08/01/2022 15:30 GMT+7

Có gì mà phải tranh cãi việc ‘mang tiền về cho mẹ’ hay không?

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - 'Tôi nghe bài rap mà nước mắt cứ chảy ra, thèm cảm giác nâng niu, dành dụm được chút tiền rồi Tết về tự tay biếu mẹ để lo Tết cho cả nhà. Năm nay vì dịch nên tôi cũng không về được, nhưng chắc chắn sang năm tôi sẽ về quê' - chị Nữ tâm sự.

Có gì mà phải tranh cãi việc ‘mang tiền về cho mẹ’ hay không? - Ảnh 1.

Đen Vâu trong MV Mang tiền về cho mẹ - Ảnh: fanpage Đen Vâu

Bản rap Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu sau 10 ngày lên YouTube đã nhận được hơn 27 triệu lượt nghe/xem. Tuy nhiên, thông điệp "mang tiền về cho mẹ" cũng tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi.

Hãy đặt vào cả bài hát

Bên cạnh nhiều lời khen đây là một bài rap chạm đến cảm xúc của nhiều lứa tuổi, cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng "mang tiền về cho mẹ" là áp đặt và thực dụng. Thậm chí có người còn cho rằng đây là một "lời kêu gọi biến chất" làm mất đi hình ảnh thiêng liêng của tình mẫu tử.

Trước những tranh cãi về chủ đề "mang tiền về cho mẹ", chị Đoàn Thị Thu Hiền (21 tuổi) cho biết mình đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần bản rap này và nhận thấy không có vấn đề gì đáng tranh cãi. Hiền cho rằng có thể thời điểm ra đời của bài hát rơi vào một năm dịch bệnh khó khăn, người nhạy cảm sẽ thấy chạnh lòng.

"Nhưng khi nhận xét, đánh giá một câu từ trong lời bài hát cũng nên xem xét cả bài hoặc cả đoạn. Cắt mỗi cụm "mang tiền về cho mẹ" rồi tranh cãi thì hơi phiến diện. Hãy chú ý thêm cả vế sau nữa "đừng mang ưu phiền về cho mẹ"" - Hiền nói.

Về câu hỏi có nên "mang tiền về cho mẹ không?", Thu Hiền cho rằng có mang tiền về cũng là điều hiển nhiên và bình thường, là sự báo hiếu của con cái đối với cha mẹ mình dù ít dù nhiều. Như Hiền những năm sinh viên đang đi học, vẫn cố gắng giành được học bổng, tiền làm thêm bỏ ống heo cuối năm về "lì xì" cho cha mẹ.

Có gì mà phải tranh cãi việc ‘mang tiền về cho mẹ’ hay không? - Ảnh 2.

Trong MV, dù hình ảnh người mẹ được hiện lên không quá đủ đầy vật chất nhưng vẫn luôn vui vẻ, yêu đời bởi biết rằng con ở nơi xa biết tự lo cho mình - Ảnh: Chụp từ MV Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về là thực tế

Xoay quanh quan điểm "mang tiền về cho mẹ" là thực dụng, anh Nguyễn Nhật Minh (37 tuổi) cho rằng những người phản đối việc mang tiền về cho mẹ có thể phần nhiều gia đình họ khá giả, ba mẹ có của ăn của để hoặc lương hưu nên họ không bận tâm lắm đến việc phụng dưỡng về vật chất, nên cảm thấy "mang tiền về" là thô.

Theo anh Minh, với những cha mẹ ở quê, không có điều kiện, khi con mang tiền về thì lấy đó để lo chi phí sinh hoạt, thuốc men… đó là cái hiếu của con cái. "Tiền" được mang về xuất phát từ tâm người mang, gia đình không áp lực thì "mang tiền" là mang món quà ý nghĩa và thực tế. Như đoạn đầu MV Mang tiền về cho mẹ có đoạn người con gọi điện thoại về cho mẹ, người mẹ nói nhà không thiếu thứ gì, đừng mua gì cả, đó là suy nghĩ chung của các bậc cha mẹ, sợ con mua sắm tốn kém.

"Cha mẹ ở quê cũng không mong con mang tiền về đâu. Mỗi năm về Tết, chúng tôi mỗi đứa dù đã có gia đình hay chưa cũng đều biếu ba mẹ chút ít dù ba mẹ có lương hưu. Mẹ dùng số tiền đó để lo sắm Tết rồi lo bữa cơm hằng ngày, may cái áo mới cho ba, lì xì cho các cháu đầu năm… Và đặc biệt khi cầm những đồng tiền con đưa, tôi biết mẹ cảm thấy an tâm và hạnh phúc lắm. Vì mẹ tin chúng tôi ở đất khách quê người có việc làm ổn mới dư ra chút tiền cuối năm về cho mình", anh Minh bày tỏ.

Có gì mà phải tranh cãi việc ‘mang tiền về cho mẹ’ hay không? - Ảnh 3.

Không chỉ là "ông này bà nọ" mới có tiền mang về cho mẹ, kể cả những đứa con đang chật vật với cuộc sống nhưng khi kiếm được đồng "tiền tốt" thì vẫn mong được dành chút ít mang về cho mẹ mình - Ảnh: Chụp từ MV Mang tiền về cho mẹ

Có thể thấy Mang tiền về cho mẹ không chỉ chạm đến trái tim các bạn trẻ, mà bất cứ ai mỗi khi nghe đều thấy mình trong đó, từ sai lầm đến thành công, từ những việc mình đã làm được và chưa làm được để báo hiếu cha mẹ.

Chị Trần Thị Tố Nữ (34 tuổi) cho biết chị quê Quảng Trị, vào TP.HCM làm ăn, rồi lấy chồng ở đây. Đã 7 năm rồi vợ chồng chị chưa về quê ngoại, mà chỉ về quê chồng ở gần mỗi dịp Tết. Cuối năm, chị lại gửi về cho ba mẹ 2-3 triệu đồng lo Tết nhưng bị "ăn mắng".

"Mẹ tôi bảo ba mẹ chỉ cần tụi con không đau ốm, ráng làm kiếm tiền thu xếp được về thăm quê, chứ đừng có gửi tiền về làm gì. Thế mới thấy, "mang tiền về" ý nghĩa hơn gửi tiền về. Tôi nghe bài rap mà nước mắt cứ chảy ra, thèm cảm giác nâng niu, dành dụm được chút tiền rồi Tết về tự tay biếu mẹ để lo Tết cho cả nhà. Năm nay vì dịch nên tôi cũng không về được, nhưng chắc chắn sang năm tôi sẽ về quê" - chị Nữ tâm sự.

Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, song đa phần nhận định vấn đề này nên nghĩ đơn giản, nghĩ chữ "tiền" không chỉ theo nghĩa đen.

Bạn đánh giá thế nào về thông điệp qua lời bài hát "Mang tiền về cho mẹ"? Tết này bạn dự định làm gì để cha mẹ hạnh phúc? Mời bạn gửi bài viết về địa chỉ mail [email protected]. Bài viết dưới 1.000 chữ, có ảnh phù hợp. Bài được chọn đăng có nhuận bút. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Giới trẻ thấy mình trong Giới trẻ thấy mình trong 'Mang tiền về cho mẹ' của Đen Vâu

TTO - Thoạt nghe có vẻ khó khăn, nhưng người trẻ vẫn luôn muốn được 'mang tiền chứ không mang phiền cho mẹ' với những chia sẻ vô cùng cảm động.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp