Em Nguyễn Ngọc Lan Hương (phải) và Đoàn Nguyễn Minh Phú - học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Người mẹ khiếm thị và con gái
"Con không có ba, hiện con sống với mẹ. Mẹ con không nhìn thấy đường. Mẹ con làm nghề mát-xa để nuôi con đi học" - Nguyễn Ngọc Lan Hương, học sinh lớp 3/1 trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM) bắt đầu như vậy về hoàn cảnh của mình.
Con thấy mẹ như vậy con thương mẹ nên con ráng học. Hồi trước con còn phải để cho mẹ la, nhắc nhở nhưng giờ con cố gắng chăm học".
Bé Lan Hương
Chị Nguyễn Ngọc Phụng - mẹ của Lan Hương trước đây là trẻ mồ côi lớn lên từ mái ấm. Một lần bị sốt phát ban, đôi mắt của chị mờ hẳn rồi không còn nhìn thấy gì. Sống cùng với các anh chị em khiếm thị khác, chị Phụng được dạy nghề mát-xa và gắn bó với công việc này để mưu sinh, kiếm sống.
Cuộc sống đơn độc không người thân thích, sự có mặt của cô con gái Lan Hương đã giúp chị có động lực để sống, để làm việc - dù chị mãi mãi không biết được gương mặt con ra sao.
Đưa tay vuốt mái tóc của con gái, chị Phụng cho biết: "Sau này mà không còn mẹ, con cũng chỉ có một mình. Mình đã không được đi học tới nơi tới chốn rồi, giờ mình phải ráng lo cho con để sau này nó có thể tự đi làm nuôi sống bản thân được".
Hiện nay, mẹ con chị Phụng sống ở quận 12. Hằng ngày, chị đi làm ở cơ sở mát-xa người mù ở quận Gò Vấp từ 8g sáng đến 22g đêm. Mỗi tháng chị kiếm được từ 3-4 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền ấy chỉ đủ để trả tiền đi lại của hai mẹ con. "Mình không thấy đường nên hằng ngày đi làm hoàn toàn bằng xe ôm. Mình cũng phải nhờ xe ôm để đưa rước con đi học hằng ngày" - chị Phụng nói.
Hỏi chị lấy tiền đâu để trang trải ăn uống, chi phí cho cuộc sống của hai mẹ con, chị thật thà: "Mình làm nghề này cũng hên xui, có khi khách thương thì cho thêm tiền bo, tiền ấy dùng để ăn uống. Còn tiền học của bé, nhà trường thấy hoàn cảnh của mình nên cũng miễn cho nhiều khoản".
Chị Phụng bảo ngày Hương còn nhỏ, chị rất vất vả vì một mình tự chăm sóc lo cho con với đôi mắt không thấy đường, nhưng giờ con lớn thì gia đoạn vất vả nhất cũng qua rồi. "Có con là động lực để mình cố gắng, chứ hồi xưa có mỗi một mình, làm hoài cũng mệt cũng nản. Giờ thì mình đói được chứ con đói tội nghiệp con" - chị Phụng bộc bạch.
Mẹ đi làm từ sáng đến tối mịt, Lan Hương sáng đi học ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi, chiều em được mẹ gửi vô một trường sơ để các sơ trông coi giúp. Thương mẹ, Lan Hương sau giờ học thường lau nhà, quét nhà, rửa chén giúp mẹ.
Em cũng là đôi mắt của mẹ để mẹ nhờ bất cứ gì, Hương cũng nhanh nhẹn giúp mẹ. Nói về ước mơ của mình, Lan Hương bảo em muốn học giỏi và học lên cao hơn, mai mốt sẽ kiếm được nhiều tiền để lo cho mẹ.
Lớn lên với bà
Cũng là học sinh của trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cậu học trò Đoàn Nguyễn Minh Phú - học sinh lớp 2/3 cho biết sẽ cố gắng học để sau này kiếm tiền nuôi bà. Phú hiện đang sống cùng với bà trong phòng trọ ở Hóc Môn.
Con mong sau này sẽ kiếm được nhiều tiền để lo cho bà, vì bà khổ nhiều rồi"!
Bé Minh Phú
Khi cậu bé Phú mới được 4 tuổi thì cha mẹ mỗi người chọn một mái ấm riêng. Từ ngày ấy, em phải về sống với bà. Cuộc sống khốn khó ở Quy Nhơn, bà Đào đã dắt hai đứa cháu là Phú và cậu anh trai của Phú vào Sài Gòn để mưu sinh kiếm sống.
Hằng ngày, bà Đào đi làm tạp vụ và ai kêu gì làm thêm nấy. "Tui ở trọ ở Hóc Môn nhưng làm tạp vụ ở trong sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi ngày tui kiếm được 100-120 nghìn đồng", bà Đào nói.
Bà cho biết với số tiền ấy, tiền nhà trọ mỗi tháng đã hơn 2 triệu đồng. Để lo cho các cháu học hành cũng như các khoản chi phí trong cuộc sống khác, bà bảo chật vật lắm.
"Cũng may nhà trường chăm chút, hỗ trợ cho sách vở cho cháu. Năm ngoái cháu cũng được nhận học bổng. Năm ngoái nợ nhà trường tiền học 600 nghìn đồng, gần vô năm học mới này mình mới đóng được đủ cho cháu" - bà Đào chia sẻ.
Người bà tâm sự: "Nuôi hai đứa cháu, tui cũng cố gắng cho chúng bằng bạn bằng bè, không để cháu mặc cảm, mắc cỡ với bạn bè. Tôi muốn các cháu đều cố gắng học tập để trưởng thành, mai này có công ăn việc làm là mình mừng lắm rồi".
Phú cũng biết được mong muốn, vất vả của bà, em cho biết: "Ở trường con học cũng được.Cô giáo khen năm nay con học tốt. Bà đi làm đến khuya 22g đêm mới về, con ở nhà tự học bài, không để ai phải nhắc nhở gì. Con thích nhất học môn tiếng Anh. Con mong sau này sẽ kiếm được nhiều tiền để lo cho bà, vì bà khổ nhiều rồi!".
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận