19/10/2018 14:15 GMT+7

Cô gái miệt mài vẽ tranh bằng chân

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Nằm co người trên chiếc giường tre cũ, Thảnh đưa chân kéo lấy một tờ giấy trắng. Cô lấy hết sức mình, nhíu mày gắp lấy một ngòi bút chì ở xa.

Cô gái miệt mài vẽ tranh bằng chân - Ảnh 1.

Vẽ bằng chân đem lại niềm vui và sự lạc quan cho Thảnh - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Một ngày mưa đầu tháng 10, trong một ngôi nhà tôn ẩm thấp, cô gái vẫn miệt mài gắp ngòi bút kéo từng đường vẽ cho đến khi thành hình.

Cô không phải dùng tay mà là dùng chân để gắp. Cô gắp một cách run rẩy và khó nhọc. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt đặc biệt hơn cả, đó là trên môi cô luôn nở nụ cười.

‘Vẽ tranh là niềm vui’

Đó là Huỳnh Thị Thảnh, 29 tuổi, nhà ở thôn Hải Tân, thuộc xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tình Thừa Thiên Huế. Ngôi nhà của Thảnh nằm lõm dưới một sườn đồi và cách biệt với những ngôi nhà khác. Nhà thấp hơn mặt đường cả chục mét, cộng với mái tôn cũ mục đã lâu khiến ngôi nhà trở nên ướt át, ẩm mốc mỗi khi mưa về.

Nằm co người trên chiếc giường tre cũ, Thảnh đưa chân kéo lấy một tờ giấy trắng. Cô lấy hết sức mình, nhíu mày gắp lấy một ngòi bút chì ở xa. Cô nhắm mắt lại vài giây, đôi tay cô vẫn không ngừng huơ qua huơ lại trước mặt, điều chỉnh lại tư thế để bản thân cảm thấy thoải mái nhất.

Một chân gắp ngòi bút, chân kia được Thảnh đưa lên để điều chỉnh lại ngòi bút cho đúng cách và dễ với mình. Kẹp chặt lấy ngòi bút, Thảnh gồng mình kéo bút đi từng đường, từng nét cụ thể.

Dù ngoài trời đang mưa, nhưng vì gồng mình để vẽ khá lâu nên trên mặt Thảnh đã ướt đượm mồ hôi. Lấy khăn lau những giọt mồ hôi trên trán của Thảnh, bà Huỳnh Thị Liên (63 tuổi) - mẹ của Thảnh cười nói: "Hình như vẽ tranh là niềm vui của nó. Mỗi khi được vẽ, nó lại cười rất nhiều".

Có niềm vui ắt có nụ cười

Cô gái miệt mài vẽ tranh bằng chân - Ảnh 2.

Dù luôn có mẹ bên cạnh nhưng Thảnh luôn cố gắng tự làm mọi việc khi vẽ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Ngày sinh Thảnh, bà Liên như chết lặng khi được nghe thông báo từ bác sĩ khi biết đứa con gái bé bỏng mà mình mang nặng đẻ đau 9 tháng nhiễm chất độc gia cam. Hai tháng sau, biểu hiện của Thảnh ngày một rõ hơn. Chân tay của cô teo và co quắp lại. Chừng 1 tuổi, tay của cô hầu như không cầm nắm được gì.

Cô bắt đầu biết vẽ bằng chân từ khi lên 3 tuổi. Lớn lên, tình yêu hội họa trong Thảnh ngày càng mãnh liệt, dù để vẽ được một bức tranh là điều rất khó nhọc và tốn nhiều thời gian. Thảnh rất lạc quan và xem đó là cuộc sống.

Thảnh luôn nở nụ cười, dẫu nụ cười của cô đã bị những dị tật, cơn đau làm cho méo mó. Cô kể rằng mình hay khóc mỗi khi thấy tủi thân, khi thấy những cô gái mặc áo dài đi ngang qua nhà, khi họ được đến trường, được học chữ,…rồi nhìn lại bàn tay, đôi chân đứng không vững của mình. Từ trước đến nay, Thảnh không được đi học ngày nào.

"Mình không biết chữ, nhưng mình biết vẽ, dù không được đẹp lắm"- Thảnh nói một cách khó khăn không tròn chữ nhưng cũng đầy tự tin.

Không biết chữ, lại không thể đi lại được, chiếc tivi trở thành cầu nối giữa cô và thế giới bên ngoài. Sau này, khi được một mạnh thường quân cho chiếc điện thoại thông minh, cô mới liên kết được với thế giới bên ngoài qua Internet và mạng xã hội.

Thảnh xem mạng xã hội là nơi cô kết nối, kết bạn và theo dõi cuộc sống với mọi người. Thảnh "chơi" mạng xã hội cũng thật đặc biệt như cái cách cô vẽ, nhưng có phần dễ hơn. Với chiếc điện thoại được đặt nằm trên giường, cô dùng bàn chân co quắp để lướt tìm thông tin một cách thành thạo.

Cô gái miệt mài vẽ tranh bằng chân - Ảnh 3.

Vẽ động vật cũng là một đề tài được Thảnh yêu thích - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bức tranh đầu tiên mà Thảnh đăng lên mạng xã hội được một vị khách nước ngoài mua với giá 50 USD (tương đương khoảng hơn 1 triệu đồng lúc đó). Kể về kỉ niệm này, cô vẫn không thể kìm nổi nước mắt. Cô không tin mình có thể làm ra tiền, cũng không thể tin được rằng những bức tranh do mình vẽ lại có người để ý và mua. Cầm số tiền trên tay, cô khóc òa như một đứa trẻ vì hạnh phúc.

Số tiền ấy được Thảnh đưa một phần cho mẹ trang trải cuộc sống gia đình, một phần cô để dành để mau bút màu, giấy vẽ. Số tiền mà cô kiếm được từ việc bán tranh đã được khoảng hơn 20 triệu đồng. "Người ta bảo cười nhiều là điên. Tôi cũng cười khá nhiều, nhưng tôi cười vì hạnh phúc " - Thảnh cười nói.

Thèm được làm người bình thường

Được mẹ chải tóc là niềm vui, hạnh phúc của Thảnh. Nhưng cô cũng ý thức được những khuyết điểm mà bản thân đang mắc phải. Về những điều quá đỗi bình thường với bao thiếu nữ khác lại đang là điều khó khăn với mình.

Thảnh nói cô chưa bao giờ biết và dùng son. Cho đến một ngày, một người chị quen biết trên mạng xã hội đến thăm và tặng cho cô một thỏi. Từ đó, hễ muốn chụp hình bản thân đăng lên mạng xã hội, hay nhà có khách, cô luôn muốn tô một chút son.

Khi được hỏi về mong ước, Thảnh chỉ cười và bảo: "Mong ước thì nhiều lắm, nhưng vẫn cứ mong một ngày đó, được trở thành một người bình thường để phụ giúp cho mẹ là vui lắm rồi".

Món quà tặng mẹ

Cô gái miệt mài vẽ tranh bằng chân - Ảnh 4.

Bức tranh Thảnh vẽ hai mẹ con - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Chủ đề Thảnh thường vẽ thường là con người, gia đình, nhà cửa, hoa, muông thú,… Chủ đề chính cô thường vẽ và đang được trưng bày nhiều nhất ở nhà chính là về người mẹ. Nổi bật hơn cả vẫn là những bức tranh cô vẽ về mẹ mình - bà Liên với những nụ cười hiền dịu.

Vật trang trí duy nhất trong nhà của Thảnh hiện tại là những bức tranh do chính tay cô vẽ. Nếu bút, giấy và tranh là tài sản quý giá của Thảnh, tài sản vô giá đối với cô lại là mẹ.

Chia sẻ về dự định của mình, Thảnh thều thào nhỏ như đang sợ mẹ mình biết được rằng, hiện cô đang ấp ủ vẽ một bức tranh về mẹ mình để tặng cho bà Liên vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. "Không tiền, không thể đi lại được, mình dự định dành hết tâm huyết, thời gian để vẽ tặng mẹ một bức tranh thật đẹp"- cô nói.

Ông Huỳnh Đượm - trưởng thôn nơi mẹ con Thảnh đang sống, cho biết gia đình Thảnh là hộ nghèo từ khi thôn Hải Tân được thành lập đến nay. Với hoàn cảnh bà Liên cùng bệnh tình của Thảnh, thôn, xã luôn dành chế độ, ưa đãi cho hai mẹ con.

Gặp người nhỏ tuổi nhất chuyến tàu Thanh niên Đông Nam Á

TTO - Một trong 28 thành viên VN chuyến tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản SSEAYP 2018 là Phạm Nguyễn Đức Anh (20 tuổi) - sinh viên năm 3 khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp