khi kiểm tra tập chép bài, cô gọi từng bạn lên chỉ chỗ chép thiếu, các bạn mang tập đi chép. Vậy tôi giận giữ, quăng tập, cư xử không đúng trong tình huống nào?
Ngoài ra, tôi được thông báo tiếp là học sinh không nói quăng bài kiểm tra lúc phát bài, mà là đầu giờ kiểm tra cô thu giấy ký tên. Vậy tôi thu giấy ký tên trước giờ kiểm tra, tôi quăng vì lý do gì?
Tôi cũng không đồng tình với cách ban giám hiệu can thiệp ý kiến của giáo viên khi họ được gọi nêu ý kiến, cũng như khi giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 phát biểu rằng học sinh lớp này định viết đơn kiến nghị gì đó về vụ việc liên quan đến tôi thì thầy cho rằng không cần thiết.
Nhưng giờ tôi cũng hết cách, nhà trường không xử lý công bằng, tôi buộc phải khiếu nại lên cấp cao hơn
* Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này.
"Không có ai chống lưng cho tôi như tin đồn"
* Nghe nói trong thời gian bị ngừng giảng dạy tại trường, cô vẫn giảng dạy cho một nhóm học sinh tại nhà. Thông tin này có thật hay không?
- Phải, tôi có dạy một nhóm học sinh tại nhà. Tôi không dạy tại nhà cho những học sinh mà tôi đứng lớp. Các em đến học tôi phần lớn là con em của học trò cũ hoặc người quen gửi gắm. Một số em là học sinh trong trường, các em biết tiếng tôi hoặc là học trò cũ. Phụ huynh giao con cho tôi vì họ tin tưởng tôi, học trò đến học tôi cũng là các em tin tưởng tôi.
* Thưa cô, cũng có tin đồn rằng sau vụ việc tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ và việc cô không giảng bài trong mấy tháng liền, cô vẫn được đứng lớp lại là do có người chống lưng. Thực hư ra sao?
- Nếu có người chống lưng thì đỡ quá, tôi sẽ không bị thê thảm như thế này. Bây giờ muốn phản hồi, muốn khiếu nại quyết định của nhà trường lên sở tôi cũng không biết gửi đến đâu và làm sao để chắc chắn đơn khiếu nại của mình được xử lý. Tôi tin vào sự minh bạch trong quy trình xử lý công việc của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Ông Bùi Minh Bình - hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, TP.HCM.
Đồng thời, Tuổi Trẻ cũng đã có một cuộc trao đổi ngắn với ông Bùi Minh Bình - hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (TP.HCM) - để tìm hiểu thêm về vụ việc.
* Thưa thầy, được biết cô Châu có làm bản tường trình phủ nhận hành vi quăng tập, ném bài kiểm tra của học sinh. Trước đó, trả lời báo chí, thầy có nói rằng thầy đã xác định cô Châu có hành vi này. Thầy đã xác định như thế nào?
- Vụ việc của cô Châu vẫn đang trong quá trình xử lý, khi nào xử lý xong xuôi hết tất cả, nhà trường sẽ báo lại cho Sở GD-ĐT TP.HCM. Bây giờ vẫn chưa nói chính xác được gì.
Sau khi tôi làm việc trực tiếp với cô Châu và học sinh, học sinh đã xác định là cô Châu có hành vi quăng tập, ném bài kiểm tra. Còn về phía cô Châu, tôi phải làm việc thật kỹ càng. Sự việc chưa xong, tôi đang trong hồi giải quyết cho minh bạch, rõ ràng.
* Vậy học sinh đã phản ảnh cụ thể sự việc ra sao?
- Học sinh đã phản ảnh có sự việc đó và các em kết luận có sự việc đó. Đơn giản như vậy thôi.
* "Sự việc đó" là cô Châu đã quăng tập và ném bài kiểm tra?
- Ờ, từ phản ảnh trên tôi phải tìm hiểu lại hành vi của cô Châu. Không phải ở đâu phản ảnh với nhà trường mà tự các em phản ảnh, tôi phải xác minh lại và xác định là có. Còn có gì vướng mắc trong sự việc thì tôi đang tiếp tục làm việc.
Cô Trần Thị Minh Châu do khi lên lớp dạy nhưng không giảng bài suốt mấy tháng liền tại một lớp thuộc khối 12 Trường THPT Long Thới vào đầu năm 2018 đã bị đình chỉ giảng dạy, sau đó bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì vi phạm nghiêm trọng quy định chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Đến đầu tháng 1-2019, cô Châu được ban giám hiệu Trường THPT Long Thới cho đứng lớp giảng dạy trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn cô lại bị học sinh phản ảnh là ném vở và bài kiểm tra của học sinh xuống đất, cô vào lớp dạy nhưng hay cáu gắt, la mắng học sinh... Ngay sau đó, Trường Long Thới đã đình chỉ giảng dạy của cô Châu để xác minh vụ việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận