Hình từ bài viết |
Cuộc đời của những cô gái Việt chết thảm nơi xứ người hầu như luôn giống nhau ở một điểm: gia đình nghèo. Nghèo cũng là lý do để người ta thương cảm và thông cảm cho sự nhắm mắt đưa chân của họ.
Riêng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là cách suy nghĩ của chính các bậc sinh thành, của người thân các cô và kể cả bản thân các cô.
Với đa số bậc cha mẹ này, có thể nói con gái của họ bị xem như một tài sản chung của gia đình. Nuôi lớn rồi gả đi với mục đích nhận lại một lợi ích vật chất nào đó, để cải thiện cuộc sống của những người còn lại chứ không hẳn chỉ là để trao cho con một cuộc sống hạnh phúc.
Những vụ việc đau lòng gần đây:>> |
Tôi rất đau lòng khi nghe một trong những người cha, người mẹ tâm sự với phóng viên các báo khi con gái của họ vừa bị chồng Hàn sát hại cách đây khoảng bốn tháng: “… con gái người ta lấy chồng nước ngoài năm trước, năm sau đã cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ…” hay “Coi như nó đã trả xong nợ cho cha mẹ, giờ yên nghỉ rồi”.
Trời ơi, đến giờ phút người con gái đáng thương chết đi, những bậc làm cha làm mẹ vẫn còn nghĩ đến chuyện “trả nợ cha mẹ”.
Dù thừa hiểu đó là câu nói của người sống dành cho người chết, để người chết nhẹ lòng và thanh thản ra đi song tôi vẫn không khỏi xót xa.
Bởi điều đó phần nào cho thấy trong suy nghĩ của không ít bậc làm cha làm mẹ, khi sinh con ra là họ đã mặc định con đã “nợ” họ rồi.
Phải chăng họ hoàn toàn không bao giờ nghĩ được rằng khi sinh con ra, chính họ đã nợ con mình một cuộc sống tử tế?
Nói ra thì có vẻ cực đoan, nhưng tôi cho rằng những người cha, người mẹ này nghĩ đến bản thân họ nhiều hơn là nghĩ cho con gái!
Mặt khác, suy nghĩ “gả con gái cho người giàu có để nhờ cậy” hay “lấy chồng để đổi đời” còn làm thui chột ý chí vươn lên bằng chính sức lao động của họ.
Quê tôi là một tỉnh không nghèo nhưng cũng có vài trường hợp lấy chồng Hàn Quốc mà tôi trực tiếp chứng kiến.
Trong các gia đình này, gần như các thành viên khác đều không muốn làm việc cực khổ, không muốn lao động gì nữa khi biết chị gái/em gái/con gái họ đã lấy được chồng Hàn giàu có.
Họ sống dựa dẫm vào sự chu cấp của cô gái trẻ - người phải bôn ba một thân một mình nơi xứ lạ, đôi khi phải chịu trăm ngàn cay đắng để có tiền gửi về cho cha mẹ xây nhà, trả nợ, chữa bệnh hay thậm chí tiêu xài.
Có bao giờ họ nghĩ đến chuyện cô gái phải ăn nói ra sao với chồng và gia đình chồng khi cứ dấm giúi tiền gửi về cho gia đình mình hay không?
Đến khi nào các bậc cha mẹ nghèo thôi coi con gái họ như một "tài sản", đến khi nào bản thân các cô gái không còn suy nghĩ “đổi đời bằng cách lấy chồng” thì may ra những bi kịch cô dâu chết tức tưởi nơi xứ người mới không còn lặp lại.
Bạn có đồng quan điểm hay có ý kiến khác với tác giả bài viết này? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email [email protected], hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, không gõ CAPS LOCK. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận