09/01/2021 08:19 GMT+7

Cô gái Việt trong hội đồng thành phố ở New Zealand

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - Cindy Nguyễn (Nguyễn Hoàng Mỹ Nương, sinh năm 1989) là một trong hai người đầu tiên làm việc 'nhà nước' tại Hội đồng thành phố Palmerston North dù chưa là công dân New Zealand.

Cô gái Việt trong hội đồng thành phố ở New Zealand - Ảnh 1.

Mỹ Nương tham gia tổ chức tiệc giáng sinh cho thiếu nhi tại Nhà thờ chính tòa của thành phố - Ảnh: HOÀNG THI

Giữa làn sóng tiết kiệm lao động thời COVID-19, hành trình của một phụ nữ Việt nhỏ nhắn sang xứ Kiwi học tập rồi tìm được công việc trong hội đồng thành phố ở New Zealand đang được nhiều người chú ý.

"Cô gái di cư Cindy Nguyễn vượt qua nhiều thử thách để làm việc tại Palmerston North" là tiêu đề bài viết trên trang New Zealand Herald - tờ báo có lượng xuất bản nhiều nhất New Zealand. 

Nguyễn Hoàng Mỹ Nương (sinh năm 1989) - tên đầy đủ của Cindy Nguyễn - là một trong hai người đầu tiên làm việc "nhà nước" tại Hội đồng thành phố Palmerston North dù chưa là công dân New Zealand.

Khi đến Palmerston North, cô ấy không quen ai và chồng cô ấy ban đầu còn ở Việt Nam. Cô ấy không ngại thừa nhận rằng cô ấy cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn không bóp nghẹt cô ấy mà khiến mạnh mẽ hơn. Chăm chỉ, nỗ lực học tập, cố gắng hết mình và vận may sẽ đến. Cô ấy nói: Hãy đứng cao ngay cả khi bạn thấp bé như tôi.

Trang New Zealand Herald viết

Làm tình nguyện để hòa nhập

* Cơ duyên nào đưa chị đến với New Zealand?

- Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương (TP.HCM) năm 2011, tôi đi làm 8 năm rồi mới du học. Ý định ấp ủ từ lâu nhưng hoàn cảnh gia đình chưa cho phép. Mẹ mất khi tôi là sinh viên năm 3. Từ lúc mẹ mất, tôi vừa đi học vừa đi làm, tôi đi làm để phụ lo cho em gái học phổ thông và người cha già đã 70 tuổi.

* Nghĩa là chị "xuất ngoại" tìm con chữ khi đã 30 - độ tuổi phần lớn phụ nữ không muốn từ bỏ công việc và cuộc sống ổn định cho một sự thay đổi lớn?

- Tôi có cơ hội du học Đại học Massey (Palmerston North, New Zealand) cũng là lúc công việc đã ổn và có gia đình riêng. Nhiều người muốn ổn định, nhưng có lẽ tôi thuộc loại không ngại đổi mới, thích độc lập, đương đầu thử thách. Tôi muốn mở mang kiến thức ra ngoài thế giới, việc học là không bao giờ muộn.

Bố tôi luôn nói: "Giáo dục có thể thay đổi cuộc đời bạn tốt đẹp hơn và do đó thế giới cũng sẽ tốt đẹp hơn". May mắn của tôi là được gia đình, nhất là chồng mình, ủng hộ. Đây là nguồn sức mạnh để tôi vượt qua nhiều khó khăn.

* Trong bài phát biểu tại lễ tổng kết năm 2020 của Tổ chức kết nối những người di cư có tay nghề cao (Network of Skilled Migrants), chị nhiều lần nhắc đến giá trị của việc tham gia các hoạt động xã hội. Phải chăng làm tình nguyện là một đam mê lớn của chị?

- Như nhiều sinh viên quốc tế, khi sang New Zealand, tôi gặp nhiều vất vả vì chưa hiểu giọng người Kiwi, văn hóa Kiwi… Thậm chí, tôi chưa từng nghĩ mình có thể phát biểu bằng tiếng Anh trước đông người. Để giải quyết, tôi chọn cách bước ra ngoài mở rộng kết nối. Tôi tìm được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các thầy cô, bạn bè ở trường và mạng lưới tình nguyện viên. 

Ban đầu cũng ngại, nhưng nếu càng thu mình sẽ càng không thoát được. Tôi chủ động xin làm tình nguyện viên cho hội sinh viên trường mà không đợi vận động. Tôi tham gia nhóm Massey Guides - "những người hướng dẫn sinh viên của Massey" - hỗ trợ chào đón tân sinh viên trong tuần lễ khai giảng, giới thiệu hướng dẫn sinh viên trong việc học và hòa nhập cuộc sống sinh viên ở trường…

Ngoài trường, tôi gia nhập một số cộng đồng như Tổ chức liên kết các nhóm đa văn hóa (Multicultural Communities Council), Trung tâm tình nguyện Volunteer Central và là thành viên điều hành của Mạng lưới kết nối những người di cư có tay nghề cao. 

Ở đó, chúng tôi kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nâng cao kỹ năng cho các thành viên là những du học sinh, những người di cư có tay nghề và giúp kết nối với những doanh nghiệp địa phương.

Nhờ những hoạt động này, tôi cảm thấy mình là một phần của trường, của địa phương. Thành phố Palmerston North có tới 130 sắc tộc. Từng người tôi gặp đều có thể học hỏi. Hoạt động tình nguyện không chỉ là làm cho hồ sơ xin việc ấn tượng, tình nguyện còn giúp hòa nhập vào cộng đồng, giúp bạn trở thành một người tốt hơn.

Kết nối các sinh viên Việt

* Chị có thể kể thêm về công việc hiện tại của mình tại Hội đồng thành phố Palmerston North không?

- Công việc chủ yếu đóng góp cho kế hoạch dài hạn của Hội đồng thành phố và cứ ba năm thì đổi mới kế hoạch này. Các việc đa dạng từ nghiên cứu xây dựng mô hình từ hệ thống dữ liệu quản lý dịch vụ của Hội đồng thành phố, để xác định những tài sản, dịch vụ công cần được bảo trì, mức độ dịch vụ cung cấp cần cải thiện hay đổi mới, dự đoán và có phương án xử lý các rủi ro đối với các tài sản và dịch vụ này. 

Để đáp ứng mục tiêu phát triển thành phố mạnh trong tương lai có rất nhiều dự án ngắn hạn và dài hạn cần được lên kế hoạch kỹ lưỡng, phân bổ ngân sách hợp lý.

* Một phụ nữ nhập cư làm việc ở cơ quan công quyền nước ngoài như chị có gặp khó khăn hay không?

- Môi trường làm việc ở đây thoải mái, gần như không có sự giới hạn nào về giới tính hay quốc tịch. Mọi người làm việc hài hòa, động viên chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Phụ nữ và đàn ông đều có thể làm việc như nhau.

Người dân và chính quyền Palmerston North khá cởi mở và tạo điều kiện cho du học sinh hay người nhập cư. Hằng năm, thị trưởng thành phố đều tham gia những buổi gặp gỡ sinh viên quốc tế, chia sẻ với họ về thành phố, lắng nghe những nguyện vọng, góp ý từ họ. 

Nhưng số sinh viên Việt tham gia khá ít, trong khi các bạn từ Nhật, Thái, Hàn lại đến rất đông. Dường như các bạn Việt Nam còn có tâm lý học tập và sinh hoạt theo cụm riêng và ít giao tiếp xã hội hơn.

"Sắp tới, tôi sẽ cùng đồng nghiệp ở hội đồng thành phố tổ chức những chương trình cho năm mới hay các hoạt động đón Tết Nguyên đán. Trước đây, Tết được thành phố gọi là "Chinese New Year". Mới đây, tôi có đề nghị thay từ "Chinese" (Trung Quốc) để thành "Lunar New Year" (Tết âm lịch), vì đây là lễ hội chung cho nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Dịp này, chúng tôi sẽ kết nối các sinh viên Việt Nam vì nhiều lý do không thể về quê, giúp các bạn tham gia nhiều hoạt động đón năm mới" - chị Nguyễn Hoàng Mỹ Nương nói.

Cô gái mồ côi trúng tuyển Trường ĐH Fulbright Việt Nam với suất hỗ trợ 2,2 tỉ đồng Cô gái mồ côi trúng tuyển Trường ĐH Fulbright Việt Nam với suất hỗ trợ 2,2 tỉ đồng

TTO - Suốt 18 năm vượt qua nghịch cảnh cuộc đời, mới đây cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thường khiến người dân Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xôn xao khi "rinh" về giấy báo đậu Đại học Fulbright Việt Nam, với suất hỗ trợ tài chính đến 2,2 tỉ đồng.

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp