Phóng to |
Tại chương trình Giai điệu mùa thu 2006, nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã dùng từ “thiên khiếu” khi nói về tài nghệ chơi đàn của cô gái mảnh khảnh Vân Anh. Còn tại Úc, nơi cô lớn lên thì Vân Anh được công nhận là thần đồng từ lâu.
May mắn sinh ra trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều là nhạc sĩ chuyên nghiệp (bố là nghệ sĩ guitar cổ điển Nguyễn Xuân Ánh, mẹ là giảng viên thanh nhạc và piano Phan Thị Kim Oanh), Vân Anh đã được mẹ đưa lên ngồi trên phím đàn dương cầm khi cô chỉ 15 tháng tuổi.
Thần đồng!
“Đã nhiều lần cô ấy làm tôi liên tưởng đến thiên tài người Nga nổi tiếng Martha Argerich...” GS Julie Adam, giám khảo các cuộc thi đàn piano tại Sydney “Một tài năng thật sự... Cô ấy sẽ là một người thu hút bậc nhất ở bất kỳ nơi nào cô ấy đến trình diễn” Danh cầm piano Michael Kieran Harvey “Khi chơi đàn, cô ấy mang đến cho bạn sự thanh nhã” Owen Nelson, trưởng khoa âm nhạc Trường The Hills Grammar School “Cô ấy đưa tiếng đàn vào cuộc sống” Nhà sản xuất âm nhạc Christine Leaves (Úc) |
Bấy giờ Vân Anh đã trình diễn nhiều nơi, thường xuyên chơi đàn trong các chương trình nhạc giao hưởng tại Đài truyền hình số 9 Kerry Anne Kennerley Show, Đài truyền hình số 7 Witness Program, Đài phát thanh 2MBS-FM 102.5. Nhưng đỉnh điểm của nghề là khi cô gái “thần đồng” trở thành người gốc Việt đầu tiên được độc tấu piano tại khán phòng chính Nhà hát opera Con Sò Sydney, nơi mà bất kỳ tài năng nghệ thuật nào cũng mong được biểu diễn vì đó là sân khấu âm nhạc vào loại danh giá nhất của nước Úc.
Nhưng Vân Anh còn tiếp tục gây kinh ngạc cho mọi người khi cô thắng rất nhiều cuộc thi piano tại Sydney, đáng chú ý nhất là các cuộc thi lớn dành cho các dương cầm trẻ vào các năm 1999, 2001, 2003 và 2005 do Yamaha và Kawai tổ chức.
Riêng năm 2003 có lẽ là năm thành công bậc nhất của Vân Anh khi cô được chọn tham dự và trình diễn độc tấu tại Australian Festival of Chamber Music ở Townsville. Sau đó tiếp tục thắng giải tại Vienna International Pianists Summer Festival tại Áo.
Đến cuối năm 2003, ở tuổi 15 Vân Anh đỗ tú tài tại Trường The Hills Grammar School, xếp hạng nhì về điểm số trên toàn nước Úc (riêng môn độc tấu dương cầm đạt được điểm tuyệt đối 100%).
Luôn khát vọng trở thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, Vân Anh được hướng dẫn bởi giáo sư Magaret Hair và song song đó còn thường xuyên tham dự những lớp học cao cấp dành cho piano (master classes) với các bậc thầy như John Perry, Marc Durand, Oleg Stepanov, Thomas Hecht, Michael Kieran Harvey và Daniel Adni.
Đầu năm 2006 Vân Anh dự trại âm nhạc quốc tế diễn ra tại Sydney và cô là người gốc Việt duy nhất hiện diện trong số 35 pianist trẻ (tuổi từ 14-28) từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài việc được chọn biểu diễn tại trại, Vân Anh còn phụ trách giảng dạy đàn cho nhóm pianist 14 tuổi.
Tình cảm quê hương
Phóng to |
Buổi diễn đã gây tiếng vang đối với người yêu nhạc cổ điển bởi ngón đàn điêu luyện và tinh tế của Vân Anh đối với các tác phẩm có độ khó cao của Liszt, Mozart và Chopin. Và cũng nhân dịp này, 15 suất học bổng (trị giá 1.000 USD) của gia đình Vân Anh đã được trao cho các sinh viên đang theo học tại Nhạc viện TP.HCM.
Nghĩa cử này của bố mẹ Vân Anh nhằm bày tỏ tình cảm với mái trường mà xưa kia họ đã được đào tạo âm nhạc. Đồng thời mẹ Vân Anh - vốn đang là người điều hành hai chi nhánh dạy nhạc tại Úc - muốn truyền cho con mình tình cảm gắn bó với VN.
Tháng 8-2006, Vân Anh lại trở về quê hương để tham gia biểu diễn trong chương trình Giai điệu mùa thu. Trong gian phòng tập luyện ở Nhà hát Giao hưởng & vũ kịch TP.HCM, Vân Anh tập đàn với dàn nhạc xong lại lặng lẽ ngồi ở một góc nhỏ... mở sách học bài. Cô sinh viên khoa truyền thông và luật tại Sydney bật mí mình thường xuyên viết các bài báo về âm nhạc cho tạp chí chuyên đề của kênh phát thanh 2MBS-FM và Đài truyền hình ABC của Úc.
“Tôi thích viết báo vì được chia sẻ cảm xúc và trao đổi kiến thức về âm nhạc với mọi người” - Vân Anh lý giải. Sau khi hoàn tất ngành truyền thông trong vòng ba năm, Vân Anh sẽ sang Mỹ học cao học piano tại Trường Colburn School of Performing Arts (Los Angeles) theo lời mời của giáo sư dương cầm danh tiếng John Perry với mức học bổng trị giá 80.000 USD.
Để theo đuổi khát vọng của mình, thời gian mỗi ngày Vân Anh đều dành gần hết cho âm nhạc. Cô tập đàn từ 2-5 giờ đồng hồ/ngày, đồng thời dạy nhạc lý và piano cho các học viên thiếu nhi ở trường nhạc của bố mẹ. “Tôi không hề cảm thấy mệt mỗi khi ngồi vào đàn. Mỗi khi trình diễn tôi luôn nghĩ đến tác giả và tác phẩm âm nhạc mình sắp trình bày” - Vân Anh bộc bạch.
Cô thích tác phẩm của Chopin và Listz bởi nét trữ tình và lãng mạn, đồng thời rất chịu khó tập nhuyễn các tác phẩm có kỹ thuật cao thuộc thời kỳ romantic thế kỷ 20 (các tác giả tiêu biểu: Prokofiev, Rachmaninoff, Debussy...).
Trong đêm Giai điệu mùa thu 18-8 tuần qua, Vân Anh khiến khán giả như bị thôi miên với tiếng đàn cao trào mãnh liệt của mình. Sau khi cô hoàn tất một chương trong bài Piano concerto số 2 của Shostakovich, ai đã dự khán chương trình cũng đều tiếc nuối vì rất muốn nghe cô biểu diễn thêm nữa.
Điều thú vị là mãi đến lúc khi ra diễn, Vân Anh mới sực nhớ ra đồ cột tóc cô còn cầm trên tay. Về VN lần này, Vân Anh lỉnh kỉnh mua các CD nhạc... hip hop mà cô đặc biệt thích nghe, cùng với những bịch bánh phồng tôm, mít sấy mang về Úc. Ngày 21-11 tới, cô gái thần đồng piano mới tròn 19 tuổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận