03/05/2007 16:42 GMT+7

Cô gái khiếm thị tốt nghiệp thạc sĩ văn chương ở Mỹ

Theo PHÙNG THẾ KHA - Công an nhân dân
Theo PHÙNG THẾ KHA - Công an nhân dân

Bố mẹ đều là cựu thanh niên xung phong, Mai lớn lên với đôi mắt khiếm thị bẩm sinh. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, Mai đã tốt nghiệp thạc sĩ văn chương Mỹ tại Đại học Arizona, Mỹ.

Hmqxytk0.jpgPhóng to
Cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Thanh Mai ở Mỹ
Bố mẹ đều là cựu thanh niên xung phong, Mai lớn lên với đôi mắt khiếm thị bẩm sinh. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, Mai đã tốt nghiệp thạc sĩ văn chương Mỹ tại Đại học Arizona, Mỹ.

Những người tốt bụng

Nguyễn Thị Thanh Mai, 28 tuổi, quê ở làng Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Tây. Bố mẹ Mai đều từng tham gia phục vụ chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất tại đường 9 Nam Lào (Quảng Trị) những năm 1971 - 1973.

Năm 1974, họ cưới nhau. Đến năm 1978, Mai và người chị song sinh ra đời và đều bị khiếm thị. Tuy nhiên, chỉ có Mai may mắn sống sót, còn người chị đã mất sau vài tháng chào đời.

Năm 1980, bố Mai đưa con xuống Bệnh viện Mắt Trung ương tìm gặp Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân để ghép võng mạc. Vị Giáo sư khả kính buồn bã lắc đầu trước một ca bệnh quá khó. Ông Phúc ôm con về nhà, mắt đẫm lệ.

Cô bé Mai ngày một lớn lên với sự ham học kỳ lạ nhưng không thể đến trường vì không đâu chịu nhận. Năm 1990, được một người quen dưới Hà Nội giới thiệu, ông Phúc đưa Mai đến Trường Nguyễn Đình Chiểu xin học chữ nổi. Năng khiếu ngoại ngữ của Mai sớm được bộc lộ, dưới sự giúp đỡ của cô giáo Nguyễn Thị Loan. Ngoài những buổi học trên lớp, cô Loan vẫn dành thời gian dạy riêng cho cô học trò đặc biệt của mình.

Năm 1996, quận Hai Bà Trưng tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Anh lớp 6, Mai tham gia và giành giải nhất. Rồi Mai tiếp tục thi lên thành phố và giành giải nhì thi viết, giải nhất thi nói.

Bà John Woodward, một người Mỹ, thành viên Ban giám khảo, đã rất kinh ngạc trước năng lực của Mai. Bà nhận dạy thêm ngoại ngữ, tin học cho em vào những lúc rỗi rãi tại Nhà Văn hoá quận Hai Bà Trưng.

Trước ngày trở về Mỹ, bà John Woodward gặp riêng Mai, rồi nhẹ nhàng hỏi: "Nếu ta giúp cháu sang Mỹ học thì cháu có học giỏi được không?". Mai nắm tay bà John thật chặt: "Cháu sẽ học tốt".

Mấy tháng sau, Mai sang Mỹ học tại trường cho người khiếm thị ở Philadelphia. Sau đó, bà John giúp cô chuyển đến học tại một trường tư dành cho học sinh khiếm thị ở Washington. Học được một năm thì khó khăn ập đến. Ông hiệu trưởng nói với bà John và Mai rằng ở đây chỉ những người khiếm thị mang quốc tịch Mỹ mới được học miễn phí hoàn toàn, còn tất cả đều phải đóng khoảng 30.000 USD/năm - Một khoản tiền quá lớn đối với một người Mỹ nghèo như bà John.

Nguy cơ Mai phải trở lại Việt Nam rất rõ ràng. Nhưng, vị hiệu trưởng đầy lòng trắc ẩn ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động về một người phụ nữ nghèo quyết tâm giúp cô bé khiếm thị người Việt Nam sang Mỹ học với phóng viên của tờ Olympian Newspaper ra buổi chiều. Bài báo đăng ở trang nhất, gây xúc động cho nhiều người. Sáng hôm sau, một người phụ nữ giàu có tên Susan Gillert đến tận trường tặng Mai 1.000 USD và hứa sẽ chu cấp, tài trợ toàn bộ tiền học cho cô.

Suốt những năm học ở Mỹ, bà Susan Gillert đều chu cấp tiền giúp Mai thực hiện ước mơ học hành của mình. Bà Susan luôn bảo: "Cháu cố gắng học tốt rồi sau này về giúp các bạn cùng cảnh ngộ ở Việt Nam". Hàng năm, bà còn mua vé khứ hồi cho Mai về Sơn Tây thăm bố mẹ và lên Hà Nội thăm cô giáo Loan ở Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Sẽ về Việt Nam

Tốt nghiệp phổ thông, Mai làm đơn xin thi đại học. Mai đã đỗ vào Trường Đại học Philadelphia. Cô đã chọn văn khoa để trở thành cô giáo hoặc nhà nghiên cứu văn học. Cô nhận ra những sự tương đồng trong tình yêu thương con người, yêu Tổ quốc của văn học Mỹ và Việt Nam.

Để có đủ sức theo học tại một môi trường sư phạm hàng đầu thế giới, cô gái khiếm thị Việt Nam đã vắt kiệt sức mình. Sau hai năm học ở trường Philadelphia, Mai là một trong hai sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất trong hơn 6.000 sinh viên của trường.

Đến năm thứ 3, để thuận tiện cho học tập và đi lại, Mai đã xin chuyển đến trường Đại học Pacific Lutherial, một trường tư cao cấp, có nhiều giảng viên giỏi và tâm huyết. Nhưng, để trở thành một sinh viên xuất sắc không hề đơn giản khi mà sách chữ nổi cho người khiếm thị hầu như chưa có. Mai phải học sách như học sinh bình thường, cảm thụ văn chương qua giọng đọc của các bạn cùng lớp và các tình nguyện viên. Cả trường chỉ có mình Mai bị khiếm thị, lại ham học nên ai cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Các tác phẩm văn chương, bài nghiên cứu, phê bình văn học được thâu vào băng để Mai có thể tự học ở nhà. Mỗi lần lên lớp, trong khi bạn bè ghi ghi chép chép thì ở góc bàn đầu cô gái khiếm thị Việt Nam lặng lẽ thu lời giảng vào băng. Đêm đêm, cô lại hì hục bật những cuốn băng thu toàn bộ bài giảng, truyện ngắn… dài 5-6 tiếng, chép ra chữ nổi và lưu vào máy tính cho dễ học. Có những đêm cô thức trắng đánh vật với bài tập.

Mỗi lần trả bài cho cô giáo, Mai phải thức đến sáng để gõ bài, "chuyển ngữ" từ chữ nổi ra chữ thông thường. Và hằng đêm trong căn phòng nhỏ ở khu nội trú, những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới vẫn được cảm nhận hết sức tinh tế qua tâm hồn của một cô gái khiếm thị Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Mai đã dự thi và trúng tuyển vào Trường Đại học Arizona để được miễn phí hoàn toàn mọi khoản. Trong lễ phát bằng tốt nghiệp thạc sĩ văn chương Mỹ tại Đại học này, cả khán phòng đã vỗ tay không ngớt khi nghe cô gái khiếm thị người Việt Nam phát biểu. Nhiều người đã khóc vì xúc động...

Theo quy tắc, sau khi tốt nghiệp, Mai sẽ phải ở lại Mỹ 2 năm để tham gia giảng dạy cho những người khiếm thị khác. Điều làm Mai đang rất lo lắng là không biết sau hai năm dạy ở Mỹ về cô có tìm được một nơi làm việc để được đem những điều mình học truyền thụ cho những người cùng cảnh ngộ hay không...

Theo PHÙNG THẾ KHA - Công an nhân dân

Theo PHÙNG THẾ KHA - Công an nhân dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp