Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây công bố kết quả phân tích mẫu vật thu thập từ tiểu hành tinh Bennu, mở ra manh mối về sự hình thành Hệ Mặt trời và nguồn gốc sự sống trên Trái đất.
Khoang chứa mẫu vật tiểu hành tinh Bennu đáp xuống sa mạc Utah (Mỹ) vào ngày 24-9. Trước đó, các nhà khoa học đã mất đến 7 năm để thực hiện dự án đưa tàu vũ trụ OSIRIS-REx thăm dò các tiểu hành tinh và mang những mẩu vật chất trở về Trái đất phục vụ mục đích nghiên cứu.
Mẫu vật mà tàu OSIRIS-REx mang về đến từ tiểu hành tinh 4,6 tỉ năm tuổi, nặng 250g. Đây là mẫu vật tiểu hành tinh thứ 3, đồng thời là mẫu vật lớn nhất từng được thu thập.
Tại sự kiện diễn ra ở Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc thành phố Houston, bang Texas, giám đốc NASA, ông Bill Nelson cho biết mẫu vật nói trên chứa lượng lớn carbon và nước. Đây là những nguyên tố vô cùng cần thiết cho sự sống trên Trái đất.
Mẫu vật được công bố bao gồm một số viên đá nhỏ màu than, sỏi và bụi mịn vương vãi. Đội ngũ kỹ thuật viên NASA dự kiến việc tìm hiểu lượng lớn mẫu vật còn lại (nằm bên trong khoang chứa) sẽ mất khoảng 2 tuần nữa.
Ông Dante Lauretta từ Đại học Arizona, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết lượng carbon lên đến 5% tổng trọng lượng của mẫu vật. Ngoài ra còn có một số phân tử nước ẩn trong cấu trúc tinh thể của khoáng sét.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy các khoáng chất ở dạng sắt sulfide và sắt oxit. “Điều này có nghĩa là chúng được hình thành trong môi trường giàu nước”, ông Dante cho biết thêm.
Phát hiện này củng cố giả thuyết rằng các thành phần nguyên thủy cho sự sống trên Trái đất đến từ các thiên thể như sao chổi, tiểu hành tinh và thiên thạch.
Theo báo The Guardian, NASA đã gọi mẫu vật Bennu là “kho báu cho phân tích khoa học”, kết quả phân tích mẫu vật đã vượt xa những gì họ mong đợi.
NASA công bố mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu - Nguồn: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận