30/04/2020 08:24 GMT+7

Cô giáo 40 năm bán báo 'nuôi chữ'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Sự kiện ngày 30-4-1975 đất nước sang một trang mới. Ngày đầu thống nhất, cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà đều có sự đổi thay.

Cô giáo 40 năm bán báo nuôi chữ - Ảnh 1.

Cô giáo Vũ Ngọc Ảnh kể chuyện những ngày bán báo “nuôi chữ” cho trẻ em - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cô giáo Vũ Ngọc Ảnh cũng không ngoại lệ: từ hiệu trưởng Trường tư thục Khai Minh, cô được chuyển về Trường tiểu học Dân Trí (quận 1, TP.HCM) làm giáo viên dạy lớp 1 với 54 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, cô giáo Ảnh nở một nụ cười: "Ai cũng hỏi từ hiệu trưởng xuống làm giáo viên dạy xóa mù chữ, học trò có hoàn cảnh đặc biệt cô có buồn không? 

Khi đó, có người gợi ý muốn làm giấy kết hôn bảo lãnh đi nước ngoài, sao cô từ chối? Tất cả chỉ có một câu trả lời: Tôi chọn đồng cam cộng khổ với quê hương mình bởi không ở đâu bằng quê hương!".

Ngày bán báo, đêm dạy "xóa mù"

"Sáng 5-9-1975 - ngày khai trường đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đến trường, kêu gọi, vận động các em học sinh cũ ra lớp để tiếp tục việc học" - cô Ảnh kể.

Trong trí nhớ của cô Ảnh, lương giáo viên những ngày mới giải phóng chỉ 20-30 đồng/tháng cộng với tiêu chuẩn 20kg gạo đỏ. Gạo không đủ nấu thì mua bo bo, khoai mì độn thêm. Ban ngày đứng lớp phổ thông, ban đêm cô tham gia dạy xóa mù chữ và bổ túc văn hóa.

Kinh tế khó khăn, cô nghĩ cách xin mở sạp báo để vừa có báo đọc cập nhật thêm thông tin kiến thức phục vụ việc dạy học, vừa có thể kiếm chút tiền. Nhờ sự ủng hộ của địa phương và cơ quan, năm 1978 cô Ảnh mở được một sạp báo nhỏ ngay ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ. 

Sạp đóng bằng gỗ tạp, có che mấy miếng tôn. Hằng đêm, khi dạy xong lớp học xóa mù, cô Ảnh ra sạp báo nằm co ro chợp mắt đến tầm 2h sáng thì trở dậy đi lấy báo. Đó là những chuỗi ngày đầy vất vả thức khuya dậy sớm.

Cô kể: "Xúc động nhất là những năm mới giải phóng, dù đời sống khó khăn nhưng người dân TP.HCM rất thích đọc báo. Báo chí tuy không nhiều bằng bây giờ nhưng cũng khá đa dạng. Bán đắt hàng nhất vẫn là báo Tuổi Trẻ. 

Thời gian đầu, cơ chế phân phối còn khó khăn, muốn có báo Tuổi Trẻ để bán không phải dễ. Tôi phải huy động cả nhà ra xếp hàng mua từng tờ, "tranh thủ" lúc người phân phối báo không để ý thì mình mua xong rồi lại vòng ngược vô xếp hàng mua nữa. Cứ vậy mỗi đêm mua được vài chục tờ Tuổi Trẻ đem về sạp bán lẻ".

Cũng theo cô Ảnh, về sau cô được đăng ký mua báo Tuổi Trẻ dưới danh nghĩa trường bổ túc văn hóa - lúc đó mới mua được nhiều hơn. Từ sạp báo nhỏ, tạm bợ mà một người nằm không đủ duỗi thẳng chân, thấy buôn bán khá, cô xin được mở rộng sạp thêm một chút. 

"Nhờ bán báo Tuổi Trẻ gia đình tôi mới đủ ăn, có thêm tiền cưu mang, giúp đỡ học sinh nghèo trong những ngày gian khó nhất" - cô bồi hồi nhớ.

Khi Nhà nước có chủ trương giải tỏa để xây cầu Nguyễn Văn Cừ, cô "di dời" sạp báo về tận nhà trong con hẻm nhỏ, chính thức trở thành đại lý bán báo Tuổi Trẻ đến năm 2011. 

Từ năm 2011, dù không còn duy trì sạp báo nhưng vì nhớ nghề tay trái, cô Ảnh vẫn bắc chiếc bàn nhỏ, bày vài chục tờ báo bán lẻ ở chân cầu Nguyễn Văn Cừ. Cô còn đi bỏ mối báo cho những khách quen, mãi đến năm 2017 mới chịu giã từ "nghiệp bán báo" do tuổi cao.

Ca vọng cổ, nấu chè "dụ" học trò đi học

"Ở phường Cầu Kho, quận 1, cứ nói đến tên các công dân trong diện mù chữ - phổ cập tiểu học là cô Vũ Ngọc Ảnh có thể kể vanh vách địa chỉ ở đâu, hoàn cảnh gia đình thế nào... 

Các tối thứ hai, tư, sáu, dù mưa gió, cô cũng đi một vòng các lớp phổ cập để nắm sĩ số. Lớp nào còn chưa yên, cô ngồi lại để ổn định, thấy êm êm lại chạy qua các điểm khác.

Có lúc cô ngồi tỉ tê hàng giờ khuyên nhủ cậu học trò khăng khăng đòi nghỉ học. Hay có lúc cô hát vọng cổ theo yêu cầu học sinh. Chẳng phải sáu câu vọng cổ của cô giáo - đã là bà ngoại - còn đủ sức quyến rũ những học trò mê cải lương, mà chính tấm lòng của cô đã giữ các em ở lại với lớp...".

Đó là một đoạn trong bài viết về cô Ảnh đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4-1-1996. Sau 18 năm bán báo, lần đầu tiên cô Ảnh thành nhân vật trên báo. Đến năm 1998, một lần nữa cô Ảnh xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ trong bài viết về những chiến sĩ thầm lặng xóa mù chữ. 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên cô xuất hiện trên báo thời kỳ đó. Ngay từ năm 1983, nhờ tấm lòng với học sinh nghèo và những nỗ lực không mệt mỏi, cô Ảnh đã là nhân vật của báo Sài Gòn Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM - trong bài viết "Cô giáo Ảnh với những em nghèo thất học".

Lại kể chuyện sau ngày giải phóng, từ năm 1975-1980 cô Ảnh vừa dạy phổ thông ban ngày vừa tham gia xóa mù chữ, phổ cập ban đêm. Hè năm 1980, Phòng giáo dục quận 1 tuyển giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa, cô Ảnh tình nguyện nhận nhiệm vụ.

Nhiệm vụ mới đưa cô tiếp cận nhiều hơn với những hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Ảnh lặn lội, bỏ công "làm quen", tìm hiểu từ em làm thuê, bán cà rem, trái cây dạo. Cô tìm mọi cách giúp người đi học. 

Người nào bận làm ca đêm thì cô đưa sách, bài tập đến tận nhà, hẹn hôm sau đến thu bài, chấm sửa tại chỗ. Những học sinh chịu đến lớp thì phải ráng tạo tình thân với các em bằng nhiều cách như kể chuyện đời xưa, ca cải lương, vọng cổ, kéo các em về nhà nấu chè đãi...

Bà Lê Thị Hà - tổ trưởng Hội phụ nữ thuộc khu phố 6, phường Cầu Kho, quận 1 - cho biết: "Những năm 1980-1983, cô giáo Ảnh từng cưu mang những em học sinh nghèo bị cha mẹ bỏ rơi, phải làm khuân vác ở cảng 6 Bến Chương Dương về nhà mình cho ăn cơm, tắm rửa, cắt móng tay, cho quần áo, tập viết, sách vở để các em tới lớp". 

Cũng trong năm 1983, được sự giới thiệu của UBND TP.HCM, đoàn làm phim tài liệu của Đức và Nhật đến trường nơi cô Ảnh công tác để làm phim với chủ đề: "Sau giải phóng, trẻ em Việt Nam nghèo khó nhưng vẫn được học hành".

Năm 2000, cô Ảnh về hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác khuyến học ở địa phương đến tận bây giờ. Cô Ảnh không nhớ hết hàng ngàn học sinh nghèo, cơ nhỡ đã được cô dìu dắt, mang tới ánh sáng văn hóa, nhưng cô rất vui khi biết trong số đó có nhiều em đã thành đạt, có sự nghiệp và gia đình hạnh phúc.

74 tuổi đời, 25 năm miệt mài dạy phổ cập, 20 năm hưu trí tận tâm với công tác khuyến học, cô Vũ Ngọc Ảnh từng được nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bằng khen của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM, gương người tốt việc tốt cấp TP, công nhân viên chức giỏi việc nước đảm việc nhà, gương điển hình dân vận khéo, gương điển hình học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... 

Khi hỏi điều gì khiến cô tự hào nhất, cô kể đó là lần được cùng các điển hình tiêu biểu đến thắp nhang trước tượng đài Bác Hồ. Cô đã khóc và hứa trọn đời theo gương Bác. "Nhìn lại chặng đường đã qua, đến giờ phút này, tôi hạnh phúc vì được sống có ích. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn như 45 năm về trước" - cô tâm sự.

"Tôi sinh trưởng trong một gia đình nghèo ít học. Mẹ tôi không biết chữ, còn cha tôi không dạy tôi làm được bài toán chia, không viết nổi bài cảm tưởng để đọc trước khán đài khi tôi được tuyên dương là nữ sinh gương mẫu cấp tỉnh. Vì thế, với những người mù chữ, tôi có niềm cảm thông rất lớn.

Ngày nhỏ, vì hoàn cảnh riêng, tôi sống với ông bà ngoại. Cuộc sống vất vả, tôi phải thức khuya, dậy sớm, xay lúa, giã gạo mới được đi học, nên tôi thương mến những người đồng cảnh ngộ với mình.

Vì lẽ đó nên ngày đầu TP.HCM được giải phóng, tôi không sợ cực, không ngại khó, hăng say ở lại TP dạy xóa mù, dạy phổ cập đến tận ngày nay" - cô giáo Vũ Ngọc Ảnh nói.

Người "nhóm lửa" phong trào heo đất khuyến học

vungocanh 1

Cô giáo Vũ Ngọc Ảnh trước sạp báo những năm đầu thống nhất - Ảnh: tư liệu

Năm 2000, cô Vũ Ngọc Ảnh được bầu làm phó chủ tịch Hội khuyến học phường Cầu Kho, quận 1.

Cô đưa ra sáng kiến nuôi heo đất giúp học sinh nghèo. Cô đi mua heo đất, đóng dấu hội khuyến học, đến gửi từng nhà rồi tỉ tê: "Con heo tui gửi cô bác đã mập sẵn rồi, đừng lo phải nuôi nó, mà chừng nào có dư chút tiền lẻ thì bỏ cho nó thôi".

Đến ngày mổ heo, cô mời đông đủ giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục đến chứng kiến, công khai số tiền thu được và trao luôn phần thưởng cho học sinh nghèo. Từ cách làm sáng tạo của phường Cầu Kho, phong trào lan ra các phường khác.

Đến năm 2007, phong trào chính thức được Hội khuyến học TP.HCM phát động toàn TP và có sức sống đến tận hôm nay.

Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn trong những ngày lịch sử Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn trong những ngày lịch sử

TTO - Ngày 29-4, trong những ngày rộn ràng hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một tour du lịch đặc biệt “Theo dấu ấn Biệt động Sài Gòn” đã ra mắt, với 16 vị khách đầu tiên có những trải nghiệm đáng nhớ.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp