16/03/2020 13:58 GMT+7

Cô gái Ba Na lớp 9 đã nuôi con người ta

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 14 tuổi, đang học lớp 9, cô gái người Ba Na ấy nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh. 11 năm sau, cô nuôi tiếp một đứa nữa. Cô bảo hành trình làm mẹ của mình đầy sóng gió, tuổi thơ cũng không được bình thường như bạn bè...

Cô gái Ba Na lớp 9 đã nuôi con người ta - Ảnh 1.

Y Byen và hai con nuôi cùng bố mẹ trong một lần đi ăn trên phố - Ảnh: NVCC

Cô gái ấy là Y Byen, người làng Plei Piơm (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai).

Y Byen hẹn gặp ở quán cà phê gần Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (thành phố Pleiku, Gia Lai). Đó là nơi Y Byen làm việc nhiều năm nay, là nguồn thu nhập chính để Y Byen nuôi 2 cậu con trai "nhặt" về từ khi chúng là trẻ sơ sinh.

“Con cái là cái duyên. Đến thì mình nhận. Mình chưa bao giờ hối hận khi nhận nuôi 2 đứa trẻ. Mình nghĩ mọi người chung tay làm việc tốt thì cả xã hội sẽ tốt hơn. Mình tin rằng khi làm việc tốt thì những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên đến.

Y Byen

"Mình nuôi em bé đi mẹ"

30 tuổi, chưa lấy chồng, Y Byen đã là mẹ đơn thân của hai đứa con - không phải con ruột mình. "Mình không có tuổi thơ bình thường như bạn bè" - Y Byen xúc động nói, đôi mắt ngập nước. Tuổi thơ không bình thường ấy bắt đầu từ lựa chọn của Y Byen, khi cô bé đang học lớp 9.

"Hồi đó mình theo mẹ vào một ngôi làng ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang) buôn bán. Bữa đó là ngày 29-2-2004. Mình đang chơi với mấy đứa nhỏ trong làng thì thấy có người chạy ra hốt hoảng bảo có chị kia đẻ xong chết, đứa con còn sống nhưng người nhà muốn chôn theo mẹ, có ai muốn nuôi không? Mình bảo: Mẹ ơi con thấy làm vậy ác quá. Mình nuôi em bé đi mẹ" - Y Byen hồi tưởng câu chuyện 16 năm trước.

Đến nơi, thấy đứa trẻ sơ sinh nằm phơi ngoài nắng chang chang, rốn chưa cắt, Y Byen xót xa lấy áo cuốn đứa trẻ ôm vào lòng. Hai mẹ con Y Byen xin đi nhờ mấy lần xe mới về được nhà. Cô bé nhận là mẹ, đặt tên cho đứa bé là Y Son. Ngày mới có con, Y Byen thích lắm. Cô bé khoe hết người này người kia nhà có em bé. 

Đến khi gia đình họp bàn việc làm sao nuôi được đứa bé, lúc đó Y Byen bỗng thấy mình sẽ không còn được vui chơi như các bạn nữa. Cô bé phải gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ. Y Byen và anh hai thay phiên nhau vừa đi học vừa chăm con. Chiều học xong, Y Byen theo mẹ đi mót mủ cao su tới 19h-20h mới về, lấy tiền mua sữa cho con.

"Phải làm mẹ từ nhỏ nên cuộc sống của mình khác người khác. Mình không có tuổi thơ được bay nhảy như bạn bè. Nhiều khi muốn đi chơi nhưng không được. Có đi chơi cũng không thoải mái như bạn bè, phải ẵm con, lưng cõng gùi mang theo sữa, mang theo cơm" - Y Byen thật tình bảo.

Đi làm mướn Y Byen cũng địu con theo. Có lần Y Byen đi chăn bò thuê, sau lưng là gùi đựng sữa, cơm, áo quần; phía trước bụng địu con. Y Byen cẩn thận cầm cây dù che nắng cho con. Bất ngờ bị gió lớn thổi ngược hướng, hai mẹ con bị hất lăn xuống ruộng lúa ngập nước! "May mà địu con trước bụng, chứ sau lưng thì con ngạt nước mất rồi. Khi đó ngoài ruộng chẳng có ai hết, phải cố gắng mà bò dậy" - Y Byen rớm nước mắt kể.

Có lần cha mẹ đi bán hàng xa cả tuần, gạo hết, nấu cơm chỉ được đúng một chén. Anh hai nhường cho Y Byen ăn. Byen vừa ăn cơm vừa ẵm con cho nó bú bình. Thằng nhỏ tè một phát trúng ngay chén cơm! Y Byen phải rửa cơm bằng nước lạnh rồi ăn tiếp. Rồi Y Byen nhớ hồi chưa làm lại nhà, chỉ che tấm bạt, nhiều đêm mưa ướt dột, mẹ cứ bảo Y Byen nằm bên trong để bà nằm ngoài, chịu ướt gánh hết nước mưa cho con gái và cháu ngoại nuôi Y Son.

Cô gái Ba Na lớp 9 đã nuôi con người ta - Ảnh 3.

Y Byen chịu khó đi hát các đám cưới để có thêm tiền nuôi con - Ảnh: NVCC

25 tuổi, lần nữa làm mẹ của con người ta

Khó khăn cứ thế cũng qua đi. 11 năm sau khi nhận nuôi Y Son, tháng 8-2015, ở tuổi 25, Y Byen lại nhận nuôi một đứa bé khác.

Hôm ấy, ngồi trên xe sau khi đi diễn về, Y Byen nghe nói ở nghĩa địa làng Chuêt Ngol, xã Chư Ă (thành phố Pleiku) có đứa bé vừa bị vứt bỏ. Vừa về cơ quan, Y Byen chạy xuống nghĩa địa ngay, thấy đứa nhỏ vẫn còn máu me đỏ hỏn, toàn thân thâm bầm, đầu có 2 vạch lõm hẳn xuống!

Y Byen cởi áo khoác cuốn thằng bé lại. Đứa nhỏ cứ khóc, Y Byen nói vu vơ: con ơi, mẹ đây rồi, con đừng khóc nữa. "Thiêng liêng lắm. Như kiếp trước mình là mẹ của bé vậy. Mình vừa nói vậy, cái tay nhỏ bé của con chụp lấy ngón út của mình, nắm chặt" - Y Byen kể.

Từ đó, cô gái có thêm đứa con trai thứ hai. Cô đặt tên con là Y Sơn. Y Sơn sinh ngày 10-8-2015. Thằng bé đẻ non, lại bị viêm rốn. Y Byen mất một tháng đưa con đi chữa. "Làm mẹ rồi mới hiểu được. Như bây giờ ăn một miếng ngon cũng nghĩ tới con đầu tiên" - Y Byen nói.

Thanh xuân của Y Byen không được như bạn bè. Nhiều lúc mệt mỏi quá, cô gái ấy chỉ biết khóc trong lòng, hai tay một bên con nhỏ, một bên con lớn và bốn bức tường.

Chỉ có thể tự mình cố gắng đứng dậy

Chưa chồng, lại mang ở đâu về 2 đứa bé đỏ hỏn nuôi, không phải ai cũng hiểu và trân trọng việc làm của Y Byen, kể cả người trong làng. Có người mỉa mai: nghèo mà còn nuôi con người ta... Có người còn bảo con của Y Byen mà nó không dám nhận đấy... "Mình như chiến sĩ thầm lặng, thanh minh làm gì" - Y Byen rắn rỏi nói. 

Có lần trời mưa, Y Byen chở con đằng trước, 2 bao cám đằng sau về cho heo ăn, bị trượt té. "Cứ nghĩ người sau đỡ hai mẹ con mình đứng dậy, nhưng không, họ chỉ cười! Trải qua nhiều sóng gió, mình nhận ra: không ai giúp mình ngoài bản thân mình. Chỉ có thể tự mình cố gắng đứng dậy, vượt qua mà thôi" - Y Byen cay đắng bảo.

Để có tiền nuôi con, Y Byen chịu khó đi hát đám cưới. Một tháng kiếm được 1-2 triệu đồng, mùa cưới được 3 triệu đồng. Có lúc mệt mỏi kiệt quệ nhưng thấy các con ngây thơ, đáng yêu, cô lại cố gượng dậy. Cứ nghĩ mình phải khỏe thì lên sân khấu hát trọn 2 bài được 200.000 đồng mới có tiền mua sữa cho con.

Y Byen còn nuôi 3 con heo nái. Vừa rồi dịch bệnh, heo chết, lỗ tiền cám, chưa kể công chăm. Năm nào Y Byen cũng phải vay ngân hàng. "Người ta có chồng cáng đáng cùng còn chật vật, huống gì mình chỉ có một mình" - Y Byen bảo.

y ben- nu cuoi hanh phuc cua hai con

Nụ cười hạnh phúc của hai đứa con mà Y Byen mang về nuôi từ khi còn là trẻ sơ sinh - Ảnh: Y Byen

Chấp nhận làm mẹ 2 đứa trẻ, có lúc rung động với người khác, Y Byen cũng không thể sống vì hạnh phúc cho riêng mình. Tình yêu của cô gái ấy không được như bao người trẻ tuổi khác, có thương thì để trong lòng. Y Byen cứ nghĩ mình là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con, sợ làm người ta khổ theo. "Xấu cũng được, nghèo cũng được, chỉ cần là người tốt, thương mình, thương cả con mình. Nhưng khó gặp người như vậy lắm. Tụi nhỏ đã bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới đẻ. Lỡ người đàn ông của mình không thương thật lòng, khi buồn họ xúc phạm con mình thì khổ cho con lắm" - Y Byen cười buồn hiu bảo.

Cô gái Ba Na rạng rỡ hẳn khi nói đến hai con trai. Y Son giờ đã học lớp 9. Còn Y Sơn 5 tuổi, đang học mẫu giáo. "Bé lớn lúc gọi là mẹ, lúc gọi là chị. Còn bé nhỏ không gọi mẹ đâu, mà gọi mẹ mập không à. Y Sơn lanh hơn anh, nói nhiều. Mình mà bị gì, cu Sơn bảo mẹ mập ơi mẹ đau hả, con lấy dầu xoa cho mẹ nha.

Cái tay nhỏ bé của con bóp bóp lên trán rồi thoa dầu cho mình, thích lắm. Có lần Y Sơn bảo mai mốt con làm công an kiếm tiền mua sữa cho mẹ mập. Chẳng cần gì lớn lao, nghe con nói vậy thôi, hạnh phúc lắm" - Y Byen mỉm cười kể.

Bác Ban, Bác Ban, 'máy thở' của phường!

TTO - Mỗi sáng, đạp xe vòng hết các ngóc ngách trong phố nhỏ, ông Vũ Kim Ban (75 tuổi, bác sĩ về hưu. P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM) đi 'cập nhật' sức khỏe người dân nghèo hay bất cứ ai bị đau ốm.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp