Theo báo cáo từ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) vừa gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM, trường hợp bệnh nhân bị tai biến hôn mê, xuất huyết não sau phẫu thuật thẩm mỹ hạ gò má, gọt góc hàm, nhổ răng, đặt túi ngực là N.T.H. (26 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7).
Trước đó, bệnh nhân vào bệnh viện lúc hơn 9h sáng 9-1 với chẩn đoán gò má cao, phì đại góc hàm, răng mọc lệch, vú nhỏ…
Phương pháp phẫu thuật sau đó mà bệnh viện đưa ra là hạ gò má, gọt góc hàm, nhổ răng, đặt túi ngực. Nhưng chỉ sau hơn hai tiếng được thực hiện thủ thuật, bệnh nhân này rơi vào hôn mê, xuất huyết não, chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và hiện đã được gia đình xin về vì quá nặng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về trường hợp này, PGS Đỗ Quang Hùng - nguyên trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy), phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP.HCM - cho biết việc cùng lúc phẫu thuật thẩm mỹ hạ gò má, gọt hàm, nhổ răng, đặt túi ngực này là rất rủi ro và nguy hiểm cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
Đặt tình huống nếu là bản thân được yêu cầu, bác sĩ Hùng nói: "Tôi không dám mạo hiểm", và cho rằng trong 4 kỹ thuật này, việc nhổ răng khôn cũng đã là phức tạp.
Do đó, bác sĩ chỉ nên thực hiện tối đa 2 hoặc thậm chí 3 kỹ thuật.
"Có thể làm vùng ngực trước, vùng mặt sau rồi đến nhổ răng khôn. Thực tế nhổ răng khôn tưởng đơn giản nhưng rất đau, tác động ảnh hưởng nhiều đến hệ thần kinh. Với kinh nghiệm của mình, tôi không dám thực hiện các kỹ thuật này cùng lúc như thế" - bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng cho rằng bên cạnh các khuyến cáo nêu trên, điều quan trọng hơn nữa là khâu chăm sóc hậu phẫu. Kết thúc phẫu thuật, theo báo cáo bệnh nhân tự thở được, gọi đáp ứng và tiến hành rút nội khí quản.
Vậy tại sao sau đó lại rơi vào hôn mê nhanh thế? Bác sĩ Hùng đặt vấn đề và cho rằng cần xem lại khâu chăm sóc hậu phẫu với ca bệnh này.
Một giám đốc bệnh viện thẩm mỹ có nhiều kinh nghiệm ở TP.HCM cho rằng nguyên tắc của một ca phẫu thuật phụ thuộc vào các yếu tố, gồm sức khỏe bệnh nhân, thời gian phẫu thuật, người phẫu thuật, kỹ thuật mổ và ê kíp gây mê hồi sức (trước, trong và sau phẫu thuật).
"Mổ vùng hầu miệng như nhổ răng khôn, gò hàm, gò má thì vấn đề tiết dịch, chảy máu và làm sưng phù nề rất nhiều. Do đó, quan trọng để giải quyết vấn đề này sẽ ở khâu hồi sức" - giám đốc bệnh viện này nói.
Với kinh nghiệm của mình, vị này cho rằng với 4 kỹ thuật này cá nhân ông phẫu thuật phải mất khoảng 4 tiếng (trong khi trường hợp này hết khoảng 2,5 giờ), như vậy là quá nhanh, có thể do trình độ chuyên môn chưa thể đánh giá được.
Bác sĩ phẫu thuật nói gì?
Việc cùng lúc phẫu thuật hạ gò má, gọt hàm, nhổ răng, đặt túi ngực cho cô gái 26 tuổi có rất nguy hiểm hay không? TS Lê Tấn Hùng (người được Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh báo cáo là phẫu thuật viên cho ca bệnh nêu trên) nói việc này đã được hội đồng khoa học của bệnh viện trả lời.
Nhưng quan điểm cá nhân ông ra sao? Ông Hùng nói trước phẫu thuật, các kỹ thuật thực hiện đều được hội đồng khoa học của bệnh viện duyệt mổ và bệnh viện đã trả lời bằng văn bản cho các cơ quan chức năng.
Theo thông tin trên cổng tra cứu thông tin chứng chỉ hành nghề của TP.HCM, ông Lê Tấn Hùng là bác sĩ răng hàm mặt, được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề năm 2012 với phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Ông Hùng từng công tác tại 3 đơn vị khác, trước khi được cấp giấy phép làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vào tháng 6-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận