Tự tin và đeo đuổi đam mê với một chiến lược rõ ràng giúp cô gái trẻ thành công khá nhanh - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đó là câu chuyện khởi nghiệp với con ong của cô gái 8X Nguyễn Phương Linh, sống tại TP.HCM.
Theo cha chạy ong và nỗi trăn trở
Sinh ra trong một gia đình nuôi ong truyền thống, Linh cảm hết những gian truân của nghề này. Mùa hoa nở mỗi điểm một khác, thời hạn nở cũng chỉ kéo dài từ 5 - 10 ngày, buộc người nuôi phải đưa đàn ong lên rẫy cho đúng thời vụ.
Câu chuyện khiến cô trăn trở mỗi lần theo cha chạy ong. Càng lớn, khao khát dựng nên thương hiệu cho ngành Việt trong cô sục sôi ngày một rõ.
Vì sao sản lượng lớn nhưng không quyết được giá thành? Các nước khác gì ta? Ta thua họ điểm gì? Vì sao Việt Nam là 1 trong những nước xuất khẩu mật ong lớn nhất thế giới nhưng người dân vẫn chuộng mật nhập khẩu? Vô vàn câu hỏi được Linh đặt ra trong suốt quá trình chuẩn bị cho "cuộc ra khơi".
Ngoài đàn ong được nuôi theo cách truyền thống, cô chẳng có gì trong tay. Nhưng quyết làm, Linh đặt những viên gạch nền bằng việc theo học ngành đối ngoại (Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM).
Chỉ với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi (năm 2009) thì chưa đủ, Linh quyết học lên. Thử thách mình trước khi đương đầu với cơn sóng lớn, cô học tiếp những ngành học khác như tài chính, kinh tế… ở nước ngoài.
Kiến thức trường lớp đã có, nhưng để hiểu hết bài toán kinh doanh mà mỗi một doanh nghiệp Việt đang vấp phải, Linh tiếp tục đi làm thuê ở nhiều công ty.
"Chỉ khởi nghiệp bằng việc đam mê không thì không thể. Bước chậm nhưng chắc, xây cho một nền tảng đủ mạnh thì ước mơ thương hiệu lúc đó mới thực sự cần và đủ", Linh chia sẻ về cách chuẩn bị hành trang cho cuộc khởi nghiệp.
Bonie Bee dần trở thành thương hiệu mật ong Việt vươn ra thế giới
Thay đổi để vươn ra
Lấy mật non để ham số lượng, thu hoạch khi chưa đủ độ chín rồi dùng quy trình xử lý nhân tạo để hoàn thiện sản phẩm chất kích thích tạo hoa… luôn là những khó khăn khiến mật ong nói riêng và nông sản Việt nói chung luôn đảm bảo về mặt sản lượng nhưng ít chất lương.
Nhận thấy vấn đề, Linh bắt tay vào làm. Thay đổi thói quen sản xuất của người nuôi ong để đáp ứng được các "hàng rào" chất lượng trên thị trường khó tính chưa bao giờ là dễ dàng. Cô gái trẻ phải ăn ngủ nhiều ngày liền tại các trại ong trong rừng, hướng dẫn người dân về cách nuôi ong lấy mật.
Chỉ có chất lượng mới đem lại vị thế bền vững, mới không bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường khó tính. Tuy nhiên, rào cản kinh tế, tư duy nặng về kinh nghiệm, thói quen của người nông dân Việt là điều cực kì khó để cho ra được dòng sản phẩm có chất lượng cao
Nguyễn Phương Linh
Làm và học đằng đẵng trong nhiều năm trời cuối cùng cũng cho quả ngọt, các câu hỏi nay đã có lời giải. Mật ong chín tổ tự nhiên có chất lượng cao là yếu tố tiên quyết cho bài toán.
Đến nay, 25 trại ong với năng suất cho ra hơn 100 tấn mật thô/năm là nguồn nguyên liệu chính để Linh thực hiện dự án khởi nghiệp này.
Nắm chắc trong tay nguồn nguyên liệu chuẩn, thị trường Linh chọn đầu tiên là Việt Nam, sau đó mới là Hàn Quốc, Thái Lan… Hiện nay, nhiều siêu thị cao cấp tại các nước nói trên đều có mặt của các dòng sản phẩm mà Linh cho ra.
Từ những trại ong chỉ nuôi theo cách truyền thống, tư duy cũ với một vài nhân viên phụ việc, hiện đang làm việc cho cô gái trẻ này là hơn 20 con người với mức lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Với doanh số chỉ hơn 200 triệu đồng/ tháng vào năm 2016, đến nay doanh số mà Linh tạo ra mỗi tháng là hàng tỷ đồng. Mục tiêu con số này còn tăng lên gấp 2 đến 5 lần vào những tháng tiếp theo.
Nhiều sản phẩm khác từ mật ong và nông sản Việt
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt luôn thôi thúc Linh hành động. Ngoài bán mật ong thành phẩm, hiện Linh còn cho ra thì trường rất nhiều sản phẩm khác như kẹo ngậm nghệ nano, sữa ong chúa, viên nhàu mật ong, mỹ phẩm… Đây là những sản phẩm được kết hợp từ mật ong và nông sản Việt.
"Viên nhàu mật ong hay những sản phẩm khác từ trái nhàu Việt đang là sản phẩm được người dân Hàn Quốc, Nhật Bản săn lùng. Đưa thêm nhiều nông sản Việt khác ra nước ngoài và tạo thương hiệu cho chúng là mục tiêu mà những năm tiếp theo mình hướng đến" - Linh cho biết.
Tuổi Trẻ tổ chức giải golf for start-up
Giải dự kiến được báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 4-4 tại sân golf Long Thành, ủng hộ chủ trương khởi nghiệp của Nhà nước và Chính phủ.
Đây cũng là hoạt động khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, ủng hộ các đầu tàu về khởi nghiệp, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp và mừng kỷ niệm 88 năm thành lập Đoàn. Qua đó khuyến khích tinh thần thể thao, vận động trong cộng đồng, mong muốn tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp với nhau, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng trong và ngoài nước.
Ban tổ chức sẽ trích kinh phí tổ chức giải hỗ trợ một số Start-Up tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Lễ trao quỹ hỗ trợ các Start-Up được tổ chức ngay sau giải đấu, với sự đồng hành của các đơn vị: Phong Phú, FE Credit, 194 C.I.C, IDICO...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận