Một khách tham quan tại Triển lãm nhóm Hiện thực - Ảnh: TIẾN VŨ
Chủ nghĩa hiện thực vốn được coi như một ngôi đền thiêng trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng và hội họa nói chung. Trong suốt quá trình phát triển của mình, hội họa hiện thực đã cho thấy sự phong phú khi biên độ biểu đạt nghệ thuật ngày càng rộng, mới mẻ và lôi cuốn.
Chính từ hiện thực mà các trào lưu, quan niệm và bút pháp khác được sinh ra. Tuy nhiên, theo họa sĩ trưởng nhóm Phạm Bình Chương, hiện thực lại không phải là môn học bắt buộc tại các trường chuyên nghiệp mỹ thuật ở Việt Nam nên phần lớn, người vẽ phải tự mày mò, nghiên cứu lấy.
Sự tự học này như con dao hai lưỡi. Nó giúp người vẽ có được sự tập trung, tĩnh tâm cùng các phát kiến riêng nhưng nó cũng khiến người ta thiếu đi sự chia sẻ, giao lưu nên đôi khi dẫn đến chán nản, bế tắc.
Cuối năm 2014, nhóm Hiện thực ra đời bởi hai họa sĩ Mai Duy Minh và Trịnh Minh Tiến.
Với mục đích tập hợp các họa sĩ có phong cách khác nhau (hiện thực, siêu thực, cực thực…) thành một nhóm, đây là nơi để các họa sĩ học hỏi, sáng tác, chia sẻ với nhau về tri thức lịch sử mỹ thuật hay các ngành liên quan như văn học, triết học… từ đó tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên có thể trưởng thành và vững vàng trên con đường hội họa mà họ lựa chọn.
Tính đến nay, nhóm đã thực hiện được 3 lần triển lãm. Lần đầu tiên vào vào tháng 12-2015, lần hai là tháng 12-2017 cùng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và lần triển lãm hiện tại đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM.
Các thành viên nhóm Hiện thực gồm có: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức, Vũ Ngọc Vĩnh.
Tác phẩm Đêm của Mai Duy Minh đậm đặc sự u hoài, nuối tiếc và cô đơn. Anh có biệt tài diễn tả thứ ánh sáng ma mị, ám ảnh... khiến phố trong tranh mang nhiều tâm sự với những đối tượng bình dị được nâng lên thành biểu tượng.
Tác phẩm Đàn chim trở về của họa sĩ Lê Cù Thuần. Anh hiện đang sinh sống và làm việc tại Tuyên Quang. Có thể nói đề tài dân tộc vừa là thế mạnh, vừa là sự thúc đẩy tự thân trong cảm xúc của người họa sĩ này.
Với mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật tại TP. HCM những cảm nhận, sự thưởng thức thú vị về tranh hiện thực, các thành viên đã cùng nhau trải qua nhiều vất vả để có thể làm nên một buổi triển lãm có quy mô lớn và cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhóm.
Hơn 70 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, màu nước, acrylic cùng sự chuẩn bị kỹ càng, công phu, mỗi họa sĩ đã có dịp giới thiệu đến khách tham quan những khoảng trời sáng tạo riêng của từng người với điểm tựa chung là hiện thực.
Đó có thể là những rung cảm về mảnh đất nơi mình sinh sống, là những trải nghiệm bản thân về thời cuộc, gia đình, tuổi thơ, những niềm vui, mất mát hay cũng có thể là góc nhìn quen thuộc về những con gà, con ngan, gốc lúa, nhành khoai với tất cả sự nâng niu, trìu mến.
Có lần tôi thuê một ông đạp xích lô làm mẫu. Đến phòng tranh của tôi, ông ấy cứ đứng tần ngần mãi trước bức Gia đình xích lô. Giờ nghỉ mẫu, ông ấy thường lấy một cốc trà đá với gói thuốc lá ra rồi ngồi đó ngắm mãi, dường như không thấy chán. Tôi hỏi ông ấy tại sao thì ông ấy bảo “Gia đình trong bức hình ấy giống với gia đình của anh quá. Nó làm anh nhớ đến những ngày nhà anh không còn vữa để trát nhà, chỉ xếp gạch lên tạm bợ. Đến đêm gió thổi lạnh buốt, con khóc mà anh không biết phải làm gì. Nếu sau này anh có tiền, anh rất muốn mua lại bức tranh này của em”. Hai năm sau thì người đạp xích lô ấy qua đời vì quá lao lực nuôi gia đình. Và đôi khi tôi cảm giác đời nghệ thuật của mình, chỉ cần một khán giả như thế là đủ.
Họa sĩ Mai Duy Minh - Phó trưởng nhóm Hiện thực
Khá đông khách đến tham quan triển lãm vào sáng 15-11 - Ảnh: TIẾN VŨ
Họa sỹ Mai Duy Minh, phó trưởng nhóm Hiện thực chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về cảm xúc của anh khi lần đầu cùng nhóm tổ chức triển lãm tại TP.HCM và tiếp xúc với khán giả yêu hội họa miền Nam:
"Tôi thực sự xúc động và ngỡ ngàng về tình cảm trân quý của khán giả đối với các tác phẩm tại triển lãm của nhóm Hiện thực lần này.
Nhóm chúng tôi hoàn toàn chưa có sự hiểu biết kỹ càng về hoạt động trưng bày mỹ thuật tại TP.HCM, ví dụ đơn giản như việc triển lãm khai mạc vào lúc 17h30 là không nên bởi nó hoàn toàn lệch với múi giờ phù hợp của khán giả là 10h sáng.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những bỡ ngỡ đó thì với chúng tôi, đây là triển lãm mà trình độ của anh em trong nhóm tiến bộ và thể hiện rõ nét nhất. Đa phần tất cả các tranh được trưng bày đều mới tinh và được sáng tác trong vòng hai năm trở lại đây. Điều đó cho thấy sự phát triển của từng cá nhân trong nhóm và tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau".
Tác phẩm Thánh đường trong cơn mưa được sơn trên nắp capo của Trinh Minh Tiến - Ảnh: TIẾN VŨ
Chị Phan Thị Bích Ngọc, một người kinh doanh độc lập tại TP.HCM chia sẻ ngay từ khi biết nhóm Hiện thực sẽ tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP, chị đã rất háo hức và đợi đến ngày xem tận mắt từng bức tranh hiện thực đến từ những đôi bàn tay thuần Việt:
"Tôi thích kỹ thuật mà các họa sĩ của nhóm Hiện thực thể hiện qua tác phẩm của họ. Tôi cũng từng tìm hiểu về những trường phái khác như Ấn tượng, chúng có vẻ choáng ngợp nhưng khá thương mại. Còn tranh Hiện thực đòi hỏi rất nhiều sự tìm tòi, nghiên cứu để có thể thai nghén nên một tác phẩm.
Tôi thích những bức tranh có sự cân bằng giữa kỹ thuật và cảm xúc, đặc biệt là kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp. Tôi tìm thấy điều này khi thường thức tranh của nhóm Hiện thực. Đây là một kỹ thuật khó mà các bạn họa sĩ đã tự tìm tòi bởi vì Việt Nam mình chưa có nơi nào giảng dạy".
Tác phẩm Trong mưa của họa sĩ Trịnh Minh Tiến. Tranh là những giá trị xưa cũ như nhà thờ, các điêu khắc cổ đình, chùa nhưng lại có tinh thần vô cùng mới mẻ, gợi nhiều liên tưởng qua cách xử lý ngôn ngữ, chất liệu thông minh, thú vị.
Tuổi Trẻ Online khảo sát về cảm nhận, đánh giá của một số khách tham quan và không phải ai cũng "ngả mũ" trước tài năng của các họa sĩ Việt.
Ông Phan Văn Đức, một doanh nhân tại TP.HCM sở hữu kha khá tranh hiện thực cho biết ông vẫn không thích cách các họa sĩ trẻ bây giờ thể hiện lại thế giới xung quanh, nét vẽ của một bộ phận còn thiếu đi cái hồn mà những họa sĩ Đông Dương (cách gọi tên những họa sĩ thế hệ trước từng theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương 1925-1938) luôn thổi được vào tác phẩm của mình.
Họa sĩ Mai Duy Minh chia sẻ thẳng thắn về đánh giá này: "Mình tôn trọng cảm nhận của khán giả. Rõ ràng, trình độ thể hiện trong hội họa là vấn đề không phải một sớm một chiều các bạn họa sĩ trẻ đạt được.
Tuy nhiên, các họa sĩ Đông Dương ấy vẫn chưa là tiêu chuẩn cuối cùng, họ cũng không hề là cái bóng quá lớn mà thế hệ trẻ không thể vượt qua được. Những sự cố gắng và thành quả lao động nghệ thuật của các họa sĩ thời nay đạt rất đáng được khích lệ và tôn trọng".
Góc phố quen - Phạm Bình Chương. Vốn được biết đến là họa sĩ tiên phong vẽ về phố Hà Nội với bút pháp tả thực, tranh của Phạm Bình Chương mang đến cho người xem những góc phố của một Hà Nội xưa cũ hiện lên trong hoài niệm mang những trạng thái riêng, tâm tình riêng.
Ngóng đợi - họa sĩ Nguyễn Văn Bảy. Tranh của Văn Bảy luôn chỉn chu nhưng vẫn nồng nàn cảm xúc với những góc nhìn quen thuộc trong đời sống thường nhật của nhân dân lao động.
Triển lãm nhóm Hiện thực tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khai mạc 17h30 ngày 14-11 và kết thúc ngày 20-11. Đây cũng chính là lần triển lãm có số lượng tác phẩm nhiều nhất, quy mô nhất của nhóm từ trước đến nay.
Một số tác phẩm khác được trưng bày tại triển lãm:
Buổi sáng nhà cô Páo - Nguyễn Lê Tân
Ở nhà một mình - Nguyễn Đình Duy Quyền
Cô gái với chiếc lông ngỗng - Vũ Ngọc Vĩnh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận