17/04/2023 14:21 GMT+7

Cô gái gốc Việt tìm mẹ: 'Nếu thấy tôi thân quen, hãy liên lạc với tôi nhé'

Sau một tuần sang Lào, Iris Dager (31 tuổi, tên Việt Nam là Nguyễn Mai Thanh) quay lại Việt Nam tiếp tục hành trình tìm mẹ. Thời gian của cô ở Việt Nam không còn nhiều nữa.

tìm mẹ

Iris Dager (tên Việt Nam là Nguyễn Mai Thanh) - Ảnh: HÀ THANH

Trong suốt cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Iris chỉ có một ước mong duy nhất là sớm tìm được mẹ. Trước đó, câu chuyện cô gái mang 2 quốc tịch Thụy Điển, Iceland tìm mẹ Việt của Mai Thanh nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

IRIS DAGER/NGUYEN MAI THANH

Tôi tới Việt Nam để tìm mẹ ruột của mình vì mẹ là người duy nhất mà đến tận giờ phút này tôi không biết gì về bà cả. Có lẽ bà cũng là người duy nhất có thể giúp tôi hiểu rõ mình là ai

Một cảm giác rất quen thuộc 

Iris Dager/Nguyễn Mai Thanh sinh ngày 21-9-1992 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Hiện cô là cố vấn cảnh sát tại Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế.

Hai tháng tuổi, cô được bố mẹ nhận nuôi (cha nuôi là người Thụy Điển, mẹ nuôi là người Iceland), vì thế cô là người mang hai quốc tịch.

Trong giấy tờ nhận con nuôi ghi rõ: "Mẹ của cô là Ngô Thị Dung, sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khoảng 18 tuổi (tức sinh khoảng năm 1974), đến từ Gia Lâm".

Tuổi Trẻ Online đã gửi thông tin về trường hợp của Iris Dager đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Phía bệnh viện đang nỗ lực phối hợp tìm kiếm các thông tin liên quan.

* Một mình lặn lội đến Việt Nam tìm mẹ, Iris cảm nhận được điều gì?

- Ngày 25-3, tôi đặt chân đến Việt Nam. Sau đó tôi có khoảng một tuần ở Lào. Bạn biết không, khi quay trở lại Việt Nam, tôi có cảm giác rất quen thuộc.

* Bạn có thể lý giải về cảm giác quen thuộc mà bạn vừa nhắc đến?

- Đến Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến các bước phải thực hiện để tìm được mẹ. Thú thực là công việc cảnh sát đã rèn cho tôi một lối tư duy lý tính, giữ thái độ lạnh lùng và xa cách với mọi thứ.

Nhưng khi bước chân trên mảnh đất này, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ: Tôi cảm nhận được sự hòa nhập. Mọi người xung quanh rất giống tôi - tóc đen, da vàng - và tôi có thể hòa lẫn vào đám đông ở đây.

tìm mẹ

Cô bé Nguyễn Mai Thanh ngày nhỏ - Ảnh: NVCC

Iris đã đến gặp người phụ nữ được cho là rất giống mình...

* Hành trình tìm mẹ ở Việt Nam của bạn diễn ra như thế nào?

- Đầu tiên tôi tìm một người phiên dịch. Ngay sau đó, chúng tôi tìm tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nơi sinh trên giấy khai sinh), nhưng họ nói rằng không còn lưu trữ hồ sơ nữa nên chúng tôi đã rời đi.

Tôi nói với người phiên dịch rằng chúng tôi có thể thử đến một bệnh viện khác, sau đó chúng tôi đã tìm tới Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Tôi nhớ lúc 10 tuổi, chúng tôi trở về Việt Nam và chứng kiến một gia đình khác cũng nhận con nuôi ở đây. 

Iris/Mai Thanh luôn mong muốn tìm về nguồn cội của mình. Trong ảnh: Mai Thanh mặc áo dài Việt Nam - Ảnh: NVCC

Iris/Mai Thanh luôn mong muốn tìm về nguồn cội của mình. Trong ảnh: Mai Thanh mặc áo dài Việt Nam - Ảnh: NVCC

Khi đến đó, tôi đã nhận ra một vài kiến trúc quen thuộc. Chúng tôi đã nói chuyện với nhân viên ở đây, một người trong số họ nhận ra một vài y tá của Bệnh viện Phụ sản trung ương từ các bức hình tôi có.

Tôi hơi bối rối, có thể là tôi được sinh ra ở một bệnh viện và sau đó được chuyển đến một bệnh viện khác?

Tôi đã liên lạc và gửi vài bức hình cho một nhân viên từng làm việc tại đây, hy vọng rằng người ta có thể chỉ ra người phụ nữ trong hình là ai. Ngoài ra, tôi cũng liên hệ với bộ phận phụ trách về việc nhận con nuôi, Hội Chữ thập đỏ và gửi thông tin cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.

Tôi cũng tìm kiếm thông tin ở một số trường học ở khu vực Long Biên, Gia Lâm. Mẹ sinh tôi năm 18 tuổi, có thể lúc đó bà ấy đang là sinh viên đại học chăng?

tìm mẹ

Từ thông tin những người bạn cung cấp qua Facebook, Iris đã mở rộng việc tìm kiếm quanh Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH

* Đến hiện tại, bạn đã có thêm chút manh mối nào cho việc tìm kiếm này chưa?

- Tuần trước, khi bài báo về câu chuyện của tôi được đăng tải, nhiều người đã liên hệ với tôi trên Facebook và gửi cho tôi thông tin của những người phụ nữ có cùng tên hoặc trông họ có vẻ giống tôi.

Tôi cũng đã tìm đến một người phụ nữ được cho là rất giống tôi ở Ứng Hòa (Hà Nội). Dĩ nhiên tôi không tiết lộ lý do thật sự khi đến đó cho bà ấy, nhưng tôi cảm thấy bà ấy không giống tôi lắm. Những ngày tiếp theo, tôi sẽ cùng người phiên dịch tiếp tục tìm đến vài người phụ nữ trong danh sách hiện tại.

"Chưa bao giờ tức giận vì bị mẹ bỏ rơi"

* Trong "giấy thỏa thuận cho con" có ghi người mẹ không muốn liên lạc lại sau khi rời bệnh viện. Vì sao bạn vẫn kiên quyết đi tìm mẹ?

- Tôi đã muốn tìm mẹ từ rất lâu rồi, đó là niềm hy vọng từ tận sâu bên trong mình. Trên giấy (giấy thỏa thuận cho con - PV) ghi rằng mẹ mới chỉ 18 tuổi khi bà hạ sinh tôi, có thể vì một hoàn cảnh nào đó mà bà buộc phải cho tôi đi.

Có lẽ vào thời điểm cho tôi đi, bà cho rằng không liên lạc là cách tốt nhất, nhưng tôi cũng nuôi hy vọng rằng bây giờ mẹ đã nghĩ khác. Thời gian là liều thuốc tốt nhất chữa lành vết thương, qua thời gian chữa lành, liệu mẹ đã sẵn sàng gặp lại con gái mình hay chưa?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy tức giận hay buồn vì mẹ đã bỏ rơi tôi. Bố mẹ nuôi đã cho tôi một cuộc sống tốt đẹp cùng rất nhiều tình yêu thương.

* Hiện bạn chỉ còn ít ngày ở Việt Nam, điều bạn mong muốn nhất bây giờ là gì?

- Tôi rất mong có thể tìm thấy mẹ. Hoặc mẹ sẽ tìm đến tôi. Tôi tới Việt Nam để tìm mẹ ruột của mình vì mẹ là người duy nhất mà đến tận giờ phút này tôi không biết gì về bà cả. Có lẽ bà cũng là người duy nhất có thể giúp tôi hiểu rõ mình là ai.

Tôi sẽ rất vui nếu có thể gặp được bất cứ người thân, máu mủ ruột thịt nào của gia đình tôi: cha tôi, anh chị em ruột, anh chị em họ, bất cứ ai. Nếu bạn thấy những bức ảnh của tôi và nghĩ rằng tôi có nét tương đồng với một người mà bạn biết hoặc thậm chí trông tôi thân quen và rất giống bạn, hãy liên lạc với tôi nhé!

Nếu độc giả có thông tin về trường hợp của Iris Dager/Nguyễn Mai Thanh, vui lòng liên hệ với tòa soạn Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ email: [email protected]; hoặc qua email của Iris Dager: [email protected].
Hành trình tìm mẹ của ca sĩ người Mỹ gốc Việt gây thổn thứcHành trình tìm mẹ của ca sĩ người Mỹ gốc Việt gây thổn thức

Ca sĩ hải ngoại Randy khiến MC Thúy Nga xúc động với tuổi thơ bị ruồng bỏ vì mang 2 dòng máu và hành trình tìm mẹ gian nan gần 20 năm ròng rã.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp