TT - Sau sáu năm kể từ lần đầu tiên ra mắt, vở kịch Cô gái ăn cắp (chuyển thể từ tiểu thuyết Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng) đã được công diễn trở lại với một phiên bản mới từ ngày 26-11 tại sân khấu Phú Nhuận, TP.HCM.
Phóng to |
Năm Sài Gòn (Đức Thịnh) và Tám Bính (Lan Phương) trong lần đầu tiên gặp nhau ở bến tàu - Ảnh: Minh Trung |
Vẫn tập trung vào khai thác số phận của hai nhân vật chính Tám Bính - Năm Sài Gòn chứ không minh họa lại tiểu thuyết Bỉ vỏ, câu chuyện của Cô gái ăn cắp lần này đã ít nhiều có sự tiết chế gọn gàng hơn so với bản dựng cũ (dù tổng thời lượng vẫn gần ba giờ đồng hồ). Không khí của một vùng đất Bắc thời Pháp thuộc được tái hiện bằng cây cầu sắt, bến tàu, xe kéo, đám phu khuân vác, những gã quan Tây và lính Việt "nói như chim hót", ả đào hát mặc áo dài nhung trong nhà thổ...
Giữa không gian ấy, số phận của những con người như Tám Bính, Năm Sài Gòn, Tư Lập Lơ... cứ thăng trầm như một trò đùa dai dẳng của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Tám Bính - cô gái quê chân chất lên thành thị để tìm chồng và kiếm tiền chuộc lại đứa con nhỏ bị bán. Năm Sài Gòn - một tên giang hồ khét tiếng muốn rửa tay gác kiếm đi làm phu khuân vác để sống một cuộc sống bình thường. Nhưng cuộc đời của họ lúc nào cũng bị đẩy về những phía tối không ngờ. Tám Bính thành gái điếm rồi thành một bỉ vỏ (gái đi ăn cắp) điêu luyện sống ở gầm cầu. Năm Sài Gòn vẫn phải vấy máu khi tự tay giết một tên đàn em phản bội và tham gia vào một phi vụ cuối cùng. Họ gặp nhau ở những khúc quanh của số phận, những buồn vui đau khổ của kiếp người sống dưới đáy xã hội vì thế cũng rõ nét hơn, khốc liệt hơn.
Lần này, cô gái ăn cắp Tám Bính được thể hiện qua diễn xuất của diễn viên trẻ Lan Phương, thay cho Cát Phượng của bản dựng đầu tiên. Nếu như Cát Phượng từng để lại ấn tượng khá sâu sắc về một Tám Bính đau khổ nhưng bất cần, quê mùa nhưng ranh mãnh, thì Lan Phương với nhân dáng của một diễn viên múa lại tạo nên một Tám Bính mong manh nhưng mạnh mẽ và ngầm chứa một sự phản kháng quyết liệt.
Trong khi đó, Năm Sài Gòn cực ngầu của Thái Hòa khi xưa giờ được thay bằng Ðức Thịnh, với dáng vẻ có phần "bệ vệ" và đôi khi lóng ngóng nhưng vẫn giữ được "khí chất" của một tay đàn anh uy quyền, khẳng khái. Diễn xuất của các diễn viên Xuân Trang, Hoàng Thy, Hòa Hiệp cũng đã góp phần đem lại thành công bước đầu cho bản dựng mới khi nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả.
Bản dựng mới vẫn do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn, nên hẳn nhiên là mang đậm phong cách của Doãn Hoàng Giang với bục bệ, màn trướng và lời dẫn kết. Nhưng trên hết, sự trở lại này của ông và Cô gái ăn cắp ở sân khấu Phú Nhuận cho thấy sức sống của một vở kịch mang phong vị Bắc trên sân khấu miền Nam. NSND Doãn Hoàng Giang từng cho rằng sân khấu TP.HCM sau những vở hài bông phèng cũng cần thiết phải có những vở diễn nghiêm túc mang tính hiện thực và phê phán.
Tất nhiên, vở diễn này của ông cũng ít nhiều có chút bông phèng không thể khác để có thể bán vé, nhưng cái chất bi thương và khốc liệt của một cuộc đấu tranh sinh tồn, khát khao lương thiện bị bủa vây, quy luật nhân quả và lưới trời lồng lộng... vẫn được thể hiện thật sự nghiêm túc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận