Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân sởi tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: MAI THANH
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường - trưởng khoa truyền nhiễm, bệnh nhân Đ.H.V. bắt đầu phát bệnh từ ngày 8-2, bắt đầu bằng sốt cao, sau ba ngày có phát ban dạng sởi, mắt đỏ, chảy nước mũi.
Thăm khám ban đầu tại bệnh viện tư nhân xác định bệnh nhân mắc sởi. Sau ba ngày điều trị tại đây, bệnh nhân có các dấu hiệu như khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu.
Bác sĩ cho hay tình trạng này là chứng viêm não do sởi và được chuyển đến khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai hôm 17-2.
Theo bác sĩ Cường, trước khi phát bệnh, bệnh nhân sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, nơi được xác định có dịch sởi và không nhớ đã tiêm phòng hay chưa. Trong khi tình trạng bệnh của bệnh nhân khá nặng: rối loạn ý thức, suy hô hấp phải thở oxy.
Đây là trường hợp đầu tiên bị viêm màng não do sởi ở người lớn được ghi nhận trong mùa dịch năm nay.
Ông Cường cũng cho hay từ cuối 2018 tới nay khoa truyền nhiễm tiếp nhận nhiều bệnh nhân sởi là người lớn, nhiều trường hợp diễn biến nặng trên cơ địa phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính. Số người lớn mắc sởi gia tăng cả ở Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt ở lứa tuổi 20-35 do không được tiêm hoặc không tiêm đủ mũi văcxin.
Trước tình trạng dịch sởi gia tăng, bác sĩ khuyến cáo tiêm văcxin là biện pháp hiệu quả nhất. Theo ông Cường, thị trường hiện có văcxin sởi đơn và văcxin phối hợp sởi - rubella rất an toàn, trẻ 9 và 18 tháng tuổi được tiêm hai mũi văcxin này miễn phí; người lớn chưa được tiêm chủng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên đi tiêm ngừa sởi tại các điểm tiêm chủng (tiêm dịch vụ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận