Vladmir Putin - Ảnh: TASS
Đó là tiết lộ của Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitri Peskov. Chủ nhật 6-5 cũng là ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 của ông Putin.
"Tổng thống có một loạt sự kiện làm việc lên kế hoạch cho buổi trưa và chiều ngày Chủ nhật. Đó là các cuộc họp kín nội bộ" - ông Peskov thông báo nhưng không nói rõ ông Putin sẽ gặp những ai.
Nếu theo thông lệ các năm 2000 và 2004, ngày 6-5 ông Putin sẽ gặp lãnh đạo Ủy ban Bầu cử Nga và được trao chứng nhận Tổng thống trong tư cách người chiến thắng cuộc bầu cử.
Ngày mai (thứ Hai, 7-5) lễ nhậm chức của ông Putin sẽ được tổ chức long trọng tại thủ đô Matxcơva. Tính chung, ông Putin đã 4 lần đắc cử tổng thống.
Ông Putin sẽ giữ ghế quyền lực cho đến ngày 7-5-2024. Theo Hiến pháp, ông sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử vào năm đó.
Ông Peskov cho biết kịch bản lễ nhậm chức của ông Putin đã được vạch ra chi tiết và không có thay đổi nào lớn so với những lần trước.
Chiếc xe chuyên dụng chở Tổng thống Nga - Ảnh: TASS
Ngoài ra, đại diện Điện Kremlin cũng giải thích tại sao có thông tin nói ông Putin sẽ không dùng xe nghi thức chuyên dụng trong lễ nhậm chức năm nay.
"Đừng quên rằng lần trước Tổng thống di chuyển từ tòa nhà chính phủ sang Điện Kremlin (do khi đó ông giữ chức Thủ tướng dưới quyền ông Medvedev). Còn bây giờ việc di chuyển đó không cần thiết nữa. Xe chuyên dụng vẫn sẽ được xài nhưng đó chỉ mang tính nghi thức" - ông Peskov nói.
"Kịch bản nhậm chức đa phần giống với nghi thức truyền thống lâu nay" - ông chốt lại.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 18-3 vừa qua, với vai trò ứng viên tự do, ông Putin vẫn giành chiến thắng áp đảo vì gần như không có đối thủ xứng tầm.
Thông báo của Ủy ban Bầu cử trung ương Nga cho biết với kết quả kiểm 99% số phiếu bầu, ông Putin đã giành được 76,65% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống Nga. Đứng thứ 2 là ứng cử viên đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin giành được 11,82% số phiếu, đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky đứng vị trí thứ 3, với 5,68% số phiếu.
Tỉ lệ ủng hộ cao cho thấy mức độ tin tưởng của cử tri Nga dành cho nhà lãnh đạo của mình trong bối cảnh nước Nga phải chịu nhiều áp lực chưa từng thấy từ bên ngoài.
Hãng tin AFP cho rằng trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin sẽ hiện thực hóa những cam kết mà ông từng nhiều lần khẳng định, đó là khôi phục nền kinh tế của Nga.
Theo đó, ông sẽ phải tập trung giải quyết 5 thách thức kinh tế. Trước tiên, Nga cần cải thiện tình trạng thiếu nhân lực - vấn đề tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước này. Hiện nay, dân số của Nga là khoảng 146,9 triệu người, ít hơn 5 triệu người so với thời điểm năm 1991 do hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) cùng Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (giữa) thăm trung tâm phát thẻ hoạt động World Cup tại Sochi, ngày 3-5. Việc tổ chức thành công vòng chung kết Giải World Cup được kỳ vọng sẽ tạo cú hích kinh tế cho Nga nhưng nó đang bị phủ bóng vì một số đe dọa tẩy chay do khủng hoảng ngoại giao - Ảnh: REUTERS
Không chỉ thiếu lực lượng lao động, Nga còn phải đối mặt với gánh nặng lương hưu đang ngày càng lớn đối với ngân sách liên bang dù mức lương hưu khá thấp. Hiện tuổi nghỉ hưu ở Nga là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.
Theo ông Chris Weafer - người sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory, Nga cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm bớt tình trạng quan liêu.
Chuyên gia này cũng cho rằng để giảm phụ thuộc vào năng lượng, Nga nên đa dạng hóa nền kinh tế, cụ thể là đầu tư vào các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh nhỏ, cũng như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như robot, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo.
Ông Weafer nhận định Nga cũng cần khắc phục tình trạng kém hiệu quả của nền kinh tế nước này, trong đó ngành công nghiệp cần phải hiệu quả và đổi mới hơn.
Giáo sư Dmitri Evstafiev của Trường Kinh tế cao cấp Matxcơva, cho rằng trước năm 2018, hoạt động đầu tư của Nga đã bên bờ vực suy thoái. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là Nga cần xây dựng một quy trình đầu tư ổn định trong nước.
Để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước thì cần tạo ra các điều kiện và cơ chế hợp lý hơn. Theo chuyên gia này, ưu tiên thứ hai trong trọng tâm của chính sách xã hội nhiệm kỳ Tổng thống mới của ông Putin là nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận