08/07/2018 14:56 GMT+7

Cô gái đứng dậy bằng nụ cười

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - "Làm việc và tự nuôi sống bản thân mình, có thể giúp đỡ gia đình và góp phần làm đẹp cuộc đời". Khi trò chuyện với chúng tôi, Hằng luôn nở nụ cười. Dù đôi khi nụ cười bị những cơn đau làm cho méo mó.

Cô gái đứng dậy bằng nụ cười - Ảnh 1.

Từ ngày có thể tự kiếm sống bằng công việc làm tranh đính đá, Hằng đã bắt đầu biết cười, dù để cười thôi cũng là điều rất khó nhọc - Ảnh: QUỐC NAM

Giữa trưa tháng 7 nắng rát, trong một gian nhà gạch thô ẩm thấp, cô gái ấy miệt mài gắp cây bút chấm từng viên đá nhỏ li ti vào bức tranh trải giữa giường.

Cô không phải dùng tay để chấm mà là dùng chân gắp - một cách khá khó nhọc. Nhưng điều đặc biệt, trên môi cô luôn nở nụ cười.

Mình đã sống trong sự tự ti về diện mạo của bản thân suốt mấy mươi năm qua. Nhưng càng ngày mình càng thấy điều đó là không cần thiết nữa

Cô gái làm tranh

Đó là Võ Thị Lệ Hằng, 31 tuổi, nhà ở tiểu khu Truyền Thống, thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình.

Ngôi nhà của Hằng nằm trên một ngọn đồi và hoàn toàn tách biệt với những ngôi nhà khác. Ngôi nhà này thực tế còn đơn sơ, chật hẹp, nóng bức hơn cả những gì chúng tôi nhìn thấy qua đoạn livestream mà cô đưa lên trên Facebook.

Hằng ngồi khom người trên chiếc giường cũ kỹ, trước mặt là bức tranh lớn vẽ mấy con ngựa phi được trải ra.

Đôi tay Hằng co quắp, chỉ có thể huơ qua huơ lại trước mặt để giữ thăng bằng. Một chân Hằng kẹp chặt cây bút, chân kia giữ chặt lọ đựng đá màu nhỏ ti li.

Hằng gồng mình đưa chân chấm cây bút vào lọ, chọn màu đá rồi chấm vào bức tranh trước mặt. Chọn đá đúng màu với vị trí cần đính vào là việc khiến Hằng vất vả nhất.

Ngoài trời gió lào quật quật thổi. Hơi nóng của nắng tháng 7 cứ táp vô các kẽ hở của ngôi nhà khiến cô gái ròng ròng mồ hôi trán. Hằng nói lỡ hẹn với khách rồi nên phải gắng làm xong bức tranh để kịp giao.

Cô gái đứng dậy bằng nụ cười - Ảnh 3.

Hai mẹ con Hằng và góc nhà của riêng cô, vừa là nơi để Hằng ăn, ngủ và làm việc - Ảnh: QUỐC NAM

Cười để mạnh mẽ hơn

Ngày sinh Hằng, bà Bùi Thị Thu Hà không thể ngờ đứa con gái bé bỏng của bà mang trong mình căn bệnh bại não.

Được mấy tháng, chân tay Hằng teo lại rồi co quắp dần. Đôi tay cô mất khả năng cầm nắm mọi vật, hai chân thì không đi đứng được nữa mà chỉ có thể bò lết.

Lớn lên thành thiếu nữ, đó cũng là lúc Hằng ý thức rõ ràng nhất về các khiếm khuyết của mình. Nhưng Hằng rất lạc quan.

Khi trò chuyện với chúng tôi, Hằng luôn nở nụ cười. Dù đôi khi nụ cười bị những cơn đau làm cho méo mó.

Hằng kể trước kia mình cũng hay khóc vì tủi phận. Hằng nhìn những bạn bè cùng trang lứa đi nơi này nơi khác, làm đủ các việc có ý nghĩa rồi nhìn lại đôi tay co quắp, đôi chân đứng không vững của mình.

Hằng không được đi học ngày nào. Nhưng Hằng biết chữ, biết đọc sách, đọc báo. Từ nhỏ, Hằng học mót các em của mình khi chúng học bài.

Từ đó, Hằng tìm đọc được các câu chuyện trên mạng về những người khuyết tật như mình.

Hằng đọc rất kỹ về các nhân vật ở nước ngoài như Nick Vujicic và cả những người Việt như cô quản thư không tay tên Huỳnh Thị Xậm ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM.

"Mình đọc về cuộc đời họ. Về cách họ vượt qua những rào cản về thân thể để trở thành người có ích. Họ cũng khuyết tật như mình. Họ làm được thì mình cũng làm được" - Hằng nói.

Từ đó, Hằng xác định được bản thân và không còn buồn vì khiếm khuyết của mình nữa. Hằng cũng "biết" cười với cuộc đời từ đó.

Hằng bắt đầu hành trình trở thành người bình thường. Hằng cũng nghĩ phải kiếm việc gì đó làm để tự nuôi sống bản thân và không là gánh nặng cho cha mẹ. Ý nghĩ này ngày càng mãnh liệt trong đầu của cô gái tật nguyền.

Hằng lặng lẽ lên mạng tìm kiếm những công việc phù hợp. Ban đầu, một người quen giới thiệu cho Hằng đi học nghề mây tre đan. Hằng cũng hăng hái đi. Nhưng rồi sức khỏe và giới hạn vận động của bản thân không cho phép Hằng theo đuổi công việc đó.

Không nản, Hằng tiếp tục tìm kiếm. Tình cờ Hằng thấy trên Facebook có người hướng dẫn làm tranh đính đá. Hằng quyết định thử sức.

Bức tranh đầu tiên Hằng đặt hàng phôi tranh và đá qua mạng. Nhận về nhà, Hằng bày ra giữa nhà và bắt đầu tập dùng chân gắp bút chấm đá vào tranh.

Liên tục cả tháng trời, Hằng cặm cụi gắp từng viên đá nhỏ.

"Hằng quyết tâm lắm. Có bữa làm gắng, bàn chân tê buốt, cứng đơ nhưng không nản. Cứ khăng khăng "con làm được" rồi tiếp tục cho đến khi hoàn thành" - bà Bùi Thị Thu Hà, mẹ Hằng, kể.

Bức tranh đầu tiên của Hằng rao bán trên mạng được một người ở Hà Nội mua với giá 900.000 đồng. Cầm đồng tiền đầu tiên do chính mình làm ra sau 30 năm trời nằm một chỗ và "ăn bám", Hằng ứa nước mắt.

Lần đầu tiên Hằng thấy giọt nước mắt của mình không có vị cay.

Hằng dùng số tiền đó để đầu tư làm tiếp những bức tranh khác lớn hơn. Cứ khoảng hai tháng Hằng làm xong một bức. Số tiền Hằng bán được khoảng 2-3 triệu đồng.

Đã hơn một năm nay Hằng có thể tự nuôi sống mình bằng tiền làm tranh đá như thế.

"Với một người bình thường số tiền đó quá nhỏ bé. Nhưng với mình là cả một gia tài" - Hằng nói.

Từ chối nhận tiền vì không chữa được bệnh

Hai năm trước, một số người biết đến câu chuyện của Hằng đã ủng hộ một số tiền để cô ra Hà Nội tìm cách điều trị đôi chân để có thể tự đi lại. Nhưng sau đó, các bác sĩ tại đây đã kết luận trường hợp của Hằng hiện tại không thể làm gì khác bởi quá tuổi có thể điều trị.

Ngay khi về, Hằng thông báo với mọi người đừng hỗ trợ cho mình nữa mà hãy chuyển sự hỗ trợ đó qua cho người khác vì nhiều người còn cần số tiền đó hơn.

Mơ làm người bình thường

Xong bữa cơm trưa, Hằng nhờ mẹ lấy giúp chiếc lược giắt bên liếp cửa. Cô gái 31 tuổi tỉ mẫn kẹp cái lược vào giữa ngón chân cái rồi đưa lên đầu chải. Cô cũng đưa chân còn lại lên vuốt vuốt mái tóc xõa xuống trán.

Chải tóc xong, Hằng lết vào góc giường lấy ra thỏi son đã mòn vẹt. Cô đưa chân gắp lấy cái gương rồi đưa lên miệng tô nhẹ nhàng lên môi.

Hằng nói cô chưa bao giờ biết dùng son cho đến khi bắt đầu làm tranh đính đá và rao bán trên mạng xã hội.

Hằng nói mình đã bị khuyết tật tay chân, cả gương mặt cũng không được bình thường, nhưng khi xuất hiện trước mọi người Hằng muốn mọi người nhìn mình như một con người giống những con người khác.

Hằng cũng là một cô gái, mà nếu không mang tật nguyền thì ở độ tuổi xuân sắc này cô cũng sẽ quen với việc làm đẹp, với son phấn, với xúng xính áo quần.

Trước kia khi mới bắt tay vào làm tranh, Hằng còn ngại ngùng khi đưa hình ảnh của mình lên mạng xã hội. Hằng sợ mọi người chưa nhìn tranh của Hằng bán thì đã ám ảnh bởi diện mạo của mình.

Nhưng mới đây, Hằng quyết định phát sóng trực tiếp quá trình làm tranh của mình lên mạng để mọi người được chứng kiến hành trình lao động của cô.

Hằng muốn mọi người nhìn thấy đôi chân cô gắp từng viên đá nhỏ li ti đính vào bức tranh như thế nào, những giọt mồ hôi đã rơi ướt cả áo mình ra sao...

Nói thì đơn giản thế thôi nhưng Hằng đã phải mất rất nhiều đêm suy nghĩ để quyết định về sự thay đổi này.

"Mình đã sống trong sự tự ti về diện mạo của bản thân suốt mấy mươi năm qua. Nhưng càng ngày mình càng thấy điều đó là không cần thiết nữa" - Hằng nói.

Và đó cũng là lý do Hằng nghĩ đến chuyện mượn thỏi son của mẹ mỗi khi xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước mặt tôi, Hằng đưa chân gắp lấy cái điện thoại, mở Facebook một cách thành thạo rồi gõ một đoạn status trước khi phát sóng trực tiếp việc làm tranh:

"Người khiếm khuyết như tôi không mong gì hơn là có thể làm việc và tự nuôi sống bản thân mình, có thể giúp đỡ gia đình và góp phần làm đẹp cuộc đời".

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp