Dự án với chiến dịch "Đại sứ đại dương" của Nhật Uyên tổ chức các chương trình tìm hiểu về môi trường tại các trường tiểu học, qua đó tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái biển và động vật khỏi sự tác động tiêu cực từ rác thải.
Từ những sáng kiến về môi trường thời sinh viên
Tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Nha Trang, Uyên lại được biết đến nhiều hơn ở những đề tài khoa học, sáng kiến thời sinh viên về bảo vệ môi trường.
Uyên kể, xuất phát từ khi xem được video trên ti vi về hình ảnh chú rùa bị mắc chiếc ống hút nhựa trong lỗ mũi, từ đó cô trăn trở về hiện trạng môi trường hiện nay, nhất là những vấn đề về rác thải.
Năm 2022, Uyên "khởi sự" với sáng chế máy đổi rác lấy quà. Đây là chiếc máy phân loại rác thải có hình dáng như một chiếc máy ATM. Khi người dùng đưa chai nhựa vào, máy sẽ tự động trả lại 1 phiếu giấy in mã. Người dùng có thể quét mã đó để đổi các phần quà nhỏ hoặc những cuốn sách.
Mô hình này trở thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và được khoa Kỹ thuật giao thông (Trường đại học Nha Trang) phê duyệt.
Sau đó, mô hình được trưng bày trong khuôn viên trường, siêu thị, các điểm công cộng và một số ngày hội công nghệ, môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
"Thời điểm đó tôi còn là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc làm các dự án về môi trường. Tôi may mắn được sự đồng hành của các bạn trong nhóm cũng như hỗ trợ từ trường, các tổ chức, chuyên gia, nên dự án sau đó đã được biết đến nhiều hơn" - Uyên kể.
Lan tỏa thông điệp môi trường đến trường học
Từ đầu năm 2024, Uyên bắt đầu xây dựng và thực hiện dự án "Đại sứ đại dương 2024". Đây là dự án tuyên truyền dành cho học sinh tiểu học về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn và sức ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái đại dương.
Thực hiện vào giờ ngoại khóa hoặc buổi chào cờ đầu tuần, Nhật Uyên cùng các tình nguyện viên đã giới thiệu cho học sinh kiến thức về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của việc phân loại rác thải nhựa qua những câu chuyện kể một cách sinh động, dễ tiếp cận. Đồng thời, lắp đặt, giới thiệu máy thu gom rác tự động đổi quà cho học sinh.
Trong đó, 4 nguyên tắc khi sử dụng rác thải nhựa được nhấn mạnh gồm: từ chối, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng.
Sau khi thực hiện hoạt động tuyên truyền, chiếc máy thu gom rác của Nhật Uyên sẽ được đặt tại các trường trong vòng 1 tuần. Số rác thải nhựa thu được, quy đổi thành quỹ và số tiền này sẽ được gửi tới Quỹ Bảo tồn rùa quốc gia.
Theo Nhật Uyên, sở dĩ bạn chọn lứa tuổi tiểu học cho hoạt động tuyên truyền này vì đây là lứa tuổi dễ giáo dục, tiếp thu.
"Việc nhận thức đúng đắn, hình thành thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Các em hiểu đúng thì sẽ thực hành tốt, từ đó sẽ lan tỏa hành động trong bạn bè, người thân và gia đình, góp phần bảo vệ môi trường xanh" - Uyên chia sẻ
Cô Lê Hoàng Việt Nga - hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lập 1, một trong những trường thực hiện dự án của Nhật Uyên - cho biết đây là một dự án thiết thực dành cho các em học sinh. Thông qua hoạt động này, xã hội sẽ quan tâm hơn nữa về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là các bậc phụ huynh muốn giáo dục cho con em một sự nhận thức đúng về vấn đề này.
Đến nay, dự án đã thực hiện ở 4 trường tiểu học ở TP Nha Trang và dự kiến thực hiện ở tất cả các trường tiểu học trên địa bàn TP biển này.
Anh Chu Minh Phương - bí thư Thành Đoàn Nha Trang - đánh giá: "Dự án của Đặng Nhật Uyên thực hiện thời gian qua trên địa bàn các trường học đã được các học sinh, nhà trường hưởng ứng nhiệt tình, thời gian tới, Thành Đoàn mong muốn cùng đồng hành với dự án này để có những chương trình giáo dục cho trẻ thơ hấp dẫn, hiệu quả hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận